Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn không được để xảy ra tình trạng học sinh dùng điện thoại trên lớp nhưng không phục vụ học tập và không được giáo viên cho phép. Nhiều trường đã ban hành quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học.
Những cách thức khác nhau để nâng cao hiệu quả
Tại Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, bà Dương Tú Anh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thực hiện công văn của Sở về việc nâng cao hiệu quả quản lý việc sử dụng điện thoại di động và các thiết bị thu, phát sóng trong nhà trường, Ban Giám hiệu đã thông báo tới giáo viên bô môn và giáo viên chủ nhiệm thực hiện quản lý việc sử dụng điện thoại di động và các thiết bị thu, phát sóng của học sinh trước khi vào tiết học đầu tiên (quản lý theo từng lớp học) và gửi lại điện thoại, thiết bị thu, phát sóng cho học sinh sau giờ tan trường, tan lớp.
"Trong các tiết học cần đến việc sử dụng điện thoại di động và được giáo viên cho phép thì học sinh được phép mang điện thoại vào lớp để sử dụng.Đối với phụ huynh, phối hợp với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm trong công tác quản lý, nhắc nhở, đôn đốc học sinh sử dụng điện thoại di động đúng mục đích, quy định tại trường học, bà Dương cho hay.
Tại Trường THPT Lưu Hoàng (huyện Ứng Hoà, Hà Nội), việc quản lý điện thoại di động của học sinh trong ngày/trong giờ học được thực hiện đều đặn, quyết liệt từ nhiều năm nay. Mỗi lớp sẽ có các hộp bảo quản, học sinh tự giác để điện thoại vào đó trước mỗi giờ học; cuối giờ lấy lại. Việc này được lớp trưởng trực tiếp nhắc nhở nhưng tinh thần chung là cả lớp tự nguyện và cùng quản lý.
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hoàng Hoàng Chí Sỹ, trước đây dù quy định đã có nhưng chưa cụ thể hóa mà chủ yếu do các nhà trường tự thực hiện. Nay, có quy định rõ từ cấp Sở, với những trường hợp vi phạm quy định đã có căn cứ rõ ràng hơn để xử lý, do đó chắc chắn các nhà trường sẽ nghiêm túc và siết chặt hơn trong quy định cũng như trong thực hiện.
Tương tự, tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) vào đầu giờ sáng, mỗi học sinh sẽ bỏ điện thoại cá nhân vào chiếc hòm quản lý chung của lớp, cán bộ lớp có nhiệm vụ giám sát việc này. Bên cạnh đó còn có thầy cô giám thị thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở học sinh thực hiện nghiêm; tránh trường hợp học sinh quên hoặc cố tình không cất dẫn đến mất tập trung trong giờ học.
Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M. V. Lô-mô-nô-xốp Nguyễn Quang Tùng cho hay: 4 năm trước, ban giám hiệu nhà trường đã thống nhất với Ban đại diện cha mẹ học sinh trường về cách thức quản lý điện thoại của học sinh ở tất cả các lớp học. Theo đó, bàn giáo viên được thiết kế một ngăn riêng, rộng 40cm, sâu 40cm, cao 60cm để dành riêng cho việc quản lý điện thoại của học sinh. Chìa khóa do giáo viên chủ nhiệm, lớp trưởng giữ, nhà trường lưu 1 chìa.
Trong giờ truy bài 10 phút đầu giờ (7 giờ 30), giáo viên đặt hòm trên mặt bàn giáo viên, tất cả học sinh tự giác lên nộp điện thoại vào hòm, giáo viên khóa lại và cất vào ngăn tủ. 16 giờ, khi tan học, lớp trưởng mở khóa và trả cho các bạn. Như vậy, học sinh của Trường THCS và THPT M. V. Lô-mô-nô-xốp không sử dụng điện thoại trong suốt thời gian học (7 giờ 30 đến 16 giờ hàng ngày). Khi có tiết học cần sử dụng điện thoại như thuyết trình, nếu giáo viên cho phép, hướng dẫn thì học sinh mới được sử dụng.
Trong ngày học, nếu phụ huynh có việc gấp cần liên lạc với con thì gọi đến văn phòng nhà trường hoặc gọi cho giáo viên chủ nhiệm để được hỗ trợ. Tương tự đối với học sinh, khi có việc đột xuất thì văn phòng sẽ hỗ trợ điện thoại. "Quy định này được cha mẹ học sinh đồng tình, ủng hộ và nhắc con thực hiện. Học sinh cũng đi vào nếp và quen sau 2 tháng thực hiện. Điều này mang lại hiệu quả rõ rệt, đó là học sinh tập trung tốt hơn trong giờ học; đồng thời giao tiếp và hòa đồng với nhau hơn", thầy Tùng cho biết.
Việc cấm học sinh không sử dụng điện thoại trong giờ học theo lãnh đạo các nhà trường chủ yếu để rèn nhận thức, ý thức, hướng đến tinh thần tự giác của học sinh. Trường hợp học sinh vi phạm, nhà trường không áp dụng ngay những biện pháp xử lý cứng nhắc mà linh hoạt, phối hợp với gia đình trong giáo dục các em tuân thủ quy định. Ngoài ra, để giúp học sinh thích nghi và hình thành một thói quen mới, song song với việc nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại, nhà trường cũng tính toán tạo thật nhiều sân chơi, hoạt động đa dạng, theo nhu cầu của học sinh để làm sao thu hút được các em tham gia trong giờ ra chơi…
Điện thoại là để liên lạc, không phải dụng cụ để học tập trong trường học
Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, việc cho học sinh sử dụng điện thoại hay không cho sử dụng ở trường là lựa chọn chứ không phải đúng sai. Phương án nào cũng có mặt tích cực và tiêu cực, vì vậy, nhà trường và phụ huynh cần thống nhất phương án để thực hiện tốt nhất".
"Chúng ta thấy rõ ràng tác hại của việc trẻ nhỏ sử dụng điện thoại. Màn hình điện thoại không đủ rộng và cỡ chữ không đủ lớn gây hại mắt và học sinh sử dụng điện thoại không kiểm soát được thời gian.
Theo tôi, không nên cho học sinh sử dụng điện thoại. Nếu để các em giữ liên lạc hàng ngày thì cần có sự linh hoạt hoặc có cách khác giữa cha mẹ và nhà trường để tốt nhất cho đứa trẻ. Còn để giải trí thì không cần thiết. Đặc biệt, trong giáo dục không khuyến khích sử dụng điện thoại, iPad, laptop có thể sử dụng để tra cứu thông tin. Điện thoại bản chất là để liên lạc, không phải dụng cụ để học tập trong trường học", chuyên gia giáo dục Khánh Nguyên cho biết.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/quan-ly-dien-thoai-cua-hoc-sinh-o-truong-the-nao-a81148.html