Trào lưu “ăn tươi nuốt sống”
Mukbang bắt đầu xuất hiện tại Hàn Quốc từ năm 2010 và dần trở thành trào lưu trên mạng xã hội khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ mukbang xuất phát từ hai tiếng Hàn Quốc là muk ja (ăn) và bang-song (phát sóng). Người tham gia sẽ ăn trực tiếp trước camera và tương tác với khán giả qua các nền tảng trực tuyến.
Dường như khi du nhập vào Việt Nam, trào lưu này còn phát triển nhanh hơn, “dị” hơn cả nơi sản sinh ra nó. Nhiều bạn trẻ bắt xu hướng rất nhanh, họ làm video ăn thực phẩm kỳ lạ, có số lượng cực lớn như: hải sản, đuông dừa, uống bia, ăn trứng vịt lộn… Những video này luôn đứng top đầu về lượt xem và lượt tìm kiếm.
“Tóc vàng hoe” là một trong những kênh TikTok nổi như cồn với trào lưu mukbang gần đây. Kênh TikTok này có tới 1,6 triệu người theo dõi, thường xuyên đăng tải các video ăn uống thực phẩm tươi sống. Từ mâm gỏi thịt bò, bạch tuộc sống cho đến 10 bộ óc heo, 20 quả trứng sống, tất cả đều được cô gái này ăn chỉ trong vòng 5-10 phút.
Một trong những “đặc sản” của các video này là việc khán giả có thể nghe rất rõ tiếng bốc, nhai, xì xụp, tiếng nuốt thức ăn của TikToker. Các video này đều thu hút hàng triệu lượt xem trên nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh những bình luận chỉ trích vì ăn quá nhiều, phong cách ăn uống thiếu văn hóa thì có không ít bình luận tỏ ra hào hứng, khen chủ nhân của video giỏi, đẳng cấp… Dường như để xoa dịu những bình luận chỉ trích, trong một video, TikToker này còn cảnh báo khán giả: “Lưu ý không ăn quá nhiều vì dễ bị đầy bụng, tôi còn bị dị ứng do ăn 33 con đuông dừa trong thời gian ngắn”.
Tương tự, kênh TikTok có tên "Spicy Kim" có hơn 2,5 triệu lượt theo dõi - cũng thường xuyên thực hiện các clip ăn mực, bò, trứng, tôm, cá... sống. Một trong những video thu hút được lượng xem khủng là video ăn bạch tuộc sống trộn ớt. Chủ kênh TikTok này còn phải lưu ý mọi người cần nhai kỹ để tránh bị râu bạch tuộc bám vào hòm họng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trong thế giới của trào lưu mukbang nếu như không nhắc đến “thánh ăn” Nga Sumo sẽ là một thiếu sót. Cô nàng sinh năm 1990 đến từ Đồng Nai này nổi tiếng trên YouTube về khả năng ăn uống đáng kinh ngạc. Kênh YouTube của Nga Sumo có hơn 337 nghìn người đăng ký và đã đăng tải 548 video. Một trong những video khiến nhiều người phải khiếp sợ là “Hôm nay Nga đói may mà có 5 đĩa cơm to cỡ 10 người ăn”, trong video này, Nga Sumo thực hiện một thử thách ăn uống khó khăn khi cô ăn hết 5 đĩa cơm lớn, mỗi đĩa có thể cho đủ 10 người ăn. Video này thu hút hàng trăm nghìn lượt xem chỉ trong 17 giờ đăng tải, chứng tỏ sự hấp dẫn và tò mò của khán giả với khả năng ăn uống đáng kinh ngạc của cô ấy.
Video cũng thu hút cực nhiều lượt xem của Nga Sumo là “Cùng thánh ăn chợ phiên anh Hải Sapa TV, thưởng thức tô phở có 102 ở chợ phiên vùng cao”. Đây là video ghi lại hành trình của Nga Sumo cùng với “thánh” chợ phiên Hải Sapa TV thưởng thức một tô phở lớn. Video này nhanh chóng thu hút hơn 758 nghìn lượt xem, hàng trăm nghìn bình luận.
Mới đây nhất là video thử thách bản thân, ăn 80 quả trứng vịt lộn. Chủ nhân của video này lấy bối cảnh tại cửa hàng bán trứng vịt lộn tại một khu chợ tạm. Khi Nga Sumo thực hiện video đã có rất nhiều người quay phim, chụp ảnh và cổ vũ như thể một ngôi sao hay một kỷ lục gia nổi tiếng. Cứ như vậy, bên cạnh tiếng cổ vũ của mọi người xung quanh, tiếng ăn, tiếng nuốt thức ăn khiến cho người xem cảm giác hồi hộp và cuốn hút. Chỉ trong vòng 10 phút ngắn ngủi, Nga Sumo đã ăn hết nhẵn 80 quả trứng vịt lộn trong tiếng vỗ tay của mọi người. Video này đăng tải chưa được 24 giờ nhưng đã có hơn 200 nghìn lượt xem, hàng chục nghìn bình luận. Những bình luận chủ yếu khen Nga Sumo giỏi, đẳng cấp, phá kỷ lục của bản thân. Hay một video khác của Nga Sumo là ăn 47 bát tiết canh dê chỉ trong vòng 15 phút cũng khiến nhiều người mắt tròn mắt dẹt.
Ngoài những TikToker, Youtuber kể trên, không khó để tìm ra các kênh đăng tải clip mukbang “ăn tươi nuốt sống”. Chỉ cần gõ từ khóa #mukbangdosong (tạm dịch: mukbang đồ sống) có đến hàng nghìn lượt nhắc đến trên TikTok.
Ở Việt Nam chứng kiến khá nhiều trào lưu nhưng đa số đều chỉ duy trì một thời gian ngắn. Riêng trào lưu mukbang lại tồn tại suốt nhiều năm qua, lý do là bởi, mukbang không chỉ đơn giản là ăn và trò chuyện với mục đích giao lưu, mà người thực hiện video mukbang còn có cơ hội kiếm tiền bằng việc nhận quảng cáo, tiền tài trợ từ các nhãn hàng...
Theo khảo sát, trên kênh TikTok “Tóc vàng hoe” cứ 5 video mukbang đồ ăn tươi sống, có đến 4 video chủ kênh nhắc đến tên một sản phẩm đồ uống của các thương hiệu khác nhau như: Pepsi, trà gạo lứt Quê Việt, Cocacola... Chủ kênh TikTok “Spicy Kim” từng tiết lộ, có tháng thu nhập lên đến 100 triệu đồng. Nguồn thu này không chỉ từ TikTok mà còn ở công việc kinh doanh và tiền thù lao trên YouTube thông qua các video mukbang triệu view.
Anh Lê Quang, chuyên gia truyền thông cho rằng, khi trào lưu mukbang nở rộ, với biên độ tiếp cận người dùng không giới hạn trên mạng xã hội, các thương hiệu liên tục tung ra các chiến dịch marketing kết hợp cùng mukbang influencer (người mukbang có ảnh hưởng).
Mặc dù vậy, theo vị chuyên gia này, các nhãn hàng hoàn toàn có thể gặp rủi ro khi chọn hợp tác với người có ảnh hưởng mà không tính toán, tìm hiểu rõ về phong cách sáng tạo nội dung hoặc không có điều khoản ràng buộc nội dung lành mạnh, văn minh. Với những nội dung xấu, độc hoặc gây tranh cãi vì không phù hợp có thể dẫn đến hậu quả: hạ thấp giá trị công ty, gây mất niềm tin của cộng đồng với doanh nghiệp.
Hậu quả được báo trước
Mới đây, vào ngày 14/7/2024, “thánh ăn” Pan Xiaoting (24 tuổi) đột tử khi đang mukbang trên sóng livestream gây xôn xao dư luận Trung Quốc. Báo cáo khám nghiệm tử thi cho thấy bụng của Xiaoting bị biến dạng nghiêm trọng, dạ dày chứa lượng lớn thức ăn chưa kịp tiêu hóa. Cô gái này là “thánh ăn” nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc với những buổi mukbang có các thử thách ăn uống khắc nghiệt được thực hiện trong hơn 10 tiếng/ngày trên livestream. Trong mỗi lần xuất hiện, Xiaoting thường tiêu thụ hơn 10 kg thực phẩm.
Khi càng nổi tiếng, kiếm được nhiều tiền và nhận được sự tán dương từ dân mạng, sức khỏe của Pan Xiaoting ngày một sa sút. Trước khi qua đời, thể trạng cô gặp nhiều vấn đề như: huyết áp cao, mỡ máu cao, tiểu đường, xuất huyết dạ dày, đường ruột bị tổn hại nghiêm trọng. Dù được cha mẹ hết lời khuyên ngăn từ bỏ vì số tiền kiếm được không bù đắp nổi những tổn hại về sức khỏe, Xiaoting vẫn mải mê với các buổi mukbang, cho rằng mình có thể kiểm soát được. Cuối cùng, cô phải trả giá bằng mạng sống.
Trước đó, vào năm 2020, một người đàn ông ở Thẩm Dương (Trung Quốc) theo đuổi nghề mukbang nhập viện ngay khi làm việc. Khi vừa chuẩn bị ăn một đĩa thức ăn khổng lồ gồm nhiều món như thịt lợn om, gà nướng, ngỗng quay, người đàn ông họ Vương bỗng có triệu chứng chóng mặt, tê khắp cơ thể rồi nhanh chóng rơi vào trạng thái bất tỉnh. Sau một tuần điều trị, người đàn ông này không qua khỏi. Theo bác sĩ, nguyên nhân cái chết đột ngột là xuất huyết não, huyết áp và lipid máu quá cao. Đây là hậu quả của việc tiêu thụ số lượng đồ ăn quá lớn trong thời gian dài khiến cơ thể suy nhược, nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng phát sinh.
Trước thực trạng đáng quan ngại, Trung Quốc đã đưa ra quy định mới để hạn chế sự phổ biến của những video lan truyền thói quen ăn uống vô độ, lãng phí. Theo SCMP hồi tháng 12/2020, luật mới về chống lãng phí thực phẩm được đệ trình lên ủy ban pháp lý cấp cao của nước này nêu rõ: bất kỳ ai đăng video trực tuyến khuyến khích ăn quá độ sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 100.000 nhân dân tệ (hơn 348 triệu đồng). Những người tham gia các thử thách ăn uống vô độ, kém lành mạnh, các nhà hàng có hành vi lôi kéo hay gây hiểu lầm cho khách hàng gọi quá nhiều thức ăn, gây lãng phí… cũng sẽ bị xử phạt nghiêm.
Còn tại Philippines, Bộ Y tế nước này đang cân nhắc lệnh cấm các nội dung mukbang sau cái chết của Dongz Apatan hồi tháng trước. “Đây là một thói quen xấu vì mọi người tạo ra nội dung bằng cách ăn quá nhiều và điều đó không lành mạnh. Nó dẫn đến béo phì, từ béo phì có thể dẫn đến tăng huyết áp, vấn đề tim mạch, bệnh không lây nhiễm thậm chí đau tim”, Bộ trưởng Bộ Y tế Teodoro Herbosa chia sẻ. Vị này cho biết cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân tử vong của Dongz Apatan. Nếu cuộc điều tra của bộ xác định rằng mukbang góp phần gây ra cái chết của Apatan, họ sẽ thúc đẩy lệnh cấm trên các trang web và nền tảng truyền thông xã hội trong nước.
Nói về trào lưu này, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) cho hay, mukbang tồn tại những mặt tích cực như giảm căng thẳng, giúp tìm hiểu thêm về ẩm thực, tạo ra một cộng đồng trên mạng giúp những người ăn một mình cảm thấy không cô đơn.
Tuy nhiên, ở góc độ dinh dưỡng, bác sĩ Hưng cho rằng, mukbang là thói quen ăn uống không hề lành mạnh, gây ảnh hưởng xấu đến người trẻ. “Trong quá trình quay video, người tham gia mukbang có thể mua nhiều thức ăn vượt quá nhu cầu của họ, gây lãng phí thực phẩm. Người tham gia mukbang có thể ăn quá nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Với người xem, mukbang có thể khuyến khích họ ăn uống quá mức, gây hại đến sức khỏe. Trào lưu này còn có thể gây ra một hình ảnh tiêu cực về cơ thể dẫn đến việc hành vi ăn uống không lành mạnh và ảnh hưởng đến tâm lý của người xem”, bác sĩ Hưng phân tích.
Đối với những người có vấn đề về tiêu hóa như bị viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa, bệnh lý gan, béo phì hoặc các vấn đề khác liên quan đến đường tiêu hóa, bác sĩ Hưng khuyến cáo tuyện đối không tham gia vào trào lưu này. Đặc biệt với trẻ em đang trong quá trình phát triển cả về thể chất và tâm lý, việc xem mukbang có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển của trẻ.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/lang-phi-va-hai-suc-khoe-tu-tro-mukbang-a80331.html