Từ năm 2024, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ. Theo đại diện nhà trường, nhiều năm qua, hầu hết học sinh giỏi ở các trường chuyên (nhóm đủ điều kiện xét tuyển bằng học bạ vào trường) đều có đủ điều kiện xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế hoặc điểm thi riêng. Vì vậy, việc bỏ xét học bạ sẽ làm giảm tỉ lệ ảo do một thí sinh có thể dùng nhiều phương thức.
Với ĐH Bách khoa Hà Nội, năm 2025, nhà trường vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển tài năng; xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nhiều năm nay, trường này không xét tuyển bằng kết quả học bạ.
Ông Nguyễn Ngọc Trung - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, những năm trước, điểm học bạ được sử dụng để xét tuyển độc lập vào trường (10% chỉ tiêu) hoặc kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực (30-40% chỉ tiêu). Tuy nhiên, từ năm 2025, trường sẽ không sử dụng kết quả học bạ với cả hai phương thức này. Theo ông Trung, lý do là theo chương trình mới, mỗi học sinh sẽ lựa chọn và có điểm học bạ ở những tổ hợp khác nhau nên việc xét tuyển này không còn phù hợp. Thay vào đó, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ là một trong các phương thức tuyển sinh chủ đạo của trường trong năm 2025.
Trường ĐH Công Thương TP.HCM dự kiến sẽ giảm chỉ tiêu tuyển sinh ở phương thức xét điểm học bạ lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12 xuống chỉ còn 15-20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.
Theo cô Nguyễn Kim Dung - giáo viên Trường THPT Công nghiệp (Phú Thọ), việc nhiều trường đại học top đầu quyết định loại bỏ phương thức xét học bạ là phù hợp với yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 - các em học sinh cần phát triển kiến thức và kỹ năng toàn diện. "Theo tôi, bỏ xét học bạ và đánh giá học sinh bằng các kỳ thi của Bộ GD&ĐT và phương pháp đánh giá riêng của trường đại học là hợp lý".
Ủng hộ các trường đại học bỏ xét tuyển bằng học bạ, TS. Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, khi các trường đại học sử dụng xét học bạ trong phương thức tuyển sinh đã dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực trong việc chấm điểm, thậm chí có cả tình trạng "mua điểm".
Theo TS. Lê Viết Khuyến, điều kiện xét tuyển bằng học bạ hiện nay ở Việt Nam chưa phù hợp. Bởi lẽ, ở các trường phổ thông chưa có cơ chế kiểm định nên kết quả ở phổ thông tùy thuộc vào mỗi trường, không có sự đồng đều chất lượng vì có trường "chấm chặt" có trường "chấm lỏng".
Hơn nữa, ở Việt Nam bệnh thành tích rất lớn nên áp dụng phương thức này sẽ dẫn tới việc không công bằng và mở đường cho tiêu cực cũng như bệnh thành tích phát triển. Theo tôi, điểm học bạ chỉ nên là một tiêu chí phụ, bổ trợ cho điểm thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc bỏ xét học bạ không làm giảm cơ hội vào đại học hay thiệt thòi cho thí sinh, các em giỏi vẫn sẽ vào được trường mơ ước bằng thực lực", TS. Lê Viết Khuyến cho hay.
TS. Lưu Trần Toàn - giảng viên tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: "Phương thức xét học bạ từng là một cách hiệu quả để giảm áp lực thi cử cho học sinh, nhưng cũng có nhiều vấn đề nảy sinh. Chẳng hạn, mỗi trường THPT có tiêu chuẩn đánh giá khác nhau, dẫn đến sự không đồng nhất khi sử dụng học bạ làm tiêu chí tuyển sinh.
Theo TS. Trần Lưu Toàn, thực tế xét học bạ đã tạo ra tâm lý yên tâm quá mức ở một số học sinh, khiến các em ít dành thời gian cho kỳ thi tốt nghiệp hoặc các kỳ thi năng lực khác. "Giảm chỉ tiêu hoặc bỏ hẳn xét tuyển qua học bạ là cách để các trường nâng cao chất lượng đầu vào, tránh những hệ lụy tiêu cực khi đánh giá không đồng đều từ các trường THPT".
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/ly-do-cac-truong-dai-hoc-top-dau-bo-xet-tuyen-bang-hoc-ba-a81212.html