Mới đây, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT thay thế Thông tư 11 hiện hành, trong đó dự kiến quy định thi 3 môn vào lớp 10 với 2 môn thi bắt buộc là môn Toán và môn Ngữ văn, môn thi thứ ba tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên. Nội dung này đã và đang gây nhiều ý kiến tranh luận.
Thứ nhất, việc bốc thăm môn thi thứ ba vào lớp 10 sẽ tạo áp lực, gây căng thẳng không cần thiết: Kỳ thi vào lớp 10 vốn đã căng thẳng do chọn trường trước rồi thi sau, do tỉ lệ chọi, do thí sinh đăng ký theo khu vực… Nhiều người cho rằng, kỳ thi này còn căng thẳng hơn kỳ thi vào đại học.
Việc bốc thăm môn thi có yếu tố may rủi, áp đặt thụ động và tạo tâm lý căng thẳng cho học sinh. Thực tế cho thấy, những năm áp dụng cách này, sang học kì 2 bắt đầu có những dự đoán, có tâm lý chờ đợi công bố môn thi… gây phân tâm, khó khăn cho việc dạy và học của cả thầy và trò.
Thứ hai, tổ chức bốc thăm môn thi sẽ không công bằng: Có thể bị lệch các môn Khoa học tự nhiên và các môn Khoa học xã hội; Không phù hợp với việc học sinh lựa chọn môn thi lớp 10 ở chỗ học sinh thi vào 10 môn Địa lý nhưng khi lên lớp 10 lại không học môn Địa lý.
Thứ ba, tổ chức bốc thăm môn thi sẽ không khoa học. Việc bốc thăm do Sở GD&ĐT tổ chức tại địa phương, không tổ chức công khai như "bốc thăm bảng đấu bóng đá" do đó không có căn cứ nào có thể đảm bảo tin cậy.
Thứ tư, phương án thi tuyển lớp 10 với ba môn thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ được nhiều địa phương áp dụng các năm qua cho thấy, thực tế chứng minh phù hợp. Phương án đó cũng nhận được sự ủng hộ của đa số học sinh, phụ huynh và kết quả thi tốt nghiệp của các địa phương này vẫn ở top đầu.
Thứ năm, không có cơ sở để lo ngại không thi thì không học bởi vì Chương trình GDPT mới đòi hỏi quá trình học cần đáp ứng được các mục tiêu, các yêu cầu về năng lực, phẩm chất, thái độ.
Quá trình học có đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ… việc này tác động ngược lại việc dạy và học. Các nhà trường, các nhà quản lý có các kế hoạch kiểm tra việc thực hiện chương trình ngay trong năm học chứ không cần phải chờ đến lúc công bố môn thi.
Thứ sáu, ngành giáo dục phải dùng thi để bắt học thì học sẽ trở thành đối phó. Khi đó, có thể xảy ra trường hợp, nhiều nơi sẽ học cầm chừng chờ ngày công bố môn thi; Khi công bố rồi thì việc học cũng chỉ để thi. Cách học như thế không đáp ứng các yêu cầu của Chương trình GDPT mới đó là tập trung đánh giá năng lực học sinh. Chương trình mới không có chuyện không thi thì không học. Việc công bố môn thi muộn để tránh học lệch chứng tỏ công tác quản lý còn yếu kém.
Thứ bảy, nếu bốc thăm số môn thi thực tế có thể nhiều hơn gây áp lực cho học sinh. Ví dụ, nếu bốc thăm trúng môn Lịch sử và Địa lý thì số môn thi thực ra là 4 môn. Nếu bốc thăm trúng môn Khoa học tự nhiên thì số môn thi thực ra là 5 môn.
Thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 năm 2024 tại Hà Nội.
Thứ tám, cần phân biệt thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh. Thi tốt nghiệp thì không cần phải loại nhau. Còn thi tuyển sinh thì cần lấy từ cao xuống thấp, trong khi không phải học sinh nào cũng học tốt tất cả các môn.
Thứ chín, nên thi bắt buộc 3 môn: Toán, Ngữ Văn, tiếng Anh. Ngành cần coi 3 môn học này là 3 môn "xương sống", cần cho tất cả học sinh, ngay cả lên THPT. Ngoài ra, thi bắt buộc môn tiếng Anh nhằm thúc đẩy việc học môn này cũng là từng bước chuẩn bị cho việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Thứ mười, phương án lý tưởng đó là học sinh được chọn môn thi. Do vào THPT học sinh chọn tổ hợp môn để học nên nếu bố trí được cho học sinh thi Toán, Ngữ văn và chọn môn tiếp theo để thi là phù hợp nhất. Ở thời điểm hiện tại, việc tổ chức rất phức tạp, việc xây dựng ngân hàng đề thi cũng chưa đáp ứng yêu cầu nên khó khả thi để tổ chức theo phương án này.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/10-ly-do-khong-nen-boc-tham-mon-thi-thu-ba-vao-lop-10-a80994.html