Công cuộc "đổi mới" trong PCCC ở Hà Nội: Từ chính sách đến hành động

Nhằm nâng cao ý thức cộng đồng trong công tác PCCC&CNCH, Công an quận Ba Đình đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, đưa PCCC trở thành thói quen của mỗi người dân.

Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ 

Trong những năm gần đây, tình trạng cháy nổ tại Hà Nội và các thành phố lớn ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là trong các khu dân cư đông đúc và các khu vực có mật độ xây dựng cao. Các vụ việc này không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn gây hậu quả rất lớn tính mạng con người, điều này càng thể hiện rõ hơn sau hàng loạt vụ cháy nhà dân, nhà cho thuê trọ, loại hình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ…

Thống kê từ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) cho thấy, từ năm 2019 đến 2023, đã xảy ra hơn 2.000 vụ cháy lớn nhỏ, với nguyên nhân chủ yếu do sự cố điện, thiết bị đun nấu không an toàn và vi phạm quy định PCCC. 

Dân sinh - Công cuộc 'đổi mới' trong PCCC ở Hà Nội: Từ chính sách đến hành động

Hiện trường một vụ cháy do chập điện.

Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm 2024, Hà Nội ghi nhận 487 vụ cháy, 58% trong số đó xảy ra tại các căn hộ hộ gia đình và nhà kinh doanh, gây thiệt hại nghiêm trọng về mặt kinh tế và tính mạng con người.

Chia sẻ bên hàng lang Quốc hội, nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng các nguy cơ cháy, nổ luôn tiềm ẩn và có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Việc tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức thường xuyên các buổi tập huấn và diễn tập phòng chống cháy nổ tại các khu dân cư, doanh nghiệp và cơ quan công sở là rất cần thiết để giảm thiểu rủi ro và hậu quả của các vụ việc này.

Đặc biệt, cần có các biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những người đứng đầu cơ sở, các trường hợp vi phạm quy định PCCC, nhằm răn đe và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân.

Vô vàn khó khăn khi tiếp cận hiện trường

Trước tốc độ đô thị hoá mạnh mẽ như hiện nay, đã đem lại không ít thách thức cho công tác PCCC trên địa bàn. Theo Thượng tá Hoàng Hà Trung - Phó trưởng Công an quận Ba Đình, một trong những nguyên nhân chính gây khó khăn trong công tác PCCC&CNCH là vấn đề về giao thông và nguồn nước.

"Khó khăn lớn nhất khi ứng phó với các vụ cháy tại khu vực đô thị chính là vấn đề giao thông. Các đường phố thường xuyên kẹt xe, ùn tắc, ngõ nhỏ hẹp, ngõ sâu khiến các xe chữa cháy phải mất rất nhiều thời gian mới có thể tiếp cận được hiện trường. 

Không chỉ vậy, tình trạng thiếu nguồn nước phục vụ hoạt động chữa cháy cũng là một thách thức không nhỏ. Tuy đã có 84 trụ nước chữa cháy của Thành phố hoạt động tốt, nhưng theo quy chuẩn đô thị, cứ 150m phải có một trụ nước, hiện địa bàn quận này vẫn thiếu 194 trụ. Bên cạnh đó, việc bố trí các bể nước công cộng và hồ nước tự nhiên cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu chữa cháy", Thượng tá Hoàng Hà Trung - Phó Trưởng Công an quận Ba Đình, cho biết.

Dân sinh - Công cuộc 'đổi mới' trong PCCC ở Hà Nội: Từ chính sách đến hành động (Hình 2). Thượng tá Hoàng Hà Trung - Phó Trưởng Công an quận Ba Đình.

Ngoài ra, công tác PCCC ở quận Ba Đình còn gặp khó khăn về lực lượng và trang thiết bị. Lực lượng PCCC tại các phường, xã còn rất ít và chưa được đào tạo chuyên sâu. 

Trang thiết bị phục vụ chữa cháy trong các ngõ hẹp chỉ là các bình chữa cháy xách tay và một số dụng cụ phá dỡ thông thường, chưa đảm bảo công tác cứu hộ, cứu nạn.

Cùng với đó là khó khăn trong hành lang pháp lý. Nhiều loại hình nhà ở như nhà ở sinh sống kết hợp cho thuê, chung cư mini... chưa được đưa vào quy định của pháp luật, dẫn đến không được quản lý chặt chẽ, thường xảy ra các sự cố cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Hiệu quả “5 phút vàng" trong PCCC&CNCH

Quận Ba Đình là 1 trong những quận lõi, là trung tâm chính trị của Thủ đô và cả nước, chính vì vậy công tác PCCC tại đây rất được quan tâm. 

Nhận thức rõ vai của công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy, Công an quận Ba Đình đã bám sát sự chỉ đạo của Bộ Công an, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố và Công an Thành phố để thực hiện tốt chức năng tham mưu, triển khai các biện pháp, giải pháp phòng ngừa và các chương trình, kế hoạch trong công tác đảm bảo đảm an toàn PCCC&CNCH.

Dân sinh - Công cuộc 'đổi mới' trong PCCC ở Hà Nội: Từ chính sách đến hành động (Hình 3).

Tổ liên gia đầu tiên do quận Ba Đình thành lập từ T5/2022, tham dự có các lãnh đạo quận Ba Đình

Thể hiện như về đích đầu tiên trong việc tổ chức cho toàn bộ mỗi hộ gia đình đều được tuyên truyền về PCCC, điểm chữa cháy công cộng, vận động các hộ gia đình trang bị PCCC… và thành lập tổ liên gia đầu tiên từ tháng 5/2022.

Công tác tuyên truyền xây dựng phong trào toàn dân PCCC&CNCH có nhiều nội dung, mô hình, phần việc được các cấp lãnh đạo và quần chúng nhân dân đánh giá cao về tính hiệu quả, nội dung thiết thực, bám sát đặc điểm, tình hình địa bàn cũng như diễn biến, tình hình cháy, nổ.

“Công an quận Ba Đình đã làm tốt vận động quần chúng để khi có cháy xảy ra, các lực lượng phòng cháy tại chỗ như: Công an phường, đội phòng cháy dân phòng phường, chỉ huy quân sự phường, các tổ dân phố… đều tham gia tổ chức chữa cháy ban đầu do đó "5 phút vàng" trong công tác PCCC&CNCH rất hiệu quả. Tất cả các lực lượng vào cuộc đã giảm thiểu từ vụ cháy to thành vụ cháy nhỏ”, Thượng tá Trung nhấn mạnh.

Các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã đồng loạt tiến hành cao điểm kiểm tra công tác PCCC các công trình, nhà trọ cho thuê, khu nhà ở nhiều căn hộ trên địa bàn. Qua đó, Công an đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC&CNCH đối với 22 lượt cơ sở với số tiền 168,6 triệu đồng và thông báo cho 1999 cơ sở tạm dừng hoạt động kinh doanh để khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC.

Dân sinh - Công cuộc 'đổi mới' trong PCCC ở Hà Nội: Từ chính sách đến hành động (Hình 4).

Công an Ba Đình tổ chức diễn tập PCCC&CNCH tại phường Ngọc Khánh.

Phó Trưởng Công an quận Ba Đình khẳng định: "Chúng tôi đang quyết liệt triển khai các biện pháp nhằm siết chặt quản lý, nâng cao ý thức của người dân trong công tác PCCC. Việc xử phạt và yêu cầu đóng cửa tạm thời các cơ sở vi phạm là cách thức để buộc họ phải khắc phục tình trạng mất an toàn PCCC, đảm bảo an toàn cho người dân".

Cũng theo Thượng tá Trung, đơn vị đang phối hợp chặt chẽ với Công ty Điện lực Ba Đình để đảm bảo an toàn PCCC trong sử dụng điện. Trong đó trọng tâm là thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 24/8/2023 của UBND Thành phố Hà Nội về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong quản lý, sử dụng điện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, Công an quận Ba Đình cũng đề xuất UBND quận giao Ban quản lý dự án phối hợp với UBND các phường khảo sát và lắp đặt thêm hệ thống bể chữa cháy, máy bơm chữa cháy tại các khu vực ngõ sâu xe chữa cháy khó tiếp cận. Đội Cảnh sát PCCC&CNCH luôn trong trạng thái sẵn sàng với lực lượng, phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống cháy, nổ, tai nạn.

Video: Công an Quận Ba Đình tổ chức diễn tập về PCCC trên địa bàn

 

Dân sinh - Công cuộc 'đổi mới' trong PCCC ở Hà Nội: Từ chính sách đến hành động (Hình 5).

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/cong-cuoc-doi-moi-trong-pccc-o-ha-noi-tu-chinh-sach-den-hanh-dong-a80177.html