Dân đã thờ ai thì không sai bao giờ

Sau lễ tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng, trong lòng tôi cũng như nhiều người đã khắc sâu câu nói: “Dân đã thờ ai thì không sai bao giờ!”…

Ngày Quốc tang Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã qua, cả nước vẫn còn buồn đau tiếc thương vô hạn khi tiễn biệt người đồng chí, nhà lãnh đạo xuất sắc, người bạn thủy chung mẫu mực, người ông, cha, người thầy nhân cách lớn...

b4-1722219989.jpg
Đến trưa 26/7, cả ngàn người dân vẫn xếp hàng dài vào Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nguyễn Huế  

Từ 5h sáng bắt đầu ngày Quốc tang, tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), dòng người đã đến từ sớm để tiễn biệt vị Tổng Bí thư kính mến.

Có những cựu chiến binh già nhờ con cháu đưa đến nhà tang lễ, có các thương binh ngực đeo huân chương chống nạng một mình đến viếng, dùng cánh tay còn lại lau nước mắt. Nhiều cụ ông, cụ bà ngồi xe lăn ôm di ảnh Tổng Bí thư như ảnh của một người thân yêu nhất. 

Những chiến sĩ công an, quân đội bảo vệ khu vực này có lẽ chưa bao giờ thấy số lượng người dân tụ tập đông đúc mà nghiêm trang trật tự đến thế. Tất cả đều im lặng trong không khí buồn thương, có chăng là chỉ còn những tiếng nấc nghẹn ngào không thể kìm nén được. 

Tại quê nhà Đông Anh của Tổng Bí thư, mọi con đường, cảnh quan đã được chuẩn bị chu đáo để bà con chòm xóm và người dân trong huyện vào thắp nén tâm nhang tiễn biệt một người con xuất sắc của quê hương.

Khắp nơi trên cả nước, bè bạn, kiều bào ở xa Tổ quốc đều dõi theo, tiễn biệt Tổng Bí thư...

Những ngày Quốc tang là những ngày “đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa.” (thơ Tố Hữu). Và có cả thời điểm nắng nóng cao độ, người dân xung quanh đã chia sẻ với ban tổ chức, với khách tới viếng Tổng Bí thư bằng cách tiếp nước uống, quay quạt máy ra phía đường giúp mọi người chống nóng. Nhiều thanh niên trong bộ đồng phục áo xanh tình nguyện thì đến giúp đỡ từng người bằng tấm lòng của thế hệ trẻ đầy biết ơn những người đi trước.

b2-1722219989.jpg
Rất nhiều người dân mang theo di ảnh để tiễn đưa vị lãnh đạo cao nhất của Đảng dọc các tuyến phố Hà Nội. Ảnh: Đình Hiếu 

Một cựu chiến binh nói lên cảm xúc của mình: “Chúng tôi rất vui và cảm động khi thấy không chỉ là lớp người có tuổi có những tình cảm, niềm xúc động sâu sắc trước sự ra đi của Tổng Bí thư, mà ngay cả lớp trẻ cũng rất nhiều sự tri ân cảm động. Cứ nhìn vào những đôi mắt đỏ hoe của các cháu. Có thể thấy rằng lớp trẻ cũng rất quan tâm đến những vấn đề của đất nước”.

Phóng viên tác nghiệp với đôi mắt đỏ hoe

Các phóng viên báo đài là những người có mặt từ rất sớm để chuẩn bị đưa tin bài tường thuật Lễ Quốc tang. Họ tác nghiệp nghiêm cẩn, bận rộn và khẩn trương và… những đôi mắt cũng đỏ hoe…

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có gần 30 năm làm công tác báo chí và lý luận. Ông thường coi mình là nhà báo. Điều đó chứng minh bằng việc sau này ông rất coi trọng sức mạnh tuyên truyền của báo chí, thường xuyên quan tâm chỉ đạo xây dựng báo chí, dành ưu tiên cho các cuộc trả lời phỏng vấn của báo đài. Ông xứng đáng là một học trò của Bác Hồ khi luôn coi báo chí là một lực lượng trên mặt trận văn hóa tư tưởng. 

Mấy ngày nay lực lượng phóng viên báo đài dường như cũng rất trân trọng đưa tin Lễ Quốc tang với tình cảm như khi tiễn đưa một đồng nghiệp lớn... 

Rất nhiều khoảnh khắc hình ảnh xúc động được phóng viên cùng người dân ghi lại trong ngày tiễn biệt Tổng Bí thư. Một bà cụ cố với lên để đọc bài báo trên tường. Một cháu bé mắt xoe tròn quỳ chắp tay kính viếng cùng cha mẹ. Những chiếc xe đạp của người dân nghèo cũng cắm lá cờ rủ... Nhiều người không đến Nhà tang lễ vẫn viếng Tổng Bí thư theo điều kiện mình có thể… 

Những ngày Quốc tang, đi đâu tôi cũng thấy bên cạnh những lá cờ rủ là bao nhiêu dòng tiễn biệt tiếc thương của những người dân chưa một lần được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Việc ra đi của một người cộng sản mẫu mực này là đề tài chung cho tất cả các cuộc gặp gỡ, họp hành, những bàn luận riêng chung … của mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, mọi địa phương… 

Những người quan tâm đến thời sự, chính trường, đến việc xây dựng các tổ chức Đảng… thì ngợi ca từ sự chống tham nhũng, đến công cuộc “đốt lò” không khoan nhượng và rất quyết liệt của Tổng Bí thư, đến bản lĩnh và trình độ lý luận của một vị lãnh đạo đất nước đi lên từ một người làm công việc báo chí, làm công tác lý luận, từ công tác xây dựng Đảng cấp cơ sở đến cấp Trung ương. 

Những người dân khác thì bày tỏ rõ tình thương và sự mến phục đối với phẩm chất đạo đức, với lối sống trong sạch, liêm khiết, giản dị… của Tổng Bí thư cũng như gia đình rất mẫu mực của ông…

b3-1722219989.jpg
Bà Ngô Thị Mận, phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua nét vẽ của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân

Người vợ khiêm nhường lùi lại phía sau, người con chỉ gọi tiếng thân thương là “Bố”

Gần như sau khi ông mất, qua báo chí truyền thông, mọi người mới biết phần nào cuộc sống gia đình riêng tư của ông. Người dân mới biết ông vẫn đang đi chiếc xe Toyota Crown 1998 của vị tiền nhiệm để lại. Họ biết ông đi đâu cũng thầm lặng không muốn có sự bảo vệ, không thích có đoàn tùy tùng và sự đón tiếp tiền hô hậu ủng. Họ càng quý trọng ông hơn khi vẫn giữ gìn truyền thống tôn sư trọng đạo, thậm chí mọi người còn quan tâm cả việc ông khi nằm viện vẫn muốn được ăn kẹo lạc mầm bình dị như thuở nào…

Giới văn nghệ sĩ thì bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của ông bằng các tác phẩm âm nhạc, hội họa, văn thơ… 

Có họa sĩ dành cả ngày cả đêm thực hiện bức tranh về Tổng Bí thư, đã có nhiều nhạc sĩ nghiệp dư sáng tác ca khúc xúc động về ông và được người dân đón nhận.

Đất nước ta trong mấy chục năm qua đã có mấy lần tổ chức Quốc tang. Và đến những ngày Quốc tang tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì mọi nghi thức, lễ nghi được tổ chức khoa học, trang trọng, rất thuận tiện cho người dân viếng , đưa tiễn ông. 

Sau lễ truy điệu, người dân rất quan tâm chia sẻ rất nhiều về hình ảnh phu nhân Tổng Bí thư. Bà đã cố gắng kìm nén nỗi đau buồn, thầm lặng cảm ơn người đến viếng, bà chỉ khóc nghẹn ngào khi thắp nhang, khi chạm tay vào linh cữu phủ lá cờ Tổ quốc của chồng, và khi rải những bông hoa vĩnh biệt lần cuối… Còn suốt tang lễ, bà chỉ âm thầm khiêm nhường đứng lùi lại phía sau những người đang tiến hành các nghi thức như thể sợ làm vướng bận mọi người…

Sau tang lễ, người dân cũng rất chia sẻ và cảm động về lời cảm tạ của ông Nguyễn Trọng Trường - con trai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi anh chỉ gọi ông bằng cái từ thân thương nhất là “Bố”, và anh xưng hô với mọi người là cháu, chúng cháu, chứ không đề cập đến một câu nào liên quan tới chức vụ của cha mình. Rõ ràng, cốt cách, đức độ khiêm tốn và sự cư xử luôn đúng mức của người cha đã thấm sâu vào nếp sống của gia đình ông, của người con trai ngay cả trong giờ phút tiễn biệt đau thương nhất. 

Hai ngày Quốc tang vừa qua, mọi câu chuyện và thông tin về Tổng Bí thư đã được người dân hết sức quan tâm và đặt ra những câu hỏi về vận mệnh đất nước, về công cuộc chống tham nhũng, về việc xây dựng Đảng và cả cơ cấu nhân sự sắp tới...

Sự quan tâm đó của người dân cũng cho thấy những việc đại sự mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp to lớn, những công việc mà Tổng Bí thư đang thực hiện dở dang... 

Tôi nghĩ những điều đó giải thích vì sao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được người dân quý trọng, tin yêu và thương tiếc đến thế!

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/dan-da-tho-ai-thi-khong-sai-bao-gi-a80322.html