Cách đây một tháng, đơn vị Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Bệnh viện Da liễu TPHCM tiếp nhận một bệnh nhân nữ (31 tuổi, ngụ tại quận 6) đến khám trong tình trạng có áp xe, nhiễm trùng sau thực hiện kỹ thuật căng chỉ nâng cơ mặt.
Bệnh nhân cho biết, do mặt bị nọng nên 4 tháng trước, chị có tìm hiểu trên mạng về phương pháp căng chỉ để nâng cơ, cải thiện tình trạng gương mặt. Sau đó, chị đến một cơ sở thẩm mỹ của người quen để căng chỉ vùng mặt. Theo bệnh nhân, người thực hiện phương pháp này không phải là bác sĩ.
Tại đây, chị đã được cấy 8 sợi chỉ ở vùng má phải, 6 sợi chỉ bên má trái với với giá 7 triệu đồng. Sau khoảng 3 tuần, vùng má trái bị sưng, đốm đỏ và hơi đau. Chị uống thuốc giảm đau, kháng viêm theo chỉ định của nơi thực hiện căng chỉ nhưng không đỡ, phải đến một cơ sở thẩm mỹ khác để rạch lấy mủ, rút chỉ.
Tuy nhiên, tình trạng của chị không cải thiện mà ngày càng nặng hơn, vùng má phải tiếp tục xuất hiện mụn mủ, mảng hồng ban...
Tại Bệnh viện Da liễu TPHCM, bệnh nhân được chỉ định nhập viện để phẫu thuật xử lý khối áp xe. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết đây là một ca vô cùng khó vì các sợi chỉ đã tan, không thể nạo hết vùng mặt để lấy chỉ ra.
Trước đó, hồi tháng 3, bệnh viện cũng tiếp nhận một bệnh nhân ở miền Tây với các sẹo lồi chi chít trên mặt. Theo lời kể, bệnh nhân đi làm đẹp tại một cơ sở gần nhà nhưng không biết được bắn tia gì, lăn kim hay bôi kem gì lên mặt. Sau đó, mặt cô đau rát, nổi bóng nước, để lại sẹo lồi nặng nề trên da.
Với trường hợp này, bác sĩ phải sử dụng hết các phương tiện đang có, với hy vọng xử lý dần biến chứng. Bệnh nhân này hiện vẫn đang trong liệu trình điều trị, dự kiến thời gian sẽ kéo dài.
Nguyên nhân từ các lò đào tạo "bác sĩ tay ngang"
Theo thống kê, mỗi năm Bệnh viện Da liễu TPHCM tiếp nhận từ 600-700 ca bị tai biến khi đi thẩm mỹ da. Gần 70% trong số này do kỹ thuật tiêm chích. Trong đó, nhiều bệnh nhân từng tiêm chích tại các spa, người tiêm dạo… chứ không do bác sĩ thực hiện.
Bác sĩ Hồ Văn Hân - Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện vẫn còn khoảng trống về kiểm tra, xử phạt giữa Sở Y tế và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về sức khỏe, sắc đẹp và phun xăm.
Theo ông Hân, đào tạo trái phép bác sĩ “tay ngang” là nguyên nhân gốc rễ của các vi phạm, tai biến trong thẩm mỹ. Tuy nhiên, việc các cơ sở trái phép lấn sân sang lĩnh vực đào tạo thẩm mỹ cũng rất khó xử lý triệt để do có khoảng trống trong kiểm tra, xử phạt giữa 2 Sở.
Sở Y tế được quyền kiểm tra về giấy phép, chứng chỉ hành nghề nhưng lại không được xác lập hành vi và xử phạt liên quan đào tạo nghề trái phép, do đây là thẩm quyền của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Vì thế, ông Hân nhấn mạnh cần có sự phối hợp của cả 2 Sở trong lĩnh vực này.
Sở Y tế cũng khuyến cáo người có nhu cầu học nghề thận trọng với các nội dung quảng cáo khóa đào tạo chăm sóc da, tiêm filler, botox trên các trang mạng xã hội. Người dân nên liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ, cung cấp các cơ sở đào tạo uy tín, được cấp phép hoạt động đào tạo theo quy định.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/nhung-bien-chung-khong-the-phuc-hoi-vi-bac-si-tham-my-tay-ngang-a80048.html