Tạp chí Tri Thức đưa tin, trường hợp đầu tiên là bệnh nhi Đ.T.B.T. (7 tuổi, trú tại Hương Khê, Hà Tĩnh). Trẻ nhập viện trong tình trạng bóp bóng qua nội khí quản, sốt cao liên tục, nổi ban dạng sởi, mắt ghèn nhiều.
Gia đình bệnh nhi cho biết em mắc bệnh Down, có bệnh tim bẩm sinh và đã được phẫu thuật. Trẻ chưa được tiêm phòng sởi. Trước đó 4 ngày, bệnh nhi T. có biểu hiện sốt cao về đêm, nổi ban từ mặt sau đó lan khắp người.
Gia đình có mua thuốc hạ sốt và điều trị tại nhà không đỡ nên đã chuyển bé tới bệnh viện địa phương. Lúc này, trẻ diễn biến nặng, phải đặt ống nội khí quản, duy trì vận mạch adrenalin, dùng kháng sinh và chuyển cấp cứu tới Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Tại đây, các bác sĩ khoa Hồi sức, Tích cực và Chống độc, đã nhanh chóng xử trí cấp cứu, chống sốc, an thần, điều trị thở máy để đảm bảo các dấu hiệu sinh tồn cho trẻ. Qua thăm khám và xét nghiệm, trẻ được chẩn đoán bị viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp do biến chứng sởi.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhi L.H.Đ. (8 tháng tuổi, trú tại Đức Thọ, Hà Tĩnh). Em nhập viện trong tình trạng sốt kèm theo ho, khó thở, viêm phổi nặng. Trẻ cũng có tiền sử bệnh tim bẩm sinh, đã phẫu thuật và chưa được tiêm vaccine phòng sởi.
Em Đ. được chẩn đoán bị suy hô hấp cấp, phải thở máy và theo dõi sát. Hiện tại, trẻ đã cai được máy thở, ổn định và sớm được xuất viện.
Bệnh sởi “tấn công” người lớn suy đa tạng
Bác sĩ Đoàn Quốc Duy - trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - cho hay trong số hơn 70 bệnh nhân mắc bệnh sởi nhập viện điều trị có khoảng 10 - 15 bệnh nhân phải hỗ trợ thở oxy, 2 bệnh nhân thở oxy cao áp. Đơn cử trường hợp chị N.T.B.N. (32 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) phải thở máy xâm lấn và lọc máu liên tục. Trước đó chị N. nhập viện trong tình trạng sốt cao, nổi ban đỏ toàn thân, mệt mỏi, khó thở, lừ đừ, suy hô hấp và huyết áp thấp.
Bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh sởi, viêm phổi nặng, choáng nhiễm trùng kèm theo suy đa tạng. Các bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân thở máy, sử dụng thuốc vận mạch, truyền kháng sinh, lọc máu liên tục. Tình trạng bệnh nhân quá nặng nên đã được chuyển tuyến lên Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM tiếp tục điều trị.
Coi chừng biến chứng nguy hiểm
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ThS Đỗ Thị Thúy Hậu - điều dưỡng trưởng Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện.
Bệnh dễ lây lan ở những khu vực đông người, thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… có thể gây tử vong.
Hiện nay tiêm vaccine là biện pháp phòng sởi an toàn nhất. Việc tiêm phòng bệnh sởi mũi đầu khi trẻ được 9 tháng, mũi 2 khi trẻ được 18 tháng. Tiêm phòng muộn không ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch. Vì vậy, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm vaccine để chủ động phòng bệnh cho trẻ.
Để phòng tránh bệnh sởi, Bộ Y tế cho biết thời gian qua các địa phương đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi theo kế hoạch.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/soi-dien-bien-phuc-tap-nhieu-ca-nhap-vien-do-bien-chung-nang-a81411.html