Hà Nội: Công trình nghìn tỷ đang bị xâm phạm

Nhiều cá nhân đang thực hiện đổ chất thải và có dấu hiệu phá hoại tài sản công tại khu vực chân cầu Nhật Tân, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Tp. Hà Nội nhưng không bị các cơ quan chức năng ngăn chặn xử lý kịp thời khiến người dân bức xúc.

Việc đổ trộm trạc thải, chất thải xây dựng trên địa bàn Hà Nội thời gian qua diễn biến phức tạp. Nhiều cá nhân ngang nhiên có hành vi đổ trộm chất thải xây dựng, sau đó san lấp các ao hồ trên địa bàn Tp.Hà Nội, một mặt giải quyết được việc xử lý số chất thải, mặt khác sau khi san lấp sẽ có mặt bằng làm kho bãi…

Đáng chú ý, nhiều cá nhân còn có dấu hiệu xâm phạm các công trình trọng điểm Quốc gia làm nơi tập kết chất thải. Mới đây Người Đưa Tin đã nhận được phản ánh của người dân khu vực chân cầu Nhật Tân về việc khu vực không gian chân cầu này biến thành nơi đổ trạc thải xây dựng công cộng với ý định biến nơi đây thành của riêng.

Từ thông tin của người dân, PV ghi nhận tại chân cầu Nhật Tân nằm trên địa bàn xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh đang xuất hiện nhiều phương tiện máy móc đang ngày đêm hoạt động. Kèm theo đó mỗi ngày có nhiều xe ô tô tải chở đất đá thải xây dựng về đổ tại đây.

Hà Nội: Công trình nghìn tỷ đang bị xâm phạm- Ảnh 1.

"Núi" chất thải được tập kết tại chân cầu Nhật Tân, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh.

Số đất đá thải này sau đó được một số người chỉ đạo máy xúc san gạt vào các trụ cầu. Theo quan sát của PV, số lượng đất đá thải được đổ về đây là rất lớn, xung quanh khu vực này đã được tạo một mặt bằng rất rộng.

Một số người dân cho hay sự việc đã diễn ra từ rất lâu  nhưng không bị cơ quan chức năng ngăn chặn xử lý. Ngoài ra một người dân giấu tên cho PV biết, ở đây không phải muốn đổ là đổ,  mỗi xe ô tô tải vào đổ thải phải mất 50.000 đồng cho một lượt.

Hà Nội: Công trình nghìn tỷ đang bị xâm phạm- Ảnh 2.

Máy xúc đang san gạt đất thải tại chân cầu Nhật Tân.

Thời điểm ghi hình vào ngày 15/7, PV nhận thấy khu vực trên ngổn ngang những đống chất thải xây dựng. Cùng với đó là đủ các loại đất đá kèm rác thải cũng được tập kết quanh khu vực này.

Hà Nội: Công trình nghìn tỷ đang bị xâm phạm- Ảnh 3.

Nhiều rác thải sinh hoạt, bao bì cũng được trôn lấp tại đây.

Quan ngại hơn là hàng rào sắt bảo vệ hành lang nằm dưới chân cầu đã bị đào xới có dấu hiệu của việc huỷ hoại tài sản công. Một số hàng rào sau khi bị đào lên còn bị đổ đất đá thải lên trên gây hư hỏng nghiêm trọng.

Hà Nội: Công trình nghìn tỷ đang bị xâm phạm- Ảnh 4.

Hàng rào thép có dấu hiệu của việc phá hoại và bị chôn lấp cùng đất thải.

Ngày 17/7, quay trở lại khu vực trên PV bất ngờ nhận thấy việc san gạt tạo mặt bằng đã được hoàn thiện. Phía trên các cá nhân thực hiện việc tập kết chất thải còn cho rải một lớp đất màu lên nhằm che mắt người dân và cơ quan chức năng, cùng với đó toàn bộ hàng rào sắt khu vực này cũng đã biến mất.

Hà Nội: Công trình nghìn tỷ đang bị xâm phạm- Ảnh 5.

Chỉ sau it ngày số đất đá thải đã được san gạt tạo mặt bằng khu vực chân cầu Nhật Tân.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Trường - Giám đốc Xí nghiệp quản lý cầu Nhật Tân - Đông Trù cho biết, ông đã nắm bắt được tình trạng mà PV phản ánh. Tuy nhiên,  khi PV đặt một số câu hỏi thì vị này cáo bận.

Việc san lấp đổ các loại chất thải tại chân cầu Nhật Tân khiến người dân hết sức lo lắng, bởi đây là công trình lớn, nếu không được quản lý nghiêm ngặt sẽ xảy ra nhưng nguy cơ mất an toàn cho kết cấu công trình và hệ luỵ tới môi trường sống nơi đây.

Hà Nội: Công trình nghìn tỷ đang bị xâm phạm- Ảnh 6.

Để che mắt người dân và cơ quan chức năng, các cá nhân còn cho rải một lớp vật liệu lên để "giấu" đi các loại chất thải phía dưới.

Hiện vụ việc có dấu hiệu của việc đổ thải trái phép và xâm phạm công trình công. chính vì vậy, người dân mong muốn các cơ quan chức năng đặc biệt là lực lượng Công an huyện Đông Anh, sớm vào cuộc làm rõ hành vi của những cá nhân thực hiện tập kết san lấp chất thải tại chân cầu Nhật Tân và làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý.

Cầu Nhật Tân có tổng chiều dài là 9,17 km trong đó phần cầu chính là 3,9 km (đoạn cầu vượt sông Hồng là 1,5 km) và phần cầu dẫn dài 5,27 km. Sau khi khởi công xây dựng vào tháng 3/2009 phải hết gần 6 năm cây cầu mới hoàn thành và đến tháng 1/2015 thì cây cầu này được đưa vào khai thác sử dụng. Kết cấu của cây cầu thuộc loại hiện đại của thế giới, được thi công bởi các chủ thầu uy tín đến từ Nhật Bản. Công trình cũng là biểu tượng của mối quan hệ Việt - Nhật.

Theo quy định, hành lang an toàn đường bộ là phần đất dọc hai bên đất của đường bộ (kể cả phần mặt nước dọc hai bên cầu, hầm, bến phà, cầu phao) nhằm bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ công trình đường bộ.

Như vậy hành lang an toàn đường bộ bao gồm cả phần mặt nước dọc hai bên cầu, hầm, bến phà, cầu phao nên giới hạn hành lang an toàn đối với cầu đường là giới hạn hành lang an toàn đường bộ.

Căn cứ khoản 1 Điều 16 Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định về giới hạn hành lang an toàn đối với cầu đường ngoài đô thị như sau: Theo quy định trên thì giới hạn hành lang an toàn đối với cầu đường ngoài đô thị được xác định theo chiều dọc cầu tính từ đuôi mố cầu ra mỗi bên và theo chiều ngang cầu tính từ mép ngoài cùng đất của đường bộ trở ra mỗi phía

Xác định theo chiều dọc cầu tính từ đuôi mố cầu ra mỗi bên như sau:

- 50 mét đối với cầu có chiều dài từ 60 mét trở lên;

- 30 mét đối với cầu có chiều dài dưới 60 mét.

Xác định theo chiều ngang cầu tính từ mép ngoài cùng đất của đường bộ trở ra mỗi phía:

- 150 mét đối với cầu có chiều dài lớn hơn 300 mét;

- 100 mét đối với cầu có chiều dài từ 60 mét đến 300 mét;

- 50 mét đối với cầu có chiều dài từ 20 mét đến dưới 60 mét;

- 20 mét đối với cầu có chiều dài nhỏ hơn 20 mét.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/ha-noi-cong-trinh-nghin-ty-dang-bi-xam-pham-a80295.html