Giá nhà tăng dù không phải trong thời điểm nóng, 7 năm chuyển trọ 17 lần
Thời điểm cuối năm, ai cũng bận rộn với vòng xoay cơm áo gạo tiền và chuẩn bị cho cái Tết sắp tới, thì nhiều người còn đang luẩn quẩn trong việc tìm chỗ trọ phù hợp với tài chính của bản thân. Giá thuê nhà, phòng trọ đột ngột tăng khiến nhiều người không gánh nổi với thu nhập vỏn vẹn vài triệu đồng mỗi tháng, buộc họ phải tìm nơi ở mới.
Nguyễn Thị Huyền (26 tuổi - nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho biết cô vừa chuyển trọ cách đây nửa tháng vì không thể chấp nhận việc giá nhà trọ tăng một cách vô lý. Đây đã là lần thứ 3 trong năm Huyền chuyển chỗ ở. “Công việc bận rộn đã chiếm hơn 8 tiếng/ ngày của mình rồi, tối về mình vẫn phải tranh thủ đi xem phòng trọ để cuối tuần chuyển luôn. Mình cố gắng chọn phòng gần chỗ làm cho tiện nhưng rất khó tìm vì giá nhà trọ khu vực Đống Đa khá cao. Ở Hà Nội 7 năm mình đã chuyển trọ 17 lần với nguyên nhân chủ yếu là chủ nhà tăng giá vô lý”, chị Huyền kể.
Không chỉ những người đi làm như Huyền chật vật tìm phòng, các em sinh viên cũng khổ sở không kém. Vốn đang yên vị ở ký túc xá, Hải Yến (20 tuổi – sinh viên năm 2 HV Báo chí và Tuyên truyền) phải chuyển ra ở trọ vì vừa nhận ca làm thêm buổi tối. Không khó để tìm một phòng trọ ưng ý cho 3 người ở tại khu vực trung tâm quận Cầu Giấy. Thế nhưng, giá phòng lại là một vấn đề nan giải. “4,5 triệu/ tháng cho một căn phòng khép kín 25m2, tính thêm cả điện nước và các chi phí khác thì mỗi tháng bọn em hết khoảng 2,5 triệu/ người, bằng tiền lương một tháng làm thêm của em” , Yến cho biết.
Việc các phòng trọ đồng loạt tăng giá là một bài toán khó đối với sinh viên. Để tiết kiệm chi phí, nhiều sinh viên lựa chọn thuê trọ xa khu vực nội thành để có mức giá rẻ hơn. Đối với phòng trọ giá rẻ hơn lại tồn tại nhiều bất tiện, diện tích nhỏ, nhà vệ sinh chung, thiếu cơ sở vật chất, đường vào nhiều ngõ ngách, quanh co khó tìm, xa trung tâm. Giải pháp phổ biến hơn mà đại đa số sinh viên đang lựa chọn là ở ghép với bạn bè thậm chí là người lạ để chia sẻ chi phí, hoặc ở tại các phòng ký túc xá, phòng trọ hộp diêm để hạn chế tối thiểu chi phí, đặc biệt là khi giá phòng tăng cao.
Giá thuê nhà liệu có hạ nhiệt?
Được biết, nhiều nhà trọ thông báo tăng giá với lý do sơn sửa, nâng cấp cơ sở vật chất, hoặc bổ sung hệ thống phòng cháy, chữa cháy,… Lý do có vẻ rất thuyết phục, nhưng một số nơi chủ trọ tự ý tăng giá phòng, giá dịch vụ dù thời hạn hợp đồng thuê nhà vẫn còn hiệu lực, khiến nhiều người bức xúc và quyết định chuyển đi.
Lý giải về việc này, chuyên gia bất động sản Trương Mạnh Huỳnh – (Hiệp hội Môi giới bất động sản Hà Nội) cho biết, dù đang thời điểm cuối năm nhưng giá thuê nhà vẫn tăng đều vì nguồn cung khan hiếm. Các chủ đầu tư xây dựng nhà dòng tiền bị hạn chế và giảm nhiều vì cơ chế chính sách và luật phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, giá bất động sản liên tục tăng lên, nhưng thời gian thu hồi vốn chậm. Ngoài ra, các nhà trọ chung chủ hiện cũng đã được lấp đầy, phát sinh căn mới rất ít.
“Mức giá thuê trung bình của các phòng trọ hiện nay dao động khoảng 2,5 - 5 triệu đồng/tháng. Ở phân khúc cao cấp hơn là chung cư mini có thêm nội thất như tủ lạnh, bình nóng lạnh, điều hòa... có mức giá cao hơn khoảng 5,5 - 8 triệu đồng/tháng, mức giá này phù hợp với các em sinh viên ở ghép, nhưng với hộ gia đình thì gần như khó có thể đáp ứng, và họ cần phải bỏ thêm chi phí cho việc thuê nhà hàng tháng, trong khoảng từ 9 - 12 triệu đồng cho một căn nhà riêng hoặc chung cư nhỏ”, ông Huỳnh cho biết.
Dữ liệu của chuyên trang Batdongsan.com.vn mới đây cho thấy, giá cho thuê nhà trọ tại Hà Nội trên nền tảng này đã tăng khoảng 20% trong vòng một năm qua. Một số quận ở trung tâm như Cầu Giấy, Ba Đình, Thanh Xuân hiện đang có mức giá trung bình/ phòng trọ là 6 triệu đồng/ tháng. Giá thuê đều tăng cao, và ở mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.
“Chúng tôi dự đoán trong thời gian tới giá cho thuê chung cư sẽ tăng từ 5-10%. giá nhà riêng tăng 4-8%, giá nhà trọ tăng từ 3 đến 6%. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của sinh viên và người thu nhập thấp. Bên cạnh đó là ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, họ sẽ phải thắt chặt chi tiêu, nhiều người lựa chọn làm tăng ca, tìm thêm việc làm phụ khác để bù đắp cho việc thuê nhà”, chuyên gia Trương Mạnh Huỳnh nói.
Chuyên gia Trương Mạnh Huỳnh cũng gợi ý người thuê nhà có thể lựa chọn phương án thuê những căn nhà trong ngõ nhỏ hoặc xa trung tâm nội thành một chút nhưng giá mềm và vẫn đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Với học sinh và người lao động có thể thuê ghép phòng, thuê những nhà dân và ở chung cùng toà với họ để giảm bớt chi phí.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/gia-nha-khong-ngung-tang-nguoi-thue-tro-chat-vat-tim-cho-o-7-nam-chuyen-tro-17-lan-a81289.html