Bộ GTVT khẳng định đã tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước và sẽ xem xét điều chỉnh hướng tuyến, vị trí một số nhà ga trên tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ GTVT cho biết, tuyến có chiều dài khoảng 1.541km, điểm đầu là ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối là ga Thủ Thiêm (TPHCM).
Việc xác định hướng tuyến dự án theo nguyên tắc “ngắn nhất có thể” và phù hợp với quy hoạch, phù hợp điều kiện địa hình, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, hạn chế đi qua khu vực di tích và tránh khu tập trung đông dân cư, bảo đảm liên kết hành lang Đông - Tây.
Tương tự, đối với công trình nhà ga, Bộ GTVT xác định dựa trên bốn nguyên tắc, đó là phù hợp quy hoạch, đặt tại khu vực trung tâm kinh tế, đảm bảo kết nối thuận lợi với hệ thống giao thông công cộng, đảm bảo khai thác có hiệu quả hạ tầng.
Theo đó, tuyến đường sắt sẽ đi qua 20 tỉnh được bố trí 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, mỗi nhà ga đều quy hoạch không gian phát triển từ 250 - 300ha, trừ ga Thủ Thiêm quy mô dự kiến khoảng 17ha.
Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định Nhà nước cho rằng, cần xem xét hướng tuyến và vị trí ga trên tuyến ở bước tiếp theo để có “hướng thẳng nhất có thể”.
Bởi theo đơn vị tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (do Hội đồng thẩm định Nhà nước thuê), nhận định số lượng đường cong trên tuyến vẫn còn rất nhiều, chiếm trên 35% chiều dài của tuyến là quá lớn. Điều này ảnh hưởng đến tốc độ chạy tàu khách và an toàn của tàu hàng container.
Thêm vào đó, vị trí nhà ga đi vào khu đông đúc dân cư sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, phát triển các đô thị nhà ga TOD để mở ra không gian phát triển kinh tế mới, tái cấu trúc các đô thị, phân bổ dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Tại văn bản mới nhất về việc giải trình tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, Bộ GTVT cho biết đã chỉ đạo tư vấn thiết kế rà soát đảm bảo các ga hàng hóa kết nối các cảng biển lớn, khu kinh tế ven biển, kết nối hệ thống đường sắt hiện hữu để phục vụ vận tải liên vận quốc tế, thuận lợi công tác hậu cần phục vụ quốc phòng, an ninh.
Với vị trí ga hàng hóa tại khu vực Hà Nội, Bộ GTVT thống nhất sẽ chuyển từ khu vực Ngọc Hồi về Thường Tín.
Với các ga hành khách, Bộ GTVT cho rằng, khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi Bộ GTVT sẽ chỉ đạo chủ đầu tư, tư vấn, rà soát nghiên cứu đề xuất vị trí, quy mô cụ thể các nhà ga phù hợp đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhà ga trung tâm, quảng trường nhà ga và các công trình kết nối đa phương thức.
Song song đó, Bộ cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các tỉnh rà soát, điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga, nhất là các vị trí có lợi kết nối với các đầu mối giao thông lớn, các khu kinh tế.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-so-luong-duong-cong-tren-toan-tuyen-con-rat-nhieu-a81180.html