Bộ Công an vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất đưa nội dung giáo dục kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ và kỹ năng lái xe vào giảng dạy ở các cơ sở giáo dục.
Theo quy định hiện hành, nhóm học sinh từ 16-18 tuổi được điều khiển xe hai bánh (xe gắn máy dưới 50cc), nhưng không được cấp bằng lái xe. Để hạn chế tình trạng học sinh vi phạm giao thông phổ biến như hiện nay, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định các đối tượng trên phải được đào tạo kiến thức và kỹ năng lái xe ở trường học.
Triển khai quy định này, Bộ Công an đề xuất việc đào tạo kiến thức và kỹ năng lái xe được tiến hành từ bậc mầm non đến cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, học sinh trung học cơ sở được học các môn như quy tắc giao thông cơ bản, nhận biết và chấp hành báo hiệu đường bộ, đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn và cài quai đúng quy cách, an toàn khi ngồi trên xe cơ giới…
Còn học sinh cấp ba, được học nâng cao với các môn như quy tắc giao thông; báo hiệu đường bộ; tốc độ và khoảng cách an toàn xe cơ giới; dự đoán và phòng tránh nguy hiểm; chuẩn bị và điều khiển xe gắn máy an toàn.
Học sinh cũng được học thêm kỹ năng lái xe hai bánh như phương pháp nhận biết và xử lý các tình huống nguy hiểm khi lái xe; cấu tạo và chức năng của các bộ phận xe gắn máy, phương pháp bảo dưỡng xe, kiểm tra xe an toàn; văn hóa tham gia giao thông; trách nhiệm của người điều khiển xe cơ giới; cứu giúp người bị tai nạn giao thông…
Đáng chú ý, học sinh được lái xe theo bốn hình mẫu gồm: đi qua hình số 8, đi qua vạch đường thẳng, đi qua đường có vạch cản, đi qua đường gồ ghề. Đây là cách học tương tự như thi bằng lái xe máy hiện nay.
Bộ Công an sẽ chủ trì xây dựng chương trình giảng dạy. Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH có nhiệm vụ chỉ đạo cơ quan quản lý trường chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện xe gắn máy để thực hiện các nội dung trên.
Dự thảo nghị định cũng quy định trách nhiệm của nhà trường trong việc đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh. Chẳng hạn như tổ chức cho học sinh, phụ huynh ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.
“Đưa nội dung chấp hành pháp luật về giao thông là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm đối với các trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cán bộ, nhân viên, giáo viên và đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh trong từng học kỳ, năm học…”- Bộ Công an đề xuất
Trách nhiệm của phụ huynh là không giao xe cho con em mình điều khiển khi chưa đủ điều kiện theo quy định. Trường hợp học sinh từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, trước khi điều khiển xe gắn máy, phụ huynh có trách nhiệm nhắc nhở con tham gia chương trình hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy do CSGT hướng dẫn…
Góp ý đề xuất trên, Bộ Tư pháp cho rằng theo quy định tại dự thảo các cơ quan quản lý giáo dục, giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm bố trí cơ sở vật chất, phương tiện xe gắn máy để lực lượng CSGT tổ chức hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn. Đây là một nội dung mới, trong khi đó, dự thảo cũng chưa xác định cơ sở vật chất (yêu cầu về địa điểm, tiêu chuẩn, kỹ thuật...), số lượng xe gắn máy phải bố trí để thực hiện nhiệm vụ này.
Cạnh đó, dự thảo giao trách nhiệm cho cơ quan quản lý trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện, tuy nhiên chưa rõ cơ quan quản lý này là cơ quan nào.
Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Bộ Công an nghiên cứu xác định rõ trách nhiệm.
Về các ý kiến trên, Bộ Công an cho biết Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo cơ quan quản lý trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp hướng dẫn các trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện xe gắn máy để phối hợp với lực lượng CSGT tổ chức hướng dẫn thực hành kỹ năng lái xe gắn máy.
Bộ Công an có trách nhiệm biên soạn tài liệu hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn. Song song đó, chỉ đạo lực lượng CSGT các địa phương phối hợp với các trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực tiếp tổ chức hướng dẫn thực hành kỹ năng lái xe gắn máy cho học sinh.
Về địa điểm, Bộ Công an dự kiến có thể sử dụng các sân trường học hoặc địa điểm có đủ diện tích để bố trí bốn bài hình thực hành lái xe gắn máy, tương tự như hình sát hạch lái xe hạng A1 hiện nay. Thời gian dự kiến hướng dẫn khoảng 1-2 ngày đối với một khối học sinh và có thể chia thành nhiều đợt khác nhau để phù hợp lịch học của các em.
Về phương tiện thực hành, Bộ Công an cho biết sẽ sử dụng phương tiện xe gắn máy từ các nguồn khác nhau (sẵn có, thuê, mượn...) với số lượng khoảng 2-3 chiếc cho một đợt hướng dẫn. “Thực tế, vừa qua công an cũng đã tổ chức thí điểm tại một số địa phương và đảm bảo tính khả thi…”- đại diện cơ quan soạn thảo cho hay.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/de-xuat-day-kien-thuc-ky-nang-lai-xe-cho-hoc-sinh-a81233.html