Lời cầu cứu của người phụ nữ bị bạo hành sau khi đã ly hôn

Phan Thị Nga sinh năm 1978, hộ khẩu thường trú tại Tổ dân phố 12 Nhân Mỹ (phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm TP. Hà Nội) giử đơn cầu cứu về việc chồng chị có quan hệ ngoài hôn nhân với người phụ nữ khác và hành hung vợ.

Theo đó, năm 1996 chị Nga và anh Nguyễn Văn Đ ở xã Đại Hưng (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) kết hôn và có với nhau 2 người con. Trong quá trình chung sống, vợ chồng chị Nga và anh Đ không phát sinh mâu thuẫn. Cho đến năm 2020 chị Nga phát hiện mình mắc bệnh hiểm nghèo và đi điều trị tại Trung Quốc.

Chị Nga cho biết, trong thời gian điều trị bệnh ở nước ngoài, anh Đ ở nhà đã qua lại với nhiều phụ nữ khác khiến tình cảm gia đình bị rạn nứt. Kể từ đó, chị Nga và anh Đ sống ly thân.

Trong đơn cầu cứu gửi Báo Công lý, chị Nga cho biết: “Từ năm 2020 trở lại đây, anh Nguyễn Văn Đ nhiều lần có quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ khác. Khi tôi đề cập đến vấn đề này thì bị anh Đ xúc phạm tinh thần và hành hung. Những trận đòn roi diễn ra với tần suất ngày càng dày đặc và nặng nề hơn. Anh Đ ra tay không thương xót, đe doạ và ép tôi không được đơn phương ly hôn”.

chi-nga.jpg

Chị Phan Thị Nga sinh năm 1978 có hộ khẩu thường trú tại Tổ dân phố 12 Nhân Mỹ, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm TP. Hà Nội

Theo nạn nhân, vào ngày 20/8/2024 khi trở về nhà tại xã Đại Hưng thì bắt gặp chồng và một người phụ nữ khác đang sinh sống như vợ chồng trong chính căn nhà của mình.

Ngày 20/9/2024 nạn nhân tiếp tục đề nghị ly hôn và chia tài sản thì bị chồng chất vấn, hành hung khiến nạn nhân phải nhập viện cấp cứu điều trị. Theo video quay lại vụ việc, chị Nga đã bị chồng đánh đập vào các vị trí trọng yếu trên cơ thể như vùng đầu, bụng. Ngay sau vụ việc xảy ra, nạn nhân đã trình báo cơ quan Công an huyện Khoái Châu. Hiện cơ quan chức năng đang thu thập, điều tra, giải quyết.

Nạn nhân cho biết thêm, lý do chồng không chấp nhận ly hôn là bởi anh Nguyễn Văn Đ không muốn chia tài sản chung. Được biết, gia đình nạn nhân kinh doanh vàng bạc và có nhiều tài sản giá trị lớn.

thuong-tich-.jpg

Những thương tích mà chị Nga hứng chịu từ trận đòn roi của chồng

Trước sự việc này, luật sư Kiều Văn Lương Đoàn luật sư TP. Hà Nội phân tích: “Trong xã hội hiện nay, bạo lực gia đình diễn ra dưới nhiều hình thức như đánh đập, hành hạ, gây thương tích cho nạn nhân, cưỡng hiếp, khủng bố tinh thần, cô lập nạn nhân trước những mối quan hệ gia đình cũng như xã hội, bao vây kinh tế, kiểm soát tiền bạc… Hành vi đó gây ra những tiêu cực về mặt xã hội, dẫn đến sự bất ổn trong quá trình phát triển của gia đình và xã hội. Bạo lực giữa chồng đối với vợ được coi là dạng điển hình và nhận được sự quan tâm của xã hội. Trong trường hợp này, nếu như nạn nhân có thương tích và được các cơ quan chức năng giám định xác định có thương tật thì không dừng lại ở bạo hành mà là cố ý gây thương tích. Điều này hoàn toàn có thể vi phạm pháp luật hình sự”.

ls-luong.jpg

Luật sư Kiều Văn Lương Đoàn luật sư TP. Hà Nội.

Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì toà giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

Trong những vụ việc bạo hành nghiêm trọng, kéo dài, khi nạn nhân có đơn đề nghị xem xét giải quyết ly hôn, Tòa án sẽ thụ lý và giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật.

Khi giải quyết ly hôn, Tòa án sẽ giải quyết vấn đề về quyền nuôi con và có thể giải quyết yêu cầu chia tài sản chung khi các bên không thỏa thuận được với nhau về việc chia tài sản chung vợ chồng và đương sự có yêu cầu.

Đối với vấn đề chia tài sản chung vợ chồng, pháp luật quy định tài sản chung vợ chồng sẽ chia đôi, nhưng trên cơ sở nguyên tắc có tính đến nguồn gốc, công sức đóng góp, hoàn cảnh của mỗi bên và đặc biệt là có tính đến yếu tố lỗi khiến hôn nhân tan vỡ.

Theo quy định của pháp luật, người nào có lỗi, vi phạm nghĩa vụ vợ chồng thì sẽ phải chịu thiệt khi chia tài sản chung vợ chồng.

Bởi vậy, nếu người phụ nữ bị bạo hành có đơn yêu cầu ly hôn mà vấn đề tài sản chung không thỏa thuận được thì cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung vợ chồng và đề nghị xác định lỗi của người chồng khiến cho việc ly hôn xảy ra để có lợi thế hơn khi yêu cầu Tòa án phân chia tài sản.

Trường hợp người vợ bị bạo hành kéo dài, việc đề nghị ly hôn có thể được giải quyết đồng thời với việc tố giác hành vi bạo hành của người chồng hoặc sau khi vụ việc có dấu hiệu hình sự được giải quyết.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/loi-cau-cuu-cua-nguoi-phu-nu-bi-bao-hanh-sau-khi-da-ly-hon-a80894.html