Trào ngược dạ dày thực quản là chứng rối loạn tiêu hóa hay gặp. Theo ước tính có khoảng 10 triệu người Việt Nam mắc căn bệnh này. Bệnh có xu hướng xảy ra ở những người béo phì, căng thẳng mạn tính, loét dạ dày tá tràng, thói quen ăn uống không lành mạnh và sử dụng một số loại thuốc.
Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý thông thường, nhưng bệnh này sẽ có nguy cơ chuyển hóa thành ác tính và dẫn tới ung thư.
Ai dễ gặp trào ngược dạ dày thực quản?
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào và không phải lúc nào cũng tìm ra được nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên, nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bao gồm:
- Người thừa cân, béo phì: Vì có thể tạo sức ép lên bụng.
- Phụ nữ mang thai: Đặc biệt trong 3 tháng cuối của thai kỳ, khi tử cung mở rộng sẽ chèn ép vào bộ phận tiêu hóa, gây ra các triệu chứng trào ngược.
- Người hút thuốc lá: Sẽ giảm bài tiết nước bọt, giảm trương lực cơ thắt thực quản dưới, kích thích niêm mạc dạ dày.
- Người có chế độ ăn uống và thói quen không lành mạnh: Hay ănthực phẩm chứa nhiều chất béo, dầu mỡ, uống nhiều rượu bia, ăn khuya, nằm ngay sau khi ăn...
- Người có bất thường về cấu trúc: Người bị thoát vị hoành, liệt dạ dày...
- Người có căng thẳng trong công việc và cuộc sống: Điều này sẽ khiến cho cơ thể tăng tiết cortisol - gây tăng acid trong dạ dày, tăng trương lực co bóp của dạ dày, đẩy dịch từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Thêm vào đó căng thẳng còn gây rối loạn nhu động thực quản khiến cho cơ thắt thực quản dưới trở nên nhạy cảm, dẫn đến việc giãn - mở cơ diễn ra thường xuyên, làm dịch vị trào ngược từ dạ dày lên thực quản.
Dấu hiệu của trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản gây ra những triệu chứng khó chịu bên trong thực quản như:
Ợ nóng, ợ hơi, ợ chua, đặc biệt thường xảy ra vào ban đêm.
Buồn nôn, nôn: Thường xuất hiện khi ăn quá no hoặc nằm ngay sau khi ăn.
Đau, tức ngực: Người bệnh có cảm giác bị đè ép, thắt ở ngực, lan đến lưng và cánh tay. Đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh trào ngược dạ dày - thực quản dễ bị nhầm lẫn với các bệnh tim mạch.
Khó nuốt, nuốt nghẹn: Bệnh trào ngược dạ dày thực quản khi trở nặng, acid dạ dày sẽ trào ngược lên với tần suất liên tục gây phù nề, sưng tấy niêm mạc thực quản. Vì thế bệnh nhân có cảm giác khó nuốt, nuốt nghẹn và vướng ở cổ.
Đau họng, ho kéo dài, khàn tiếng: Người bị trào ngược dạ dày thực quản có thể bị khàn giọng và ho liên tục. Hiện tượng này là do dây thanh quản khi tiếp xúc với acid dạ dày làm cho sưng tấy.
Miệng tiết ra nhiều nước bọt: Đây là phản xạ tự nhiên do dư lượng acid từ thực quản trào lên, nước bọt sẽ tiết ra nhiều hơn bình thường để trung hòa acid.
Đắng miệng: Trong quá trình trào ngược dạ dày, dịch mật có thể xâm nhập vào dạ dày rồi trào lên trên, khiến người bệnh cảm thấy đắng miệng.
Lời khuyên thầy thuốc
Trào ngược dạ dày thường có tỉ lệ tái phát rất cao, khoảng 70% bệnh nhân sẽ bị tái phát trong vòng một năm. Vì vậy, bên cạnh việc điều trị bằng thuốc hoặc điều trị ngoại khoa (phẫu thuật), các bác sĩ sẽ tư vấn và đưa ra lời khuyên về thay đổi lối sống, bao gồm:
Duy trì cân nặng hợp lý.
Không nên nằm ngay sau khi ăn no.
Tránh ăn quá khuya hoặc ăn trước khi đi ngủ.
Ngừng hút thuốc, vì hút thuốc sẽ làm suy yếu cơ vòng thực quản dưới. Khi đó dịch vị trong dạ dày trào ngược lại thực quản gây ợ chua, làm tổn thương niêm mạc thực quản.
Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý: Người bị trào ngược không nên ăn quá no, các bữa ăn nên được chia nhỏ hợp lý, không sử dụng thức uống như rượu bia, cà phê, nước có gas. Hạn chế sử dụng thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo (các sản phẩm sữa, nước thịt, dầu, bơ, nước trộn salad…). Thay vào đó, lựa chọn thực phẩm có tính kiềm, thực phẩm từ tinh bột như bánh mì, bột yến mạch hay đạm dễ tiêu...
Giữ tinh thần được thoải mái, tránh căng thẳng. Cần cân đối giữa công việc và các hoạt động giải trí thư giãn.