Ngày 26/4, Bộ Y tế cho biết, tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới đang diễn biến phức tạp, trong đó: sởi, ho gà…được ghi nhận gia tăng tại nhiều quốc gia.
Tháng 4 năm 2024, Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên thế giới.
Trong nước, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên trong bối cảnh chung của thế giới, tại Việt Nam đã ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch sởi, ho gà, thủy đậu... và đã bắt đầu có xu hướng tăng ở một số địa phương.
Bên cạnh đó, một số bệnh lưu hành như tay chân miệng, bệnh dại hiện cũng có số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023. Tháng 4 năm 2024 đã ghi nhận trường hợp tử vong do cúm A(H5N1), đây là trường hợp mắc thứ 2 kể từ năm 2014; đồng thời ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc cúm A(H9N2).
Để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và cao điểm du lịch hè 2024 sắp tới, nhu cầu đi lại tăng cao, Bộ Y tế đề nghị: "UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao trách nhiệm cho UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng mở rộng".
Đối với các Sở Y tế, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay từ cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế.
Xây dựng, triển khai phương án cụ thể sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 năm 2024 và cao điểm du lịch hè 2024; tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại tất cả các tuyến; đảm bảo hoạt động của các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứa lưu động để sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống cho ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.
Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát hoặc phát sinh mới các ổ dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao.
Thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, kịp thời điều trị, cấp cứu người bệnh, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật.
Chủ động, phối hợp cung cấp và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo phòng bệnh cho người dân; xây dựng các tài liệu, sản phẩm, thông điệp truyền thông về phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng vắc xin phòng bệnh phù hợp với phong tục, tập quán, ngôn ngữ của từng địa phương.
Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ ngành y tế và các đơn vị liên quan trong giám sát, phát hiện, điều tra người mắc bệnh truyền nhiễm, tác nhân gây bệnh, các biện pháp xử lý ổ dịch, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực và chăm sóc người mắc bệnh truyền nhiễm.
Thường xuyên rà soát, đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực... đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ.
Tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác phòng chống dịch, tập trung vào khu vực ghi nhận các trường hợp mắc bệnh, có nguy cơ bùng phát dịch và các địa phương chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng, có tỷ lệ tiêm chủng thấp; đồng thời chủ động chỉ đạo, hỗ trợ tuyến dưới trong phòng, chống dịch.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/ubnd-cac-cap-chiu-trach-nhiem-toan-dien-ve-cong-tac-phong-chong-dich-dip-le-304-a79908.html