Trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua (31/8-3/9), Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đã vượt Thanh Hóa (sau nhiều "mùa nghỉ lễ" liên tiếp dẫn đầu) để “tỏa sáng,” trở thành những địa phương đạt mức tăng trưởng lượng khách và doanh thu thuộc top đầu cả nước.
Theo thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia, trong kỳ nghỉ lễ 2/9 ước tính ngành du lịch cả nước đã phục vụ khoảng 3 triệu lượt khách (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023); công suất lưu trú trung bình đạt 56% (tăng 1,85% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023), riêng 2 ngày 1-2/9 công suất đạt trên 60%.
Đáng chú ý, lượng khách du lịch quốc tế tới các điểm đến trọng điểm cơ bản tăng. Đây được đánh giá là tín hiệu tích cực khởi động mùa du lịch “inbound” (khách quốc tế đến) từ tháng 10 tới. Số khách này chủ yếu đến từ các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, châu Âu, Mỹ, có thời gian lưu trú 4-5 đêm.
Một số địa phương đón khách ngoại nhiều nhất kỳ nghỉ vừa qua như: Đà Nẵng ước đón 91.000 lượt khách (tăng 15,3%); Hà Nội ước đón hơn 58.900 lượt (tăng 35,8%); Khánh Hòa đón 254 lượt chuyến bay quốc tế với trên 48.000 lượt khách; Thành phố Hồ Chí Minh ước đón 38.800 lượt khách (tăng 3,2% so với cùng kỳ); Bà Rịa - Vũng Tàu ước đón 25.560 lượt khách; Thừa Thiên Huế ước đón 16.000 lượt khách lưu trú (tăng 54,3%); Kiên Giang ước đón 15.570 lượt khách (tăng 271,4%); Lào Cai ước đón hơn 13.470 lượt (tăng 46,4%)…
Để đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng như vậy cũng bởi các địa phương đã cố gắng đáp ứng tối đa nhu cầu tham quan, vui chơi nghỉ dưỡng của du khách; chủ động làm mới, xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn; tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội, nghệ thuật; các chương trình khuyến mại, gói dịch vụ đi kèm… nhằm hấp dẫn và tăng chi tiêu, thời gian lưu trú của du khách.
Du khách nhí theo gia đình trải nghiệm du lịch ở Bình Thuận. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Nhiều sản phẩm mới ra mắt tại các trung tâm du lịch như: trải nghiệm du ngoạn sông Hàn, trải nghiệm dù lượn ngắm Đà Nẵng từ trên cao, tour xích lô du lịch khám phá vẻ đẹp về đêm của Đà Nẵng; Thành phố Hồ Chí Minh mở thêm tuyến tham quan bằng xe buýt 2 tầng và khai trương Phố thương mại - ẩm thực Sky Garden; Khu du lịch Bò Cạp Vàng (Đồng Nai) ra mắt hạng mục thác nước nhân tạo Bliss (Bliss Waterfall0); Đà Lạt ra mắt bản đồ du lịch nghệ thuật (Dalat Art Map)…
Các địa phương tiêu biểu như tại Mộc Châu (Sơn La), không khí Tết Độc lập tràn ngập đường phố với những điệu xòe, điệu múa… của những cô gái chàng trai người Mông, người Thái…; Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) sôi động và rực rỡ sắc màu với phiên chợ vùng cao “Vui Tết Độc lập;” Mù Căng Chải (Yên Bái) có chương trình nghệ thuật “Dáng hình đất nước” và tổ chức Lễ hội Sơn Tra; Núi Bà Đen (Tây Ninh) với các hoạt động du lịch “săn mũ mây trắng,” múa trống Chhay dăm, nhạc ngũ âm và đặc biệt là lễ chào cờ mừng Quốc khánh được tổ chức trên đỉnh núi mang đậm tinh thần tự hào dân tộc…
Có thể nói, do thời tiết cơ bản thuận lợi ở cả 3 miền nên các chỉ tiêu phục vụ khách và tổng thu từ khách du lịch tại các địa phương đều tăng khá so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh ước đón và phục vụ 980.000 lượt khách; Hà Nội đón 672.900 lượt; Hải Phòng đón 580.000 lượt; Khánh Hòa đón 578.219 lượt; Bà Rịa - Vũng Tàu đón 555.984 lượt; Quảng Ninh đón 455.000 lượt; Thanh Hóa đón 395.700 lượt; Bình Thuận đón 385.000 lượt (tăng gấp 3,3 lần); Nghệ An đón 320.000 lượt; Đà Nẵng đón 308.000 lượt; Lào Cai đón 196.500 lượt; Kiên Giang đón 159.176 lượt; Lâm Đồng đón 132.000 lượt; Thừa Thiên Huế đón 130.000 lượt…
Với lượng khách tăng như vậy, tổng thu du lịch Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 2.940 tỷ đồng; Hà Nội tổng thu ước đạt 2.180 tỷ đồng; Đà Nẵng cũng là điểm đến đạt nhiều thắng lợi dịp lễ với tổng thu du lịch đạt 1.200 tỷ đồng (tăng gần 34%); Khánh Hòa tổng thu du lịch đạt hơn 756 tỷ đồng.Doanh thu Ninh Bình ước đạt gần 650 tỷ đồng (tăng hơn 180% so với năm ngoái).
Du khách quốc tế thích thú trải nghiệm Hang Múa, Ninh Bình. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đạt doanh thu cao dịp nghỉ lễ Quốc khánh như: Quảng Ninh doanh thu 870 tỷ đồng; Nghệ An 635 tỷ đồng; Bình Thuận 510 tỷ đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu 333,6 tỷ đồng; Cần Thơ 221 tỷ đồng; Thừa Thiên Huế (132 tỷ đồng); Kiên Giang tổng thu du lịch ước đạt 347 tỷ đồng (riêng Phú Quốc là 317 tỷ đồng)…
Đối với vận chuyển hàng không, tổng số chuyến bay cung ứng trong dịp nghỉ lễ ước đạt hơn 4.250 chuyến bay, bình quân 840 chuyến/ngày (tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023). Ngành Đường sắt đã phục vụ gần 130.000 lượt hành khách (tăng khoảng 10% so với cùng kỳ 2023). Trong ngày cao điểm nhất (30/8) đã có 10 chuyến tàu trên tuyến Bắc-Nam: 5 chuyến Hà Nội-Sài Gòn, 1 chuyến Hà Nội-Đà Nẵng, 2 chuyến Hà Nội-Đồng Hới, 2 chuyến Hà Nội-Vinh.
Với kết quả về lượng khách và doanh thu của kỳ nghỉ lễ Quốc khánh như vậy, có thể nói đây là một tín hiệu tích cực của hoạt động du lịch. Bởi trước đó, nhiều chuyên gia lo ngại lượng khách sẽ sụt giảm do những khó khăn về kinh tế và thời điểm kỳ nghỉ 2/9 đã không còn là “kỳ nghỉ vàng” của năm.
Tuy nhiên, thống kê cho thấy du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng, du lịch quốc tế đang dần lấy lại đà tăng, là dấu hiệu khả quan mùa du lịch cuối năm và mùa đón khách “inbound” của toàn ngành.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/cuc-phuong-lan-thu-6-duoc-vinh-danh-la-vuon-quoc-gia-hang-dau-chau-a-a80584.html