Bệnh bạch cầu là một bệnh ung thư máu do các tế bào bạch cầu bất thường sản sinh không kiểm soát trong tủy xương, còn được gọi là "nhà máy sản xuất máu" của cơ thể. Khi đó, các tế bào bạch cầu bất thường sẽ lấn át các tế bào khỏe mạnh, ngăn cản chức năng bình thường của tủy xương, rồi cuối cùng đi vào máu.
Có bốn loại bệnh bạch cầu chính, được phân loại theo loại tế bào bạch cầu bị ảnh hưởng (dòng tủy hoặc bạch huyết) và mức độ tiến triển của bệnh (mạn tính hoặc cấp tính):
Bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (CML)
Bệnh bạch cầu mạn dòng lympho (CLL)
Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (AML)
Bệnh bạch cầu cấp dòng lympho (ALL)
Bệnh bạch cầu mạn tính phát triển chậm hơn và âm ỉ, trong khi bệnh bạch cầu cấp tính liên quan đến các tế bào bạch cầu lan rộng nhanh, tiến triển nhanh nếu không điều trị. Mỗi loại đều có các đặc điểm, tiên lượng và phương thức điều trị riêng.
Các triệu chứng của bệnh bạch cầu
Các triệu chứng bệnh bạch cầu có thể khác nhau, tùy thuộc vào loại bệnh bạch cầu. Nhìn chung, một số dấu hiệu và triệu chứng phổ biến bao gồm:
Mệt mỏi
Sốt
Khó thở
Da nhợt nhạt
Cảm thấy yếu
Chán ăn và sụt cân
Đổ mồ hôi ban đêm hoặc ra nhiều mồ hôi
Chảy máu nướu răng hoặc chảy máu cam
Dễ bị bầm tím
Nổi các đốm đỏ hoặc tím trên da
Đau xương hoặc khớp
Viêm nhiễm thường xuyên hoặc nghiêm trọng
Những triệu chứng này thường liên quan đến số lượng hồng cầu thấp hoặc thiếu máu hoặc số lượng tiểu cầu thấp do các tế bào ung thư chèn ép các tế bào khỏe mạnh trong tủy xương.
Bệnh bạch cầu được kiểm soát như thế nào?
Trong những năm qua đã có nhiều tiến bộ về công nghệ và nghiên cứu bệnh ung thư máu, bao gồm cả bệnh bạch cầu. Ngày nay, bệnh bạch cầu có thể được kiểm soát bằng nhiều phương pháp điều trị, tùy thuộc vào loại bệnh.
Liệu pháp nhắm đích
Liệu pháp nhắm đích là một phương pháp điều trị mới nhằm vào các gen và protein cụ thể để kiểm soát cách các tế bào ung thư phát triển, phân chia và lây lan. Phương pháp điều trị này chính xác và hướng đến tế bào ung thư cụ thể, do đó ít tác động xấu hơn đến các tế bào khỏe mạnh xung quanh so với hóa trị. Điều này có nghĩa là bệnh nhân phải ở trong bệnh viện ít hơn và có thể tiếp tục cuộc sống hàng ngày khi đang dùng thuốc mà không cần lo lắng về các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Nhờ những tiến bộ y học như vậy, phương pháp điều trị bệnh bạch cầu mạn tính đã chuyển từ điều trị toàn thân truyền thống sang điều trị nhắm mục tiêu đơn thuần.
Hóa trị liệu
Bệnh bạch cầu cấp tính thường được điều trị bằng hóa trị thuyên giảm liều cao nhằm vào các tế bào ung thư trong tủy xương, sau đó là duy trì đáp ứng với liệu pháp sau thuyên giảm. Bằng cách làm cho bệnh thuyên giảm, các tế bào ung thư có thể không còn phát hiện ra và các tế bào máu khỏe mạnh bình thường có thể trở lại mức bình thường.
Bệnh nhân bị bệnh bạch cầu cấp tính có thể được điều trị hóa chất mạnh hơn so với bệnh nhân bị bệnh bạch cầu mạn tính vì độ ác tính cao của căn bệnh.
Ghép tế bào gốc
Chỉ riêng hóa trị đôi khi không đủ để tiêu diệt hoàn toàn tế bào ung thư, đặc biệt là đối với bệnh bạch cầu cấp tính.
Ghép tế bào gốc (SCT), còn được gọi là ghép tủy, là một thủ thuật chuyên sâu bao gồm việc thay thế hệ thống miễn dịch của bệnh nhân và tủy xương không khỏe mạnh bằng một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và tế bào gốc máu (hoặc tủy xương) bình thường từ một người hiến tặng.
Có hai loại tế bào gốc: tự thân và dị thân. SCT tự thân sử dụng tế bào gốc từ tủy xương hoặc máu ngoại vi của bệnh nhân, trong khi SCT dị thân sử dụng tế bào gốc từ một người hiến tặng phù hợp.
Do chế độ điều trị nghiêm ngặt, rủi ro và tác dụng phụ mạnh, nên cần phải đánh giá bệnh nhân có đủ điều kiện để ghép tế bào gốc dựa trên các tiêu chí nhất định như độ tuổi và sự sẵn có của những người hiến tặng phù hợp.
Liệu pháp tế bào CAR-T
Một trong những phát triển mới nhất trong điều trị ung thư máu là liệu pháp tế bào T thụ thể kháng nguyên dạng khảm (CAR), bao gồm lấy tế bào T từ bệnh nhân trong phòng thí nghiệm và giúp chúng nhận ra một số mục tiêu trên tế bào ung thư. Các tế bào đã được sửa đổi này, khi được truyền lại vào cơ thể bệnh nhân, có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư bằng cách sử dụng phản ứng miễn dịch của chính bệnh nhân.
Dù liệu pháp tế bào CAR-T là một bước phát triển tương đối mới, nhưng nhìn chung nó đã cho thấy tỷ lệ đáp ứng tổng thể tốt trong các loại ung thư máu khác nhau. Hiện tại, liệu pháp tế bào CAR-T chỉ được chấp thuận để điều trị cho các bệnh bạch cầu cấp dòng lympho (ALL) tế bào B tái phát hoặc khó chữa ở bệnh nhân nhi và bệnh nhân trẻ, cũng như u lympho tế bào B lớn lan tỏa tái phát hoặc khó chữa (DLBCL).
Khi nào cần đến gặp bác sĩ
Giống như nhiều bệnh khác, các triệu chứng của bệnh bạch cầu có thể bị bỏ qua vì chúng giống với các triệu chứng của các bệnh thông thường. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng dai dẳng nào khiến bạn lo lắng, nên đi khám ngay.
Bước quan trọng trong việc kiểm soát bệnh bạch cầu là chẩn đoán chính xác và tìm ra loại tế bào mắc phải. Để xác định điều này, bệnh nhân thường sẽ cần được khám lâm sàng, làm xét nghiệm máu và sinh thiết tủy xương. Cũng có thể làm các xét nghiệm khác như xét nghiệm gen và chụp chiếu để xác định mức độ của bệnh.
Các xét nghiệm như vậy không chỉ giúp xác định chẩn đoán, tiên lượng và mức độ của bệnh mà còn giúp các bác sĩ đưa ra kế hoạch điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân và từng loại bệnh.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/hieu-ve-benh-bach-cau-khi-cac-te-bao-mien-dich-quay-lai-chong-chung-ta-a80328.html