Đến 17h ngày 12/9 có 330 người chết và mất tích do bão số 3 và mưa lũ

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các địa phương thống kê thiệt hại đến 17 giờ ngày 12/9, bão số 3 và mưa lũ đã khiến 330 người chết và mất tích (226 người chết, 104 người mất tích); tăng 3 người so với thống kê lúc 12 giờ 30 phút cùng ngày.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo tại các địa phương

Trước tình trạng mưa lũ, sạt lở đất, ngập lụt gây hậu quả nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ, trong ngày 12/9, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở tại các địa phương.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và thăm hỏi, động viên nhân dân vùng lụt, bão tại xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trao 20 tỷ đồng ủng hộ tỉnh Tuyên Quang khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm động viên lực lượng làm nhiệm vụ củng cố khắc phục sự cố một số điểm xung yếu ở đê sông Lô, xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở, ngập lụt tại tỉnh Yên Bái, cảm ơn chính quyền và các lực lượng, nhân dân trong tỉnh đã hợp tác, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, đến nay đã  Thủy điện Thác Bà đã an toàn; chủ động giảm thấp nhất có thể thiệt hại do thiên tai. 

Thủ tướng cũng đã đến tận nơi động viên, đôn đốc các lực lượng tìm kiếm và chia sẻ, khẳng định sự quan tâm làm những gì tốt nhất có thể để ổn định cuộc sống trở lại cho gia đình có người thân bị chết, mất tích, mất tài sản, sinh kế,... trong vụ sạt lở kinh hoàng nhất cả nước vừa qua - Đó là thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai).   

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích do sạt lở đất tại thôn Làng Nủ ( Lào Cai)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn công tác Trung ương trực tiếp nắm tình hình; hỗ trợ và chia sẻ với chính quyền, nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Chủ tịch Quốc hội đã trao 200 suất quà động viên các hộ dân huyện Phú Bình chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 và mưa lũ. 

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm hỏi, tặng quà nhân dân xã Nga My, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã đến hiện trường vụ lũ quét tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai;Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng kiểm tra công tác phòng, chống mưa lũ tại Ninh Bình.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú thị sát hiện trường  và nghe báo cáo về công tác tìm kiếm nạn nhân ở thôn Làng Nủ

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình thị sát, kiểm tra công tác phòng, chống lũ tại Hưng Yên và Hà Nam; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đến Cao Bằng; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đến Điện Biên; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà  thị sát, kiểm tra công tác phòng, chống lũ tại Nam Định; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt kiểm tra công trình Thủy điện Hòa Bình.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình thị sát các địa phương của thành phố Hưng Yên bị ngập do lũ sông Hồng

Tại các nơi đến, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới các gia đình, tổ chức, địa phương có người thiệt mạng, mất tích, bị thương và bị thiệt hại do bão lũ, sạt lở đất; biểu dương cấp ủy, chính quyền địa phương đã quyết liệt di dời các hộ dân khỏi vùng nguy hiểm; biểu dương người dân thực hiện nghiêm hướng dẫn của chính quyền. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội cũng động viên lực lượng đang thu dọn bùn đất, rửa dọn nhà cửa, làm vệ sinh môi trường đường phố; đề nghị các lực lượng huy động tổng lực về nhân lực, phương tiện, hỗ trợ để cuộc sống của người dân sớm trở lại bình thường; mong muốn nhân dân đoàn kết, “tương thân, tương ái”, cùng nhau chia sẻ khó khăn, chung tay khắc phục hậu quả mưa lũ. 


Tiếp tục hỗ trợ nhân dân vùng lũ 

Với quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và mưa lũ nhanh chóng ổn định cuộc sống của người dân, hoạt động cứu trợ, ủng hộ được triển khai rộng khắp. 
Sáng 12/9, trực thăng Mi-171 số hiệu 03 thực hiện chuyến bay đầu tiên của Trung đoàn Trực thăng 916 thuộc Sư đoàn quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân cất cánh từ sân bay Hòa Lạc thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và vận chuyển nhu yếu phẩm, phao cứu sinh giúp đỡ đồng bào vùng lũ ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. 
Chính phủ các nước, nhiều tổ chức quốc tế đã hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão, lũ. Chính phủ Australia hỗ trợ 264 bộ dụng cụ vệ sinh cá nhân, 120 bộ dụng cụ bếp, 264 bộ dụng cụ sửa chữa nhà cửa, 600 chăn, 600 thảm ngủ, 522 tấm bạt che, 360 màn. Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA) hỗ trợ 2.002 bộ dụng cụ gia đình. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ 40 máy lọc nước cầm tay, 200 tấm bạt nhựa đa năng. 
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ở Việt Nam khẩn cấp vận chuyển 80.000 viên lọc nước tới Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thái Nguyên và 4.000 lít nước tới Bệnh viện tỉnh Lào Cai.
Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc quyết định viện trợ khẩn cấp hàng hóa, vật tư hỗ trợ Chính phủ Việt Nam khắc phục hậu quả bão số 3. 
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 12/9, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông…và nhiều địa phương tổ chức quyên góp hỗ trợ các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ. 

Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ thời tiết tốt dần

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ 15 giờ 30 phút đến đêm 12/9, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống chậm dưới mức báo động 2 và ở trên báo động 1. Từ ngày 13-23/9, thời tiết khu vực Bắc Bộ có xu hướng tốt dần lên; chủ đạo là ngày nắng, một vài nơi có mưa rào và dông vào chiều tối.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương và người dân ở khu vực Bắc Bộ cần hết sức lưu ý, mặc dù trời không mưa nhưng nguy cơ về sạt lở đất vẫn còn rất cao trong những ngày tới; đặc biệt trên khu vực các tỉnh vùng núi phía Bắc vì vừa qua, khu vực này đã xảy ra một đợt mưa rất lớn và kéo dài nên trạng thái đất đã trở nên bão hòa.
Ngày 12/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 16/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó với lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên địa bàn thành phố.  
Để đảm bảo an toàn cho người dân, các lực lượng chức năng Thủ đô đã sơ tán, di dời khoảng 27.980 người dân tại những nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa, lũ đến nơi an toàn. Cùng với đó, Hà Nội triển khai phòng, chống ngập úng, vận hành cửa phai của hồ điều hòa như: Đống Đa, Bảy Mẫu, Đầm Chuối...và các trạm bơm đầu mối...


Tại một sống địa phương, công tác di dời người dân vẫn tiếp tục được triển khai với phương châm an toàn của người dân là trên hết, trước hết. Các lực lượng chức năng tỉnh Hưng Yên đưa ca nô, xuồng máy, luồn lách vào ngõ hẻm, tiếp cận và đưa trên 12.000 người dân đến nơi an toàn; Thanh Hóa sơ tán 936 hộ dân ở nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; Bắc Ninh di dời hơn 650 hộ dân ở các khu vực dân cư ở ngoài bãi sông.../.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/den-17h-ngay-129-co-330-nguoi-chet-va-mat-tich-do-bao-so-3-va-mua-lu-a80706.html