Đó là đánh giá của cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trong bài viết “TBT Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương - Một người có tư duy biện chứng và tầm nhìn chiến lược (CL) trong việc xây dựng đường lối QS, chiến lược quốc phòng (CLQP), bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) Việt Nam (VN) xã hội chủ nghĩa (XHCN)”. PLVN xin lược trích bài viết.
Tư duy, tầm nhìn, phương pháp luận khoa học vượt trội
Mở đầu bài viết, tác giả viết: “Với tư cách là một người tham gia xây dựng CLQP Việt Nam, tôi có nhiều dịp được trực tiếp báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của TBT Nguyễn Phú Trọng, đồng thời được tham dự nhiều cuộc họp do ông chủ trì có nội dung liên quan. Điều khiến tôi ngạc nhiên, khâm phục là tư duy, tầm nhìn, phương pháp luận khoa học vượt trội của TBT được thể hiện rất rõ trong suốt quá trình chỉ đạo xây dựng văn kiện chuyên đề của Đảng về công tác QP, QS - một lĩnh vực mà bấy lâu nay nhiều người vẫn nghĩ ông là người “ngoại đạo””.
Với Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 16/4/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về CLQP Việt Nam, TBT Nguyễn Phú Trọng không chỉ đóng vai trò người đứng đầu mà còn là một nhà CL, kiến tạo nên những định hướng cơ bản và then chốt trong đường lối BVTQ Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
Sau một thời gian đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP), nghiên cứu các hồ sơ, tài liệu, tướng Vịnh nhận thấy, chúng ta chưa có một văn kiện mang tầm chiến lược của Đảng về QP, QS. Từ đó đặt ra một nhu cầu cần phải có một văn kiện về QP, QS mang tầm chiến lược và tính bao trùm tất cả các lĩnh vực như: Công tác Đảng, công tác chính trị, tổ chức lực lượng, vũ khí, trang bị hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng...
Văn kiện phải vừa bao hàm sự lãnh đạo của Đảng, vừa thể hiện sự điều hành, quản lý của Nhà nước và huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân.
Nhận thức đây là vấn đề cần giải quyết trong thời kỳ phát triển mới của quân đội, đất nước, tướng Vịnh đã báo cáo với Bộ trưởng BQP lúc bấy giờ là Đại tướng Phùng Quang Thanh. Bộ trưởng đồng ý cho nhóm nghiên cứu, soạn thảo “CLQP của đất nước trong thời kỳ mới”.
Nhóm soạn thảo văn kiện đối mặt với một bài toán nan giải, là không biết nên bắt đầu từ đâu để xây dựng một văn kiện mang tầm CL, bao trùm cho toàn bộ nền QP, QS Việt Nam.
Tướng Vịnh kể: “Chúng tôi cho xây dựng các đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp BQP về các vấn đề liên quan chiến lược QP, QS. Ví dụ như CL QP, QS là gì? Nội dung CL là gì? Mục đích xây dựng CL là gì? Việc thực hiện CL như thế nào? Điều chỉnh CL ra sao?”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, thủy thủ tàu ngầm 184 năm 2016. (Ảnh: Quang Tiến) |
Văn kiện được xây dựng trong gần 2 năm, bản thảo đầu tiên tên gọi “Một số vấn đề đặt ra đối với QP, QS Việt Nam trong thế kỷ XXI”. Từ kết quả nghiên cứu chuyên đề trên, nhóm nghiên cứu rút ra được sự cần thiết, cấp bách phải sớm có một văn kiện CL đủ tầm cỡ để định hình đồng bộ và toàn diện cho đường lối BVTQ Việt Nam XHCN trong chặng đường tiếp theo.
Sau khi được sự nhất trí của Bộ trưởng, tướng Vịnh xin được gặp và TBT Nguyễn Phú Trọng đồng ý làm việc vào ngày 22/11/2012.
Tướng Vịnh viết: “Tôi báo cáo với TBT một số vấn đề về ý định xây dựng CL, công tác đối ngoại của quân đội, trong đó có những vướng mắc gặp phải trong quá trình công tác và vấn đề cấp thiết của việc cần phải có một văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước về CL QP, QS. Tôi trình bày: CL này là một văn kiện. Nhưng nếu xây dựng đúng và trúng thì sẽ là một thành tựu phi vật thể vô cùng quan trọng để hiện thực hóa và tăng cường sức mạnh thực chất cho Nhà nước và quân đội”.
“Câu hỏi TBT nêu ra lại chính là vấn đề mà chúng tôi luôn đau đáu trong quá trình nghiên cứu: Hiện nay ta đã có đường lối QS, CLQP hay chưa? Có cần thiết phải xây dựng 2 văn kiện này không, có vai trò như thế nào trong CL BVTQ? Và suốt buổi hôm đó, TBT không bàn về CLQP mà lấy tư cách một nhà triết học, một nhà lý luận nói cho tôi rõ những điều cốt yếu về thế nào là việc đúc rút những bài học từ thực tiễn để nâng lên thành lý luận trong QP, QS”.
Một tuần sau, TBT đặt ra cho tướng Vịnh một số câu hỏi: Đường lối QS Việt Nam trong thời kỳ hiện nay đã có chưa? Có cần thiết phải xây dựng tư tưởng về CLQP và đường lối định hướng? Tính chất chiến tranh trong tương lai sẽ như thế nào? Xu thế phát triển của khoa học - kỹ thuật ra sao? Mặt trận nào, lĩnh vực nào là trọng tâm? Quân đội cần được xây dựng lực lượng như thế nào? Bố trí thế trận QP, khu vực phòng thủ ra sao? Mô hình tổ chức, cơ chế lãnh đạo của Đảng, Nhà nước với QĐ như thế nào? Cần phải có một quan điểm tổng thể như thế nào về QP, QS?
Tướng Vịnh và nhóm nghiên cứu đã ngỡ ngàng và ngạc nhiên về sự am hiểu tường tận của TBT về nền QP Việt Nam.
Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ hòa bình
Từ định hướng của TBT, năm 2013 ban soạn thảo đã xây dựng 2 văn kiện, trong đó có công văn của Quân ủy Trung ương gửi Bộ Chính trị “Đề nghị xây dựng CLQP, QS”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm cán bộ, chiến sĩ tàu 012 Lý Thái Tổ, Lữ đoàn 162 Hải quân năm 2016. (Ảnh: Quang Tiến) |
“Thời điểm bấy giờ, ta thường tuyên bố với thế giới về chính sách QP của Việt Nam như “BVTQ từ sớm, từ xa”, “Chính sách QP Việt Nam là hòa bình, tự vệ”, “Trong ấm, ngoài êm”, “Ba không”... Đây là những tiền đề để sau này nâng tầm, khái quát hóa thành những nội dung mang tính chủ trương và phương châm lớn của Đảng và Nhà nước ta”.
Việc soạn thảo văn kiện CLQP nếu chưa xác định được mục tiêu cơ bản thì CL sẽ trở nên xa rời thực tế, giống như con rồng trong tranh chưa được “điểm nhãn” thì sẽ không có hồn. Tướng Vịnh nhớ và tâm đắc mãi một phương châm của TBT, là: “Trong công tác nghiên cứu CL, không nên quá cầu toàn. Quá cầu toàn sẽ không bao giờ hoàn thành. Tuy nhiên, CL thì phải rất khoa học, chính xác, biện chứng và không được phép sai”.
Năm 2012, những nội dung cơ bản của CLQP đã được định hình. Tuy nhiên, vấn đề “mục tiêu vừa cơ bản, vừa cấp bách trước mắt của QP, QS trong tình hình hiện nay là gì?” vẫn chưa có câu trả lời.
Ngày 16/12/2013, tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 tổ chức tại Hà Nội, TBT Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và có bài phát biểu về đường lối đối ngoại với một phần nói về nhiệm vụ BVTQ. TBT cho rằng nhiệm vụ tối thượng hiện nay là bảo vệ hòa bình (BVHB) cho đất nước bên cạnh chủ quyền lãnh thổ, độc lập tự chủ, CNXH, bảo vệ Nhân dân... Trong đó, BVHB phải được ưu tiên rất cao trong tình hình hiện nay.
TBT nhấn mạnh: “BVTQ là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ Nhân dân, xây dựng môi trường thuận lợi để phát triển, nhưng phải gắn với BVHB và hòa bình được coi là một giá trị thiêng liêng của đất nước”.
“Nếu không có mục tiêu này thì sẽ không có yếu tố đột phá tư duy trong xây dựng CLQP thời kỳ mới. Hoặc mục đích cốt lõi chưa đúng, chưa trúng thì CL sẽ sai, sẽ đi chệch hướng”, cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/tam-nhin-chien-luoc-quoc-phong-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-a80307.html