Cấp cứu bệnh nhân bị đột quỵ sau tắm đêm, tại Bệnh viện 108 |
Đầu tháng 12-2024, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (bệnh viện 108) một bệnh nhân nam 45 tuổi, ở Hà Nội, vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Anh này vốn khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh lý, tuy nhiên sau khi tắm khuya vào giữa hôm thời tiết giá lạnh, anh xuất hiện dấu hiệu đột quỵ.
Dù được đưa vào viện khá nhanh nhưng kết quả chẩn đoán cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết não với khối máu 90 cm³, phải chỉ định phẫu thuật mở sọ để giải ép áp lực não, duy trì thở máy, tiên lượng rất nặng.
Một trường hợp khác là bệnh nhân 42 tuổi ở Hải Dương, sau khi tắm đêm ngày 17-12 vừa qua thì thấy đầu đau như búa bổ, ý thức chậm dần rồi đi vào hôn mê. Người bệnh được sơ cứu tuyến y tế ban đầu rồi chuyển đến Bệnh viện 108 ở giờ thứ 3 sau đột quỵ. Do tổn thương đột quỵ chảy máu não quá nặng, bệnh nhân hôn mê sâu không còn khả năng cứu chữa.
Các bác sĩ Bệnh viện 108 cho biết, thời tiết lạnh không chỉ gây co thắt mạch máu làm tăng huyết áp, mà còn làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến cả đột quỵ do xuất huyết não và nhồi máu não. Đặc biệt, thói quen tắm khuya - một vấn đề phổ biến ở Việt Nam đã trở thành nguyên nhân gây ra nhiều trường hợp đáng tiếc.
Vì vậy, trong mùa đông, mọi người dân cần lưu ý giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ trong mùa lạnh rất quan trọng. Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây sốc nhiệt, do đó cần hết sức chú ý việc này. Ngoài ra, cần đo huyết áp định kỳ, nhất là với người có tiền sử tăng huyết áp.
Nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, thường xuyên vận động bằng cách tăng cường hoạt động thể dục nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày…
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/nhieu-trung-nien-dot-quy-nguy-kich-tu-vong-do-tam-dem-trong-mua-dong-a81595.html