Vì sao nhà sáng lập Telegram CEO Pavel Durov bị bắt ở Paris?

Nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Telegram, Pavel Durov, đã bị bắt ở Paris vào ngày 24/8, với cáo buộc liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp, như buôn bán ma túy và phát tán hình ảnh lạm dụng trẻ em.

Pavel Durov, 39 tuổi, sinh ra ở Saint Petersburg (Nga), có quốc tịch Nga, Pháp, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), quốc đảo Saint Kitts và Nevis ở vùng Caribe. Ông Durov sáng lập Telegram vào năm 2013 và hiện đặt trụ sở tại Dubai. Ông bị bắt tại Sân bay Paris-Le Bourget sau khi từ Azerbaijan đến Pháp vào ngày 24/8.

Vì sao nhà sáng lập Telegram CEO Pavel Durov bị bắt ở Paris?- Ảnh 1.

CEO Pavel Durov có bài phát biểu tại Mobile World Congress ở Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 23/2/2016. (Nguồn: Getty Images)

Ngay sau đó, Telegram đã phát đăng tải trên nền tảng của mình, khẳng định rằng họ tuân thủ luật pháp EU và đang cải thiện việc kiểm duyệt nội dung theo tiêu chuẩn ngành. Họ cũng nhấn mạnh rằng CEO Durov không có gì phải giấu diếm và thường xuyên di chuyển khắp châu Âu.

Telegram là gì?

Telegram là một ứng dụng nhắn tin cho phép người dùng trò chuyện cá nhân, tạo nhóm trò chuyện và lập các kênh lớn để gửi tin nhắn đến nhiều người cùng lúc. Khác với WhatsApp, Telegram cho phép tạo nhóm với số lượng thành viên lên đến 200.000 người, trong khi WhatsApp chỉ cho phép tối đa 1.024 người. Điều này khiến thông tin sai lệch có thể dễ dàng lan truyền trong các nhóm lớn như vậy.

Telegram cung cấp tính năng mã hóa cho các cuộc trò chuyện, nhưng không tự động bật tính năng này; người dùng phải kích hoạt mã hóa nếu muốn bảo mật cuộc trò chuyện của mình. Tính năng này không áp dụng cho các cuộc trò chuyện nhóm. Điều này khác với các ứng dụng như Signal và Facebook Messenger, nơi các cuộc trò chuyện được mã hóa từ đầu đến cuối mặc định.

Vì sao nhà sáng lập Telegram CEO Pavel Durov bị bắt ở Paris?- Ảnh 2.

Yulia Vavilova, một người đam mê tiền điện tử 24 tuổi, được cho là đã bị bắt tại Paris cùng với người sáng lập Telegram. (Nguồn: RT)

Telegram hiện có hơn 950 triệu người dùng. Ứng dụng này rất phổ biến ở Pháp, nơi có cả các quan chức chính phủ sử dụng. Tuy nhiên, các nhà điều tra Pháp phát hiện Telegram cũng đã bị những kẻ cực đoan và buôn bán ma túy lợi dụng.

Telegram được CEO Pavel Durov và anh trai Nikolai ra mắt vào năm 2013. Pavel Durov đã hỗ trợ về mặt tài chính và ý tưởng, trong khi Nikolai phụ trách công nghệ.

Trước khi sáng lập Telegram, Pavel Durov đã tạo ra VKontakte, mạng xã hội lớn nhất ở Nga. VKontakte đã bị chính quyền Nga gây áp lực để xóa bỏ các cộng đồng trực tuyến của các nhà hoạt động đối lập và cung cấp dữ liệu cá nhân của người dùng. Durov đã bán cổ phần tại VKontakte và rời khỏi Nga vào năm 2014 do áp lực từ chính quyền.

Tại sao CEO Durov bị bắt?

Theo tin từ Pháp, Pavel Durov đã bị bắt vì cáo buộc rằng Telegram, ứng dụng nhắn tin của anh, đã bị sử dụng cho các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền, buôn bán ma túy và các tội  khác. Đến chiều ngày 26/8, Durov vẫn chưa bị chính thức buộc tội và thông tin về cuộc điều tra vẫn còn rất hạn chế.

Vào đêm ngày 25/8, một thẩm phán ở Pháp đã quyết định gia hạn thời gian giam giữ ông Durov. Theo luật Pháp, CEO Durov có thể bị giam giữ để thẩm vấn trong tối đa 4 ngày. Sau đó, các thẩm phán sẽ phải quyết định xem có buộc tội ông hay không, hoặc thả ông ra.

Các bên liên quan phản ứng thế nào về vụ việc?

Tại Nga, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã từ chối bình luận về việc CEO Pavel Durov bị bắt ở Pháp. Ông Peskov cho biết trong cuộc họp báo hôm 26/8 rằng, Nga chưa biết rõ Durov bị cáo buộc gì và chưa có thông tin chính thức về vụ việc. 

Vì sao nhà sáng lập Telegram CEO Pavel Durov bị bắt ở Paris?- Ảnh 3.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên tiếng về vụ việc CEO Telegram bị bắt tại Paris. (Nguồn: Getty Images)

Các quan chức Nga đã bày tỏ sự tức giận về vụ bắt giữ Durov, cho rằng đây có thể là động cơ chính trị. Điều này đã làm dấy lên những nghi ngờ, bởi vì vào năm 2018, Nga đã cố gắng cấm Telegram nhưng không thành công và sau đó đã dỡ bỏ lệnh cấm vào năm 2020.

Elon Musk, tỷ phú sở hữu mạng xã hội X và người nổi tiếng với quan điểm bảo vệ tự do ngôn luận, đã lên tiếng ủng hộ Durov bằng cách đăng hashtag "#freePavel" sau khi CEO Durov bị bắt.

Ngày 26/8, trên mạng xã hội X, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh rằng việc bắt giữ CEO Durov không phải là một quyết định chính trị, mà là một phần của cuộc điều tra tư pháp. Các thẩm phán sẽ quyết định tương lai của ông Durov dựa trên điều tra này.

Tổng thống Macron viết rằng: "Trong một quốc gia tuân thủ pháp luật, quyền tự do phải được thực hiện theo các quy định của pháp luật để bảo vệ công dân và tôn trọng các quyền cơ bản của họ, cả trên mạng xã hội lẫn ngoài đời thực". Tổng thống Pháp cũng khẳng định rằng hệ thống tư pháp cần phải hoàn toàn độc lập để đảm bảo luật pháp được thực thi.

Sau khi CEO Durov bị bắt, Telegram đã đăng tải trên nền tảng của mình, khẳng định rằng họ tuân thủ luật pháp EU và cam kết cải thiện việc kiểm duyệt nội dung theo tiêu chuẩn ngành. Họ cũng cho rằng, việc cáo buộc nền tảng bị lạm dụng là không hợp lý và nhấn mạnh, gần một tỷ người dùng toàn cầu sử dụng Telegram để giao tiếp và lấy thông tin quan trọng. Telegram đang chờ đợi giải pháp nhanh chóng cho tình huống này và khẳng định họ luôn ủng hộ người dùng.

Telegram có kiểm duyệt nội dung không?

Telegram thường bị chỉ trích bởi các chính phủ phương Tây vì không kiểm duyệt nội dung nhiều như các nền tảng khác. Điều này khiến các chuyên gia lo ngại rằng nền tảng có thể bị lợi dụng cho các hoạt động như rửa tiền, buôn bán ma túy và chia sẻ tài liệu về lạm dụng trẻ em.

David Thiel, một nhà nghiên cứu từ Đại học Stanford, cho biết Telegram "kém an toàn hơn và ít kiểm soát nội dung bất hợp pháp hơn so với các nền tảng nhắn tin khác". Ông cũng nhấn mạnh rằng Telegram dường như không phản hồi hiệu quả với cơ quan thực thi pháp luật, trái ngược với WhatsApp, đã gửi hơn 1,3 triệu báo cáo liên quan đến vấn đề bảo vệ trẻ em trong năm 2023, trong khi Telegram không gửi báo cáo nào.

Năm 2022, Đức đã phạt Telegram 5,125 triệu Euro vì không tuân thủ luật pháp về quản lý nội dung trực tuyến. Chính quyền Đức cho biết Telegram không có hệ thống hợp pháp để báo cáo nội dung bất hợp pháp hoặc chỉ định đại diện tại Đức để nhận thông báo chính thức.

Tương tự, năm 2024, Brazil đã tạm thời đình chỉ Telegram vì ứng dụng này không cung cấp dữ liệu cần thiết trong một cuộc điều tra về nhóm tân Quốc xã liên quan đến vụ xả súng ở trường học.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/vi-sao-nha-sang-lap-telegram-ceo-pavel-durov-bi-bat-o-paris-a80529.html