1. VIÊM PHỔI LÀ GÌ?
Viêm phổi (Pneumonia) là tình trạng nhiễm trùng nhu mô phổi kèm theo sản xuất dịch tiết trong phế nang; bao gồm viêm phế nang, ống và túi phế nang, tiểu phế quản tận hoặc viêm tổ chức kẽ của phổi. Bệnh xảy ra do các tác nhân vi khuẩn, virus, nấm và một số tác nhân khác, nhưng không bao gồm trực khuẩn lao.
2. Triệu chứng báo hiệu bạn đang có dấu hiệu viêm phổi
Ho là triệu chứng cơ bản nhất trong các dấu hiệu viêm phổi, xuất hiện sớm nhất. Bệnh nhân có thể ho theo từng đợt, ho ngắt quãng, lúc ho thường có đờm có mùi hôi, có màu vàng, màu xanh. Kèm theo từng đợt ho là cơn đau ngực dữ dội.
Bệnh nhân viêm phổi mức độ nhẹ thường không thở gấp, nhưng viêm phổi mức độ nặng khiến bệnh nhân khó thở, thở nhanh, gấp.
Triệu chứng chung của các loại bệnh viêm là sốt cao, và dấu hiệu viêm phổi cũng không ngoại lệ. Bệnh nhân có thể bị sốt thành cơn, hoặc sốt liên tục kèm theo rét run. Các bệnh nhân có đề kháng yếu hoặc bệnh nhân có bệnh mạn tính có thể sốt cao lên đến 40 - 41 độ.
Môi và các đầu chi tím tái, da đỏ lên và nóng ran là những biểu hiện kèm theo sốt.
Bệnh nhân có thể bị khô môi, lưỡi bẩn dù thường xuyên làm sạch răng miệng, hơi thở có mùi,...
3. NGUYÊN NHÂN NÀO GÂY BỆNH VIÊM PHỔI?
Các nguyên nhân gây bệnh viêm phổi thường gặp là:
- Các vi khuẩn gây bệnh viêm phổi điển hình: Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae.
- Các vi khuẩn gây bệnh viêm phổi không điển hình: Legionella pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, Chlamydiae pneumoniae.
- Các vi khuẩn gây bệnh viêm phổi nặng: Staphylococcus aureus, Klebsiella pneumoniae, Pseudomonas aeruginosae, vi khuẩn yếm khí.
Các virus như virus cúm, cúm gia cầm, virus hợp bào hô hấp, Adenovirus, Coronavirus… cũng có thể gây viêm phổi nặng, chiếm khoảng 10% các bệnh nhân viêm phổi. Một số trường hợp khác do nấm hoặc ký sinh trùng.
Các tác nhân này có thể xâm nhập vào phổi theo các con đường:
- Hô hấp: Hít phải vi khuẩn ở môi trường bên ngoài hoặc từ ổ nhiễm khuẩn của đường hô hấp trên.
- Máu: Thường gặp sau nhiễm khuẩn huyết, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, viêm tĩnh mạch nhiễm khuẩn…
- Kế cận phổi (hiếm gặp): Màng tim, trung thất…
- Bạch huyết: Thường gặp là các vi khuẩn gây bệnh viêm phổi nặng, có thể gây hoại tử hay áp xe phổi.
Ảnh minh hoạ
4. PHÒNG NGỪA BỆNH VIÊM PHỔI BẰNG CÁCH NÀO?
Để phòng ngừa bệnh viêm phổi và đặc biệt là viêm phổi nặng, nên:
- Phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm virus, vi khuẩn từ người sang người.
- Điều trị triệt để các nhiễm trùng tai mũi họng, răng hàm mặt.
- Tiêm vaccine phòng cúm mỗi năm 1 lần: Tất cả các đối tượng trên 6 tháng tuổi.
- Tiêm vaccine phế cầu 5 năm/lần: Người bị bệnh hô hấp mạn tính, đái tháo đường, bệnh gan mạn tính, bệnh thận mạn, tình trạng suy giảm miễn dịch, bệnh tim mạn, dò dịch não tủy, không có lách hoặc thiếu hụt bổ thể, nghiện rượu, người lớn tuổi.
- Tiêm các loại vaccine chống virus, vi khuẩn khác theo nhu cầu.
- Quản lý tốt các bệnh lý nền như đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, bệnh gan mạn tính, bệnh thận mạn tính…
- Không hút thuốc lá, thuốc lào.
- Uống rượu bia điều độ.
- Giữ ấm cổ, ngực trong mùa lạnh.
- Có lối sống lành mạnh giúp tăng sức đề kháng: ăn uống cân bằng dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên, ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ.
Ảnh minh hoạ
Tất cả các trường hợp có biểu hiện của viêm phổi hoặc nghi ngờ viêm phổi đều cần đến gặp bác sĩ để khám, chẩn đoán và điều trị. Người bệnh không nên chủ quan, tự điều trị hay tự mua thuốc kháng sinh về uống. Điều trị không đúng cách có thể dẫn đến bệnh nặng hơn, gây ra biến chứng và làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh.
Tổng hợp
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/trieu-chung-cua-benh-viem-phoi-va-cac-cach-phong-ngua-can-luu-y-a80348.html