Đất hành lang đê bị lấn chiếm diện rộng
Thời gian qua, Chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống) đã tiếp nhận phản ánh của người dân sinh sống tại xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội về tình trạng ô nhiễm môi trường và hoạt động lấn chiếm đất hành lang đê ngăn lũ trên diện tích hàng ngàn mét vuông quây tôn để làm nhà xưởng, nhà riêng.
Cụ thể, theo người dân, khu vực lấn chiếm là đất hành lang đê nằm bên trong đê Lương Phúc, gần trạm biến áp Xuân Thu 2, thuộc thôn Thu Thủy (xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn).
Cận cảnh các khu nhà xưởng nằm trên đất có mặt nước chuyên dùng (ký hiệu: MNC).
Tại đây, những công trình nhà xưởng được khoanh vùng bằng cách quây tôn để chứa, tái chế phế liệu, phế thải kim loại và phi kim loại.
Một người dân (xin được giấu tên) cho biết, những nhà xưởng này luôn trong tình trạng cửa đóng then cài, người dân không thể biết họ sản xuất, làm gì ở bên trong. Song, hễ có người lạ xuất hiện, những đối tượng này tỏ ra manh động.
Người này cho biết, tại khu vực thôn Thu Thủy không chỉ diễn ra hiện tượng nhà xưởng xuất hiện bên trong đất đầm cạn nằm bên trong đê Lương Phúc, mà bên ngoài đê này trải dài ra lòng sông Cà Lồ cũng bị bao phủ bởi hàng rác thải kéo dài.
"Điểm tập kết rác này nằm ở bên cạnh trạm biến áp Xuân Thu 2 nhưng ở mặt ngoài đê Lương Phúc. Người dân chúng tôi ở thôn Thu Thủy rất ý thức trong việc thu gom rác sinh hoạt, mà ở đây, chủ yếu là phế thải. Mỗi ngày, điểm tập kết rác này càng nhân rộng và bây giờ, rác thải tràn xuống cả mặt sông Cà Lồ, mùi hôi thối luôn tràn vào khu dân cư thôn Thu Thủy, nhất là những ngày nắng nóng mùi xú uế xộc vào nhà bốc mùi hôi thối đau đầu khủng khiếp", người này cho hay.
Cận cảnh điểm tập kết rác thải nằm ở bên cạnh trạm biến áp Xuân Thu 2, mặt ngoài đê Lương Phúc khiến người dân khu vực bức xúc.
Theo người này, mùi xú uế phát ra từ điểm tập kết rác này không chỉ gây mùi khó chịu và nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe đến những người dân sinh sống trong khu vực, mà còn có nguy cơ ô nhiễm môi trường diện rộng cũng như ô nhiễm nguồn nước trong khu vực này.
Với điểm tập kết rác thải nằm bên ngoài đê Lương Phúc, người dân nghi ngờ chính là nguồn rác thải từ chính các điểm quây tôn, nhà xưởng tự phát bên trong đê Lương Phúc. Bởi cứ vào buổi chiều, trên nóc một số nhà xưởng nằm bên trong đê Lương Phúc lại nhả khói đặc lên bầu trời.
4 ngày qua, dù khu vực Hà Nội không có mưa lớn nhưng nước lũ vẫn tiếp tục tràn qua đê sông Bùi, khiến hàng trăm gia đình ở vùng rốn lũ Chương Mỹ, Quốc Oai buộc phải đi sơ tán. Nhiều nhà cửa, làng mạc chìm trong biển nước, có chỗ ngập sâu đến 2m.
Đơn cử như tuyến đường đê liên xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến. Để ra bờ đê hay vận chuyển tài sản, người dân tại đây chỉ còn lựa chọn duy nhất là chèo thuyền.
Sông Bùi được biết đến là vùng thoát lũ của Hà Nội, trong đó bên hữu ngạn là vùng chứa nước, vùng phân lũ. 15 năm gần đây, đã 3 lần nước tràn qua đê hữu sông Bùi gây ngập lụt cho nhiều xã của huyện Chương Mỹ. Trong đó năm 2008 có trận ngập lụt lịch sử.
Trước tình trạng ngập lụt đang diễn ra trên địa bàn huyện Chương Mỹ, huyện Quốc Oai do ảnh hưởng của bão số 2, người dân sinh sống xã Xuân Thu càng tăng thêm lo lắng.
Bởi theo người dân, khi có lũ, cuộc sống của người dân không chỉ khó khăn tăng thêm, mà tổn thất tài sản, lúa, chăn nuôi... là rất lớn. Chưa kể đến nguy cơ dịch bệnh, sự ảnh hưởng sức khỏe đến người già, trẻ nhỏ trong và sau khi nước rút.