Gen Z được mệnh danh là "thế hệ cúi đầu" do sự gắn bó quá mức với chiếc điện thoại và các thiết bị di động khác, dù lúc làm việc hay nghỉ ngơi đều không thể rời tay. Thế nhưng hiện tại, "thái độ" của nhiều bạn trẻ đối với loại phương tiện này đã có sự thay đổi. Trên mạng xã hội những ngày gần đây, rất nhiều bạn trẻ chia sẻ việc họ thường xuyên bật chế độ "không làm phiền" trên điện thoại.
Sự quá tải do một lượng khổng lồ tin nhắn và các thông báo từ mạng xã hội, ứng dụng khiến nhiều gen Z thường xuyên chuyển điện thoại sang chế độ "không làm phiền" để kiểm soát tình trạng “ngợp” thông tin. Thậm chí, động thái này đã trở thành một xu hướng.
Lâm Nguyên (23 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, áp lực đồng trang lứa, sự lo lắng về việc luôn phải cập nhật thông tin mới từ mạng xã hội có thể gây cảm giác căng thẳng: "Chế độ 'không làm phiền' giúp mình tạm thời ngắt kết nối và giảm bớt sự căng thẳng này, cho phép tận hưởng từng khoảnh khắc hiện tại mà không cần lo lắng về những tiếng chuông báo liên tục".
Lịch học tập và làm việc kín mít đòi hỏi nhiều gen Z phải tập trung cao độ. Để đáp ứng KPI, dù mê lướt mạng, nhiều bạn trẻ vẫn buộc phải kiểm soát sự thôi thúc cầm lấy điện thoại và liên tục kiểm tra tin nhắn. Chế độ không làm phiền được bật lên trong một khoảng thời gian nhất định giúp họ không bị phân tâm và có thể hoàn thành công việc một cách hiệu quả hơn.
"Thay vì để mình bị kiểm soát, dắt mũi bởi các thông báo ồ ạt đổ tới, tôi chủ động bật chế độ 'không làm phiền trên điện thoại để cảm thấy chính mình đang nắm quyền kiểm soát công nghệ, thay vì bị nó cuốn đi", Lâm Nguyên tâm sự.
Phạm Quỳnh Trang (sinh viên Đại học Thương Mại, Hà Nội) luôn muốn tự do lựa chọn thời điểm tập trung vào công việc hay học tập mà không bị phân tâm bởi những thông báo liên tục. "Khi bật chế độ này, mình có cảm giác như đang dành thời gian cho chính bản thân, không còn ở trạng thái ai cũng có thể tiếp cận mình bất cứ lúc nào. Bật chế độ 'không làm phiền' không có nghĩa là tách biệt hoàn toàn với thế giới mà chỉ là cách để giảm bớt áp lực", cô chia sẻ.
Theo Phạm Thiện Anh (23 tuổi, nhân viên truyền thông, TP.HCM) cho rằng chế độ "không làm phiền" trên điện thoại không chỉ là một công cụ kỹ thuật mà còn là "lá chắn" giúp anh bảo vệ khoảng không gian riêng tư. "Khi làm việc, mình chỉ tập trung vào đúng nhóm chat công việc nên đã bật chế độ không làm phiền. Mỗi lần kiểm tra điện thoại, mình đều cảm thấy lo lắng, việc bật chế độ này giúp mình thoải mái và tập trung hơn cho công việc", anh nói.
Gen Z là thế hệ có nhận thức cao về tâm lý. Họ nhận ra rằng việc duy trì sức khỏe tinh thần quan trọng không kém gì thể chất. Nguyễn Nhật Minh (24 tuổi, TP.HCM), một bạn trẻ rất yêu thích yoga, nói: "Chế độ 'không làm phiền' giống như một công cụ để mình cân bằng cuộc sống. Nó giúp mình lắng nghe bản thân và phục hồi năng lượng".
Trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Instagram và Threads ngày càng nhiều bạn trẻ chia sẻ hình ảnh màn hình điện thoại đang bật chế độ "không làm phiền" kèm những dòng chú thích dí dỏm về lý do và cảm giác tự do thoải mái mà nó mang lại.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa việc liên tục nhận thông báo trên các thiết bị điện tử và sự căng thẳng, lo âu, đặc biệt đối với những người trẻ tuổi. Tiến sỹ Jacob Barkley, Giáo sư tâm lý học Đại học Kent State (Mỹ), cho biết việc tạm dừng sử dụng mạng xã hội dù chỉ trong một ngày có thể giảm tải áp lực phải liên lạc, trả lời tin nhắn, bình luận, giúp chúng ta thoát khỏi những căng thẳng không cần thiết.
Theo một nghiên cứu của Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia Mỹ, người trẻ sử dụng mạng xã hội thường xuyên có nguy cơ trầm cảm cao hơn 27% so với những người ít sử dụng. Áp lực phải thể hiện hình ảnh hoàn hảo trên mạng cũng góp phần gây ra lo âu, căng thẳng.
Một nghiên cứu của ĐH Michigan (Mỹ) chỉ ra rằng sinh viên dành nhiều thời gian trên mạng xã hội có khả năng đồng cảm thấp hơn và gặp khó khăn trong việc đọc biểu cảm khuôn mặt của người khác.
“Mạng xã hội có thể là một công cụ hữu ích để giữ liên lạc với bạn bè và gia đình. Tuy nhiên, việc dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động tương tác trực tiếp, gây tác động tiêu cực đến mối quan hệ, làm giảm cảm giác hạnh phúc thật sự”, tiến sỹ tâm lý học lâm sàng Jacqueline Nesi, Đại học Bắc Carolina (Mỹ), nhận định với Self.
Bằng cách chọn "không làm phiền" trên điện thoại, nhiều bạn trẻ cảm thấy bớt áp lực và có được khoảng thời gian, không gian yên bình hơn.
Tuy nhiên, để không bỏ lỡ những tin nhắn quan trọng, phần lớn trong số họ chỉ áp dụng chế độ này trong khoảng thời gian nhất định hoặc cài đặt để chỉ nhận thông báo từ một số người. Nhiều điện thoại hiện nay đã cải tiến chế độ này với tính năng cho phép thông báo cuộc gọi từ các số ưu tiên.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/gen-z-nghien-bat-che-do-khong-lam-phien-tren-dien-thoai-a81306.html