Ối vỡ non: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền và cách điều trị

Nước ối là chất lỏng bao quanh thai nhi trong tử cung, đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển của thai nhi suốt quá trình mang thai. Nước ối không chỉ bảo vệ thai nhi khỏi các chấn thương và va đập, mà còn tạo ra một môi trường vô khuẩn giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.

1. Tổng quan, nguyên nhân bệnh ối vỡ non

Ối vỡ non là hiện tượng màng ối bị rách, khiến nước ối thoát ra ngoài một cách từ từ hoặc ồ ạt. Trong trường hợp nước ối chảy ra từng ít một, một số người còn gọi là rỉ ối. Điều này có thể khiến mẹ bầu khó nhận biết, vì có thể nhầm lẫn với nước tiểu hoặc dịch viêm nhiễm âm đạo.

1.1 Tình trạng ối vỡ non có nguy hiểm không?

Ối vỡ non là một biến chứng rất nặng nề của thai kỳ, gây ra rất nhiều vấn đề nghiêm trọng:

Ối vỡ non: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền và cách điều trị- Ảnh 1.

Túi ối là môi trường nuôi dưỡng và bảo vệ thai nhi khỏi sự xâm nhập và tác động của vi sinh vật bên ngoài.

Nếu mẹ bầu nghi ngờ bị ối vỡ non, nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn kịp thời.

1.2 Nguyên nhân bệnh ối vỡ non:

Nguyên nhân gây ối vỡ non rất đa dạng, bao gồm:

- Các viêm nhiễm âm đạo hoặc nhiễm trùng nội mạc tử cung có thể làm tổn thương màng ối và dẫn đến ối vỡ non.

- Màng ối bị suy yếu trở nên mỏng hoặc yếu do các bất thường, nước ối có thể rò rỉ ra ngoài. Điều này có thể gặp do các tình trạng viêm nhiễm khác ở mẹ, hoặc ở người mẹ có các bất thường tiềm tàng.

- Đa thai và đa ối: tử cung căng giãn quá mức làm tăng nguy cơ vỡ ối non.

- Viêm màng ối: Viêm nhiễm ở màng ối có thể làm yếu màng và gây ối vỡ non.

- Hở eo tử cung: Là tình trạng cổ tử cung suy yếu về mặt cấu trúc và chức năng, có thể làm hở kênh cổ tử cung trong khi mang thai. Màng ối suy yếu và trượt ra ngoài ở vị trí lỗ ngoài cổ tử cung hoặc sa trong âm đạo. Đây là yếu tố cực kì nguy cơ của việc vỡ ối non và sinh non.

- Nguyên nhân không rõ: Trong một số trường hợp, nguyên nhân cụ thể gây ra ối vỡ non có thể không rõ ràng, và việc xác định nguyên nhân có thể đòi hỏi sự can thiệp và điều tra thêm từ các chuyên gia y tế.

2. Triệu chứng bệnh ối vỡ non

Triệu chứng dễ nhận thấy nhất là ra nước âm đạo ồ ạt hoặc từng chút một. Tuy nhiên cần phân biệt đó là nước ối, nước tiểu, hay dịch âm đạo. Phụ nữ mang thai có thể khó phân biệt chính xác tình trạng này. Tuy nhiên một số dấu hiệu sau đây giúp nhận định dịch chảy ra là do đâu:

- Nước ối thường có màu trong hoặc lợn cợn, trong khi nước tiểu thường màu vàng nhạt, dịch âm đạo thường nhầy và đặc hơn, có thể có màu trắng, vàng, xanh.

- Nước ối thường không có mùi hoặc mùi nồng nhẹ, trong khi nước tiểu có mùi khai, dịch âm đạo có thể có mùi tanh, hôi.

- Thai phụ có thể nhịn tiểu, thấy có dịch chảy ra từ âm đạo với tính chất như trên.

- Tiểu sạch nước tiểu trong bàng quang mà vẫn thấy ướt quần lót.

- Thử quỳ tím: quỳ tím chuyển màu xanh thì đó là nước ối.

- Ối vỡ non có thể kèm theo cơn gò tử cung.

- Khám lâm sàng để phân biệt.

Ối vỡ non: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền và cách điều trị- Ảnh 2.

Ngôi thai bất thường là nguyên nhân thường gặp khiến sản phụ vỡ ối.

3. Bệnh ối vỡ non có lây nhiễm không?

Ối vỡ non không phải là một tình trạng có khả năng lây nhiễm. Đây là một vấn đề liên quan đến tình trạng nước ối trong tử cung và không liên quan đến sự lây truyền từ người này sang người khác.

4. Cách phòng bệnh ối vỡ non

Hầu như không có phương pháp phòng bệnh hiệu quả đối với ối vỡ non. Một số biện pháp đã được khuyến cáo như:

- Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ. Khám phụ khoa định kỳ trước và trong khi mang thai, điều trị triệt để tình trạng viêm nhiễm âm đạo.

- Thai phụ không nên quan hệ tình dục, ngâm mình trong bồn tắm quá lâu, thụt rửa âm đạo hay tự kiểm tra vùng kín bằng tay.

- Các thai phụ đa thai, đa ối nên sinh hoạt nhẹ nhàng, tránh mang vác nặng, leo cầu thang, làm việc nặng.

5. Cách điều trị bệnh ối vỡ non

Về cơ bản, một khi ối đã vỡ thì không có cách gì có thể làm màng ối lành trở lại. Do đó việc điều trị ối vỡ non bản chất là theo dõi thai kỳ và quyết định thời điểm sinh để hạn chế các rủi ro cho mẹ và thai.

Khi ối vỡ trước 24 tuần, thường sẽ có chỉ định chấm dứt thai kỳ do ở độ tuổi này không thể kéo dài được thai kỳ quá lâu mà không gây ra biến chứng. Khi ối vỡ trên 24 tuần, việc điều trị chia ra làm 2 giai đoạn: giai đoạn điều trị mong đợi kéo dài đến hết 34 tuần, và giai đoạn trên 34 tuần.

Ở giai đoạn điều trị mong đợi: các bác sĩ sẽ theo dõi sát để phát hiện sớm tình trạng nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng ối; bên cạnh đó là theo dõi tình trạng nước ối, tình trạng sức khỏe thai và theo dõi các dấu hiệu chuyển dạ. Cần biết rằng một khi có tình trạng nhiễm trùng, suy thai hoặc chuyển dạ thực sự thì bắt buộc phải chấm dứt thai kỳ. Ở giai đoạn này, các thuốc có thể dùng là corticoid để hỗ trợ trưởng thành phổi, thuốc kháng sinh để dự phòng nhiễm trùng (chỉ dùng trong thời gian ngắn hạn, dưới sự giám sát của bác sĩ) và thuốc giảm co (khi có chỉ định của bác sĩ). Bên cạnh việc thăm khám lâm sàng, việc làm các xét nghiệm đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn, siêu âm đo lượng nước ối, chạy monitor sản khoa là cần thiết để đánh giá tổng thể sức khỏe mẹ và thai.

Ở giai đoạn trên 34 tuần: giai đoạn này khả năng nuôi sống em bé sơ sinh là rất cao. Do đó các trường hợp ối vỡ non nếu duy trì qua mốc thời gian này sẽ được tư vấn chấm dứt thai kỳ bằng mổ lấy thai hoặc khởi phát chuyển dạ.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/oi-vo-non-nguyen-nhan-trieu-chung-lay-truyen-va-cach-dieu-tri-a80490.html