Ngày 9/1/2023, tại kỳ họp bất thường lần thứ 2, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua. Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế.
Từ 1/1/2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chính thức có hiệu lực gồm 12 chương và 121 điều, điều đầu tiên trong nguyên tắc khám chữa bệnh là tôn trọng, bảo vệ, đối xử bình đẳng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh.
Theo đó, một số quy định mới về người hành nghề khám, chữa bệnh theo luật khám bệnh, chữa bệnh 2023, cụ thể là:
Mở rộng đối tượng hành nghề trên cơ sở thay đổi từ việc cấp giấy phép hành nghề theo văn bằng chuyên môn sang quy định cấp giấy phép hành nghề theo chức danh chuyên môn.
Các chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề bao gồm: Bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng, lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
Thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ việc cấp giấy phép hành nghề thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề (không áp dụng đối với lương y, người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền).
Luật quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề.
Đồng thời, quy định người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, chữa bệnh, trừ một số trường hợp hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo.
Ngoài ra, Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 cũng bổ sung một số quy định mới về cơ sở khám, chữa bệnh:
Bổ sung quy định bắt buộc cơ sở phải tự phải đánh giá chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành theo định kỳ hằng năm và phải cập nhật kết quả tự đánh giá lên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để làm căn cứ cho việc kiểm tra, đánh giá cũng như công khai thông tin về mức độ chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bổ sung quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mục tiêu từng bước liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Về tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Luật thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp chuyên môn.
Cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trịngười bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ.
Ngoài ra, 7 nhóm đối tượng được ưu tiên khám chữa bệnh gồm: Người bệnh trong tình trạng cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, phụ nữ có thai, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người từ đủ 75 tuổi trở lên, người có công với cách mạng phù hợp với đặc thù của cơ sở khám chữa bệnh.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/mot-so-quy-dinh-moi-ve-nguoi-hanh-nghe-kham-chua-benh-a79583.html