Kỳ họp chuyên đề thứ 15, HĐND Tp.Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ được tổ chức vào ngày 29/3, thông tin trên được Thường trực HĐND Tp.Hà Nội phát đi ngày 25/3.
Tại kỳ họp này, HĐND Tp.Hà Nội sẽ xem xét 17 nội dung quan trọng. Trong đó, HĐND sẽ xem xét thông qua đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
UBND Tp.Hà Nội vừa có tờ trình báo cáo Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 gửi HĐND Tp.Hà Nội. Theo đó, đồ án lần này thể hiện, mô hình cấu trúc vùng đô thị đã được xác định tại Quy hoạch chung năm 2011, đó là chùm đô thị đa cực, đa trung tâm với 5 vùng đô thị. Trong đó, 5 vùng đô thị gồm: vùng đô thị trung tâm, vùng đô thị phía đông, vùng đô thị phía bắc, vùng đô thị phía tây và vùng đô thị phía nam.
Hệ thống đô thị được phân cách bằng hành lang xanh, nêm xanh, liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, hướng tâm.
Đồ án cũng định hướng có 5 trục không gian chính, trong đó trục sông Hồng sẽ phát triển là không gian xanh trung tâm của đô thị trung tâm, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế - xã hội và là không gian điểm nhấn biểu tượng của thủ đô Hà Nội. Trục này sẽ được phát triển đô thị, công viên sinh thái 2 bên bờ sông, trị thủy, khai thác giá trị cảnh quan, cảng sông, du lịch 2 bên bờ sông.
Trục không gian thứ 2 là hồ Tây - Ba Vì, được kết hợp đồng bộ không gian đại lộ Thăng Long, QL6; đồng thời xây dựng trục kết nối văn hóa Thăng Long - Xứ Đoài, kết nối trung tâm thủ đô với thành phố phía tây và kết nối các tỉnh lân cận phía tây, Tây Bắc, vùng miền núi và trung du phía bắc.
Trục không gian thứ 3 là hồ Tây - Cổ Loa. Đây là trục kết nối di sản đô thị lịch sử; kết hợp đồng bộ không gian kết nối hồ Tây - cầu Tứ Liên - Cổ Loa. Trục này định hướng bố trí các công trình văn hóa, công trình biểu tượng dọc trục, kết hợp với các làng truyền thống, cảnh quan mặt nước và khu di tích Thành Cổ Loa, trở thành không gian văn hóa lịch sử và văn hóa.
Trục không gian thứ 4 là Nhật Tân - Nội Bài, định hướng là trục phát triển kinh tế, đô thị thông minh, hiện đại, gắn với Cảng hàng không cửa ngõ quốc tế Nội Bài và thành phố phía bắc.
Trục không gian thứ 5 là trục nam Hà Nội, được phát triển gắn với trục văn hóa Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính; kết nối di sản Thăng Long - Hoa Lư, gắn với vùng di tích Hương Sơn - Tam Chúc, cảng hàng không thứ 2 Vùng thủ đô và đô thị Phú Xuyên…, tạo dư địa và động lực phát triển mới.
Đồ án còn thể hiện sông Hồng sẽ là biểu tượng phát triển của thủ đô. Bởi lẽ, sông Hồng hội tụ các yếu tố về tự nhiên, văn hóa lịch sử và tầm vóc để so sánh với các đô thị lớn của thế giới, các nền văn minh lớn của quốc tế, xứng tầm để quy hoạch phát triển trở thành biểu tượng của thủ đô Hà Nội.
"Phát triển sông Hồng trở thành không gian phát triển, không gian sinh thái, không gian văn hóa, không gian kinh tế, nơi thể hiện các biểu tượng phát triển của thủ đô Hà Nội về dịch vụ, khoa học - công nghệ, văn hóa, không gian kiến trúc của Hà Nội theo từng thời kỳ phát triển. Trục sông Hồng được xây dựng trở thành trung tâm hội tụ, là mặt tiền, điểm nhấn quan trọng của vùng đô thị hóa đồng bằng sông Hồng…", đồ án nêu rõ.
Về lĩnh vực giao thông công cộng, Hà Nội sẽ rà soát, điều chỉnh lại mạng lưới đường sắt đô thị, các tuyến xe buýt hiện đại kết nối đồng bộ với hệ thống đường sắt quốc gia và giữa các tuyến đường sắt đô thị.
Đặc biệt, thành phố sẽ nghiên cứu thêm hệ thống xe buýt hiện đại hoặc tuyến monorail (hệ thống tàu một ray) chạy ven 2 bờ sông Hồng để kết hợp du lịch, cảnh quan.
Ngoài ra, kỳ họp cũng xem xét các vấn đề khác liên quan đến dịch vụ vận chuyển cấp cứu ngoài bệnh viện; chế độ bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ thành phố; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/quy-hoach-ha-noi-den-nam-2045-song-hong-se-la-bieu-tuong-cua-thu-do-a79788.html