PGS.TS Đàm Khải Hoàn GVCC Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên: Thày giáo Tôi – GS. Hoàng Đình Cầu

(Nhân ngày nhà giáo Việt Nam tri ân Thày)

Cả cuộc đời đi học và giảng dạy tôi có rất nhiều người thày cô giáo đáng kính, đã dạy tôi nên người, có được sự nghiệp như ngày nay. Nhưng thày giáo mà tôi kính trọng yêu quí nhất đó là thày giáo nhân dân, anh hùng lao động, nguyên Thứ trưởng Bộ y tế (BYT), Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội: GS Hoàng Đình Cầu. 

img-0474-1731129456.jpeg

Sinh ra ở Thanh Chương Nghệ An, mảnh đất địa linh nhân kiệt, có nhiều danh nhân văn hóa, nhà cách mạng như Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc…Tốt nghiệp Đại học y Hà Nội, rồi theo kháng chiến vừa dạy Đại học Y Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp cùng các bậc tiền bối y học Việt Nam thời cận đại như GS. Tôn Thất Tùng, GS. Đặng Văn Ngữ… vừa làm thày thuốc chăm sóc thương binh và bà con vùng kháng chiến. Năm tháng tham gia kháng chiến chống Pháp giúp BS Hoàng Đình Cầu thêm nhiều thực tiễn giảng dạy đặc biệt những hiểu biết về chăm sóc sức khỏe (CSSK) nhân dân. 

img-0475-1731129456.jpeg

Hòa  bình lập lại BS Hoàng Đình Cầu tuy là nhà ngoại khoa phẫu thuật viên nổi tiếng về Phổi nhưng lại cũng rất tâm đắc về các hoạt động CSSK cộng đồng. Cùng với các lãnh đạo ngành y tế lúc đó như BS. Phạm Ngọc Thạch, BS. Vũ Đình Cẩn, TS. Đặng Hồi Xuân thày đã tiến hành xây dựng hệ thống y tế Việt Nam theo hướng dự phòng và y tế xã hội chủ nghĩa đảm bảo mạng lưới y tế toả rộng đến tận người dân. Từ đầu 1960 y tế Việt Nam không chỉ phát triển đến các huyện quận (phòng y tế, bệnh viện huyện) mà đến tận các xã phường (Trạm y tế), mà còn vươn đến người dân thông qua y tế đội sản xuất, y tế hợp tác xã…

img-0478-1731129458.jpeg

Năm 1978, GS. Hoàng Đình Cầu là Thứ trưởng BYT dẫn đầu đoàn CBYT Việt Nam sang dự hội nghị ALMA ATA để ra Tuyên ngôn ALMA ATA lịch sử với khẩu hiệu: Sức khỏe cho mọi người đến năm 2000. GS. Hoàng Đình Cầu đã có bài phát biểu nổi tiếng tại hội nghị, được bạn bè đánh giá cao với tổ chức mạng lưới y tế Việt Nam trong CSSK nhân dân, thực ra Việt Nam đã thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) từ lâu. Tiếp thu tinh thần 8 điểm của ALMAATA, về nước GS. Hoàng Đình Cầu bổ sung hai nội dung nữa là Quản lý sức khỏe và củng cố y tế cơ sở thành 10 điểm trong nội dung CSSKBĐ ở Việt Nam để đào tạo và thực hiện ở Việt nam. Về nước dưới sử chỉ đạo của BYT mà cụ thể là GS. Hoàng Đình Cầu, hoạt động CSSKBĐ đã nhanh chóng triển khai và phát triển trong toàn quốc. Năm 1985 khi học chuyên khoa I tại trường quản lý ngành y tế, lần đầu tiên tôi được nghe thày giảng bài CSSKBĐ ở Việt Nam, khó khăn và giải pháp. Gọng xứ Nghệ nhẹ nhàng, nhưng sâu lắng, tôi một giáo viên trẻ ở miền núi xuống học như nuốt hết chữ của Thày. Về trường tôi dạy vấn đề CSSKBĐ cho SV. Tôi cố gắng gieo vào SV tình yêu làng bản nghèo quê hương bằng CSSK nhân dân thật tốt, bằng những điều đơn giản nhưng rất giá trị về dự phòng như truyền thông như thế nào cho hiệu quả để người dân có hành vi tốt bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Giảng dạy được một thời gian, đầu 1990 tôi xuống Hà Nội làm nghiên cứu sinh trong nước. Tôi chọn đề tài CSSKBĐ ở miền núi phía bắc. GS. Hoàng Đình Cầu đã nhận hướng dẫn tôi cùng 01 GS của cơ quan đào tạo. Có lẽ tôi là nghiên cứu sinh chính qui đầu tiên học TS của thày và cũng là những nghiên cứu sinh đầu tiên ở Việt Nam làm TS trong nước về lĩnh vực này. GS đã dồn tâm huyết dạy tôi, tại sao vậy?, Qua thày, qua trao đổi với GS tôi đọc được điều đó. Không phải chỉ đơn thuần là vấn đề nghiên cứu mà qua đó GS mong tôi cùng GS xây dựng mạng lưới y tế ở Việt Nam. Ví dụ có hôm GS gọi tôi ra kiểm ta tiến độ nghiên cứu. GS nêu vấn đề: theo em nên hay không nên bố trí BS ở trạm y tế (TYT) xã? Tôi về đọc tài liệu, rồi xuống thực địa nơi thày triển khai dự án hỗ trợ TYT xã CSSKBĐ như ở Võ Nhai (Thái Nguyên) hay Bắc Hồng (Đông Anh – Hà Nội) theo tài trợ của ủy ban 10.80 (trước là Ủy ban tố cáo tội ác của Mỹ trong chiến tranh rải chất độc da cam gây hậu quả nặng nề cho hàng triệu CCB bị nhiễm và con cái họ bị ảnh hưởng) … Sau 1 tháng thu thập và phân tích số liệu tôi đến báo cáo và thảo luận với Thày. Thày phản biện báo cáo, tôi phân tích. Kết quả thày trò đồng ý cần phải có BS ở TYT xã vì đặc thù mạng lưới của Y tế cơ sở Việt Nam. TYT xã phải chữa được các bệnh thông thường, thì truyền thông người dân mới nghe, thì vận động vệ sinh hay tiến hành các hoạt động dự phòng mới hiệu quả. Vấn đề là bố trí BS như thế nào? Và sử dụng cũng như đãi ngộ BS ra sao thôi. Rất may đến 1994-1995 Chính phủ, Bộ y tế đã có các văn bản quốc lập hóa y tế xã nên các ý tưởng thày trò chúng tôi nhanh thành thực tế…Gần thày tôi học được bao điều về thày: Trí tuệ mẫn tuyệt, nói cái gì cũng sâu sắc nhưng nhẹ nhàng không ép buộc như theo em thì chúng ta nên làm thế nào? Nếu giao cho em thì em sẽ làm gì?.. Hay không nóng vội, như vậy phải làm từng bước… Hay cần làm thế nào để tho CSSKBĐ có hiệu quả, chính điều này mà luận án của tôi có phần huy động cộng đồng thực hiện CSSKBĐ được đánh giá rất cao… Thày là tấm gương đạo đức cho tôi học tập: Thày không bao giờ nhận quà của tôi. Biếu cân chè Thái Nguyên của nhà, hoa nhân thày cũng không nhận. Thày bảo bán đi mua quà cho con. Thày biết các em đi học quá vất vả rồi. Thày chỉ nhận bó hoa thôi  khi tôi thuyết phục thày: Thày nhận để con đến với thày được tự nhiên hơn. Thày nhận hoa nhân dịp sinh nhật hay ngày nhà giáo  Việt Nam… Cách dạy học của thày đối với tôi là bài học vô giá mà bây giờ học các phương pháp giảng dạy hiện đại người ta nói nhiều đó là dạy/học tích cực, hay động não, nêu vấn đề… Thày không chỉ dạy tôi cách dạy học hiện đại như sử dụng, phối hợp các phương pháp dạy học mà nhiều khi chỉ là cách dạy học rất đơn giản mà vô cùng thiết thực. Ví dụ tuần tới ra đây chúng mình trao đổi xem làm cách nào huy động cộng đồng thực hiện CSSKB ở miền núi, vùng người DTTS nhé… Thày dạy chủ yếu cách hai thày trò ngồi trao đổi, tôi nói thày phản biện, thày nói tôi phản biện. Học gì nhớ luôn. Nhiều hôm trao đổi cả buổi sáng/chiều hay tối, thày mỏi, thày nói: Bây giờ mình phải đi nằm rồi (Khi hướng dẫn tôi thày đã gần 80 tuổi rồi), Hoàn kéo ghế ngồi cạnh giường mình trao đổi… Cứ thế thàynằm tôi ngồi bên trình bày mà hai thày trò trao đổi thêm hàng giờ nữa … Thày gieo vào tôi lòng say mê yêu nghề, lo lắng cho sức khỏe nhân dânnhất là người nghèo, người dân tộc thiểu số… Sau này tất cả điều thày dạy, tôi đều vận dụng vào thực tế giảng dạy và nghiên cứu của mình. Mỗi thành công của mình tôi đều nghĩ như có thày đang ở bên cạnh…

img-0479-1731129458.jpeg
img-0477-1731129458.jpeg

Khi nghỉ quản lý ở Bộ y tế, GS. Hoàng Đình Cầu sang làm Chủ tịch Ủy ban tố cáo tội ác chiến tranh (Hậu quả chất độc da cam), sau tế nhị trong quan hệ quốc tế ủy ban đổi thành ủy ban 10.80. GS làm việc ở ủy ban này đến khi sức khỏe không còn khỏe. GS luôn luôn nghĩ đến nạn nhân bị chất độc nên khi nói chuyện với thày, tôi biết điều này. Thày không tán thành Bộ y tế và lãnh đạo nhà nước kiện Mỹ về vấn đề này, không phải là đúng sai, mà thày rất thực tế. Thày bảo tôi em nghĩ mình kiện liệu có thắng không? Thắng nósao được. Tiếp cận của thày khác: GS luôn cho thế giới thấy bức tranh tàn khốc của chiến tranh hóa học và để lại hậu quả thảm họa nhân đạo ở VN thế hệ 1, rồi 2 nặng nề như thế nào, cần chung tay giải quyết, nên nhiều tổ chức quốc tế đã giúp đỡ VN. Họ giúp đỡ tiền, vật chất. Thày dùng toàn bộ số đó để  xây dựng lên nhưng TYT khang trang với các cơ sở vật chất tốt để CSSKBĐ cho cộng đồng nơi có nhiều người tàn tật do di chứng chiến tranh. Ý tưởng này của thày xuyên suốt trong nhiều năm khi dự án của thày đã được thực hiện được ở nhiều xã trong mọi miền đất nước. Nhớ lại lần cuối cùng tôi gặp thày hình như giữa hai thày trò có điện sinh học. Cách đây gần chục năm, một hôm tôi xuống Hà Nội dự 01 cuộc hội thảo về CSSK cộng đồng. Tự nhiên thấy sốt ruột, người cứ bồn chồn. Hết giờ  tôi phóng ra nhà thày, đến cổng,chị Châu - con cả của thày ra đón nói luôn: Cả ngày nay thày nhắc em suốt, thày bảo chúng mày có đứa nào có số điện thoại thằng Hoàn - Thái Nguyên không gọi cho Ba. Nhưng các chị có ai có đâu, rồi chị đưa vào gặp thày. Thày đã ngoài 90 rồi, nhưng trông vẫn nhanh nhẹn.  Gặp tôi thày mừng lắm, sáng nay thày cho tìm số của em nhưng không được. Tôi báo không hiểu sao em cũng nóng ruột quá mà vào thôi. Hai thày trò vào phòng khách của thày nói chuyện. Câu chuyện vẫn xung quanh việc kiện Mỹ về chất độc da cam. Thày không đồng ý cách giải quyết của chị Chiến bộ trưởng BYT lúc đó. Thày bảo đấy không phải là cách giải quyết thông minh…. Rồi thày nói về các cơ sở y tế thày đã làm để CSSKBĐ cho nhân dân trong đó có người tàn tật… Tôi ngồi im lặng, lắng nghe lời thày nói… vâng là chủ yếu thôi. Khuya tôi về, suy nghĩ… Một tuần hay hơn một chút thày mãi mãi ra đi, lúc tôi đang đi công tác ở Tây Bắc… Nghe tin  thày mất, tôi hẫng hụt, mình mất đi người thày đã dày công dạy mình nên người. Tôi chợt nghĩ ra: À thông điệp Thàymuốn truyền lại cho mình là đây. Thày ơi lời thày con luôn ghi nhớ, tuy con không phải nhà quản lý như các anh chị ở BYT, con chỉ là một giảng viên Đại học Y bình thường thôi. Nhưng không có nghĩa con không làm được gì lời dặn của thày. Con sẽ truyền lại thông điệp nhân đạo của thày đối với sức khỏe cộng đồng nói chung, người tàn tật do chất độc da cam nói riêng cho các thế hệ học trò của con, chính họ sẽ biến mong ước của thày trò mình thành  sự thật: Người dân ngày càng được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Vĩnh biệt Thày.

PGS.TS Đàm Khải Hoàn GVCC Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/pgsts-dam-khai-hoan-gvcc-truong-dai-hoc-y-duoc-thai-nguyen-thay-giao-toi-gs-hoang-dinh-cau-a81256.html