Hà Nội 'khoanh vùng' cấm xe gây ô nhiễm bằng tiêu chí nào?

Các phương tiện giao thông gây ô nhiễm sẽ bị hạn chế tại khu vực đông dân cư theo mô hình vùng phát thải thấp (LEZ) mà Hà Nội triển khai thí điểm. Theo đó, sẽ có hàng triệu xe máy, ô tô không được lưu thông ở vùng này.

Cấm xe không đạt chuẩn vào vùng phát thải thấp

Nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024, UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn. Phương tiện giao thông (trừ xe điện, xe ưu tiên) hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt. Phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí.

Hà Nội 'khoanh vùng' cấm xe gây ô nhiễm bằng tiêu chí nào?- Ảnh 2.

Giao thông là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội.

TP Hà Nội đưa ra 5 vùng hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm gồm: Khu vực tập trung các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và mật độ dân cư cao; Khu vực đang ô nhiễm không khí vì nguồn phát thải giao thông.

Khu vực có hạ tầng đáp ứng được phương tiện giao thông công cộng phát thải thấp, có khả năng tổ chức sắp xếp giao thông phù hợp, thuận tiện, khoa học; Khu vực đủ điều kiện áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện; Khu vực mà chính quyền và người dân đồng thuận xây dựng vùng phát thải thấp.

Theo dự thảo, các quận, huyện căn cứ vào 5 tiêu chí trên để khảo sát hiện trạng, thu thập dữ liệu về chất lượng không khí nhằm xác định ranh giới vùng hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm.

Ông Lê Thanh Nam, Giám đốc Sở TN&MT TP Hà Nội cho biết, hiện nay mỗi ngày phương tiện giao thông tiêu thụ hàng triệu lít xăng dầu... Đây là một trong nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

Để cải thiện môi trường nói chung và không khí nói riêng, Hà Nội đang triển khai một số giải pháp, trong đó có chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển đô thị thông minh; phát triển giao thông thông minh, hiện đại; cải tạo, xây dựng không gian xanh tại nội đô. "Từ năm 2025 thành phố sẽ thí điểm mô hình phát thải thấp tại một số khu vực đông đúc, là điểm nóng về ô nhiễm không khí. Tại khu vực này, phương tiện giao thông gây ô nhiễm bị hạn chế", ông Nam nói.

Thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 8 triệu phương tiện, trong đó có gần 1,5 triệu ô tô. Tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân của thành phố là 4,5%/năm, riêng ô tô khoảng 10% nhưng tốc độ tăng hạ tầng giao thông chỉ khoảng 0,28%.

Sau rất nhiều cố gắng trong việc đầu tư hạ tầng, tỷ lệ đất dành cho giao thông của Hà Nội mới đạt hơn 12%. Như vậy, vẫn còn kém xa so với quy hoạch giao thông của Thủ đô là từ 16-20%. Việc này dẫn đến lưu lượng phương tiện trên các tuyến đường vượt quá ngưỡng thiết kế.

Xây dựng tiêu chí vùng phát thải thấp như thế nào?

Theo các chuyên gia, để "cứu" Hà Nội khỏi bụi mịn, không còn cách nào khác là phải kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm chính hiện nay, trong đó đáng kể nhất là nguồn phát thải từ hoạt động giao thông.

Theo TS Đinh Thị Thanh Bình, Giảng viên trường Đại học giao thông vận tải Hà Nội, vùng phát thải thấp là một biện pháp quản lý giao thông đô thị. Trên thế giới, người ta thường gắn liền vùng phát thải thấp với hạn chế giao thông cơ giới gây phát thải đi vào khu vực đó.

Để thực hiện khu vực phát thải thấp, TS Đinh Thị Thanh Bình cho rằng, đơn vị chức năng phải tổ chức được luồng phương tiện giao thông đi ngang qua, đi vòng tránh khu vực bị hạn chế; đồng thời nhận diện được phương tiện có mức phát thải cao, có biện pháp kiểm soát, xử lý được những phương tiện vi phạm.

Đầu tiên ban hành cơ sở pháp lý để triển khai vùng phát thải thấp ví dụ như các Nghị quyết, quyết định, các tiêu chuẩn, tiêu chí để lựa chọn vùng phát thải và các điều kiện để có thể tổ chức các vùng phát thải thấp để sau đó chọn khu vực có quy mô nhỏ để áp dụng thí điểm. Từ thí điểm đó rút ra bài học, kinh nghiệm để điều chỉnh để có thể triển khai tiếp theo. Chứ ngay lập tức chúng ta không thể áp dụng ở khu vực rộng và nhiều địa điểm được.

PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Giảng viên cao cấp trường Đại học Tài nguyên và môi trường cũng cho rằng, mô hình này cần được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng về đặc điểm kinh tế, xã hội và mức độ ô nhiễm để đảm bảo tính khả thi.

"Việc xây dựng thí điểm vùng phát thải thấp và hạn chế phương tiện gây ô nhiễm cần được nghiên cứu một cách kỹ càng khi áp dụng ở Hà Nội. Và nếu mô hình này thành công, chúng ta có thể áp dụng cho những đô thị khác. Mô hình mang lại nhiều ý nghĩa trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí không chỉ cho Hà Nội mà còn ở các đô thị khác ở nước ta". PGS.TS Vũ Thành Ca nói.

Dù chúng ta đã có nhiều biện pháp cải thiện chất lượng không khí song có khá nhiều nguồn thải chưa được giảm thiểu, thí dụ trong các đô thị lớn là phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là xe máy. Ngoài ra, còn một số hoạt động gây ô nhiễm không khí khác như các làng nghề sử dụng than làm chất đốt, các lò gạch sử dụng than, các lò đốt rác tại địa phương sử dụng công nghệ thô sơ và không có bộ lọc bụi tĩnh điện. Do các hoạt động đốt nêu trên, không chỉ có bụi mịn mà rất nhiều loại khí độc như NOx, SOx, dioxin... được giải phóng vào không khí, gây nên hiện tượng ô nhiễm không khí và nhiều bệnh tật cho con người, thí dụ các bệnh đường hô hấp, tim mạch, ung thư.

Về biện pháp áp dụng trong vùng phát thải thấp, dự thảo đề xuất nhiều biện pháp giao thông bền vững, trong đó sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030. Đồng thời, từng bước xây dựng văn hóa giao thông, ý thức sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân…

Ngoài ra, thành phố sẽ hoàn thiện và thực thi cơ chế chính sách thay thế xe máy cũ không đảm bảo an toàn giao thông và xả khí thải không đạt quy chuẩn ra môi trường; quy định các khu vực cấm xe ô tô chạy dầu diesel; quy định các khu vực hạn chế xe máy, xe tải, xe taxi…

Việc xây dựng vùng phát thải thấp dựa trên 6 bước và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có trách nhiệm thành lập hội đồng thẩm định, lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. UBND TP Hà Nội là cơ quan sẽ xem xét, phê duyệt vùng phát thải thấp.

Luật Thủ đô năm 2024 được Quốc hội thông qua hồi tháng 6, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nêu khái niệm ''vùng phát thải thấp'' (LEZ) là khu vực được xác định để hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí.

Hội đồng nhân dân TP Hà Nội quyết định phạm vi vùng phát thải thấp và các biện pháp được áp dụng trong vùng theo lộ trình phù hợp; quy định các biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường.

 

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/ha-noi-khoanh-vung-cam-xe-gay-o-nhiem-bang-tieu-chi-nao-a81126.html