Cách nấu thịt đông ngon chuẩn vị miền Bắc

Để có được món thịt đông ngon đúng điệu, chuẩn vị Hà Nội xưa, bạn có thể tham khảo ngay công thức chi tiết này.

Mỗi độ đông về, khi cái rét ngọt tràn về trên khắp các nẻo đường Hà Nội, trong gian bếp của mỗi gia đình lại rộn ràng chuẩn bị món thịt đông, món ăn mang đậm hương vị truyền thống của miền Bắc. Thịt đông không chỉ ngon miệng mà còn là một phần ký ức, một biểu tượng của sự sum vầy, ấm áp trong những ngày giá lạnh.

Cách nấu thịt đông ngon chuẩn vị miền Bắc, chuẩn vị Hà Nội xưa đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ khâu chọn nguyên liệu đến kỹ thuật chế biến.

Nguyên liệu làm thịt đông 

Ảnh minh họa. (Ảnh: Mamnamngu)

Ảnh minh họa. (Ảnh: Mamnamngu)

- Bì heo (da heo): 500gr. Đây là thành phần quan trọng nhất tạo nên độ đông cho món ăn. Nên chọn bì heo tươi, cạo sạch lông, không còn dính mỡ, màu trắng sáng. Phần bì ở chân giò thường cho độ đông tốt hơn.

- Chân giò heo (hoặc thịt chân giò): 500gr. Chân giò giúp thịt đông có vị ngọt tự nhiên và phần thịt nạc xen lẫn gân tạo độ dai ngon. Nếu không có chân giò, có thể thay thế bằng thịt vai có lẫn chút mỡ.

- Mộc nhĩ (nấm mèo): 20gr. Mộc nhĩ tạo độ giòn sần sật và hương vị đặc trưng cho món thịt đông. Nên chọn loại mộc nhĩ cánh to, dày.

- Hành khô: 2-3 củ nhỏ. Hành khô phi thơm giúp tăng thêm hương vị cho món ăn.

- Nước mắm ngon:3-4 muỗng canh. Nước mắm ngon là yếu tố quyết định đến hương vị đậm đà của thịt đông.

- Hạt tiêu xay: 1 muỗng cà phê. Hạt tiêu tạo vị cay nồng ấm áp đặc trưng của món thịt đông miền Bắc.

- Dầu ăn: 1 muỗng canh.

- Nước lọc: Lượng vừa đủ để hầm.

Cách nấu thịt đông ngon chuẩn vị miền Bắc

Dưới đây là bí quyết giúp bạn tự tay làm món thịt đông thơm ngon, trong veo, đậm đà hương vị đặc trưng của miền Bắc, hệt như món ăn mà các bà, các mẹ thường làm mỗi dịp Tết đến xuân về.

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Bì heo cạo sạch lông, xát muối và chanh để khử mùi hôi, rửa lại thật sạch với nước. Cho bì heo vào nồi luộc sơ khoảng 5-7 phút, vớt ra để nguội bớt rồi dùng dao cạo sạch phần mỡ còn sót lại. Thái bì heo thành miếng vuông hoặc hình chữ nhật vừa ăn.

Chân giò heo rửa sạch, chặt miếng vừa ăn. Nếu dùng thịt chân giò thì thái miếng vuông khoảng 2-3cm.

Mộc nhĩ ngâm trong nước ấm khoảng 15-20 phút cho nở mềm, cắt bỏ chân, rửa sạch và thái miếng vừa ăn. Hành khô bóc vỏ, thái lát mỏng.

Bước 2: Xào thịt

Đun nóng dầu ăn, cho hành khô vào phi thơm vàng rồi cho chân giò (hoặc thịt vai) vào xào săn lại. Thêm nước mắm vào đảo đều cho thịt ngấm gia vị.

Bước 3: Hầm thịt đông

Cho bì heo đã thái vào nồi thịt vừa xào, đảo nhẹ. Đổ nước lọc vào nồi, lượng nước cao hơn mặt thịt khoảng 2 đốt ngón tay.

Đun sôi rồi hạ nhỏ lửa, hầm liu riu trong khoảng 1,5 - 2 tiếng. Trong quá trình hầm, cần thường xuyên hớt bỏ bọt để nước thịt được trong, hầm đến khi bì heo mềm nhừ, nước sánh lại.

Bước 4: Nêm lại gia vị

Khi bì heo đã mềm, cho mộc nhĩ vào nồi, đun thêm khoảng 5 phút, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn (có thể thêm chút muối nếu cần).

Tắt bếp, rắc hạt tiêu xay vào đảo nhẹ.

Bước 4: Đổ khuôn và làm đông

Múc thịt đông còn nóng vào khuôn hoặc bát. Có thể xếp thêm một vài lát hành lá hoặc rau mùi để trang trí nếu thích.

Để nguội hoàn toàn rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 4-6 tiếng hoặc qua đêm cho thịt đông lại.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Coodpad)

Ảnh minh họa. (Ảnh: Coodpad)

Lưu ý khi làm món thịt đông

- Chọn bì heo tươi ngon: Bì heo quyết định độ đông của món ăn, vì vậy hãy chọn loại bì tươi, không bị hôi.

- Cạo sạch mỡ ở bì heo: Việc cạo sạch mỡ giúp thịt đông được trong và không bị ngấy.

- Hầm thịt với lửa nhỏ: Kiểu hầm liu riu giúp bì heo tiết ra hết chất keo, tạo độ đông tốt và thịt mềm ngon.

- Hớt bọt thường xuyên: Trong quá trình hầm, cần hớt bỏ bọt để nước thịt được trong và món thịt đông có màu sắc đẹp mắt.

- Để nguội hoàn toàn trước khi cho vào tủ lạnh: Việc này giúp thịt đông không bị tách lớp và đông lại tốt hơn.

Món thịt đông ngon chuẩn vị miền Bắc có phần keo trong veo, phần bì giòn sần sật, phần thịt mềm ngọt, thơm nồng mùi tiêu. Thịt đông thường được ăn kèm với dưa hành muối, củ kiệu hoặc đơn giản là ăn cùng cơm nóng. Vị béo ngậy của thịt hòa quyện cùng vị chua cay của dưa muối tạo nên một hương vị đặc trưng, khó quên của mùa đông miền Bắc.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/cach-nau-thit-dong-ngon-chuan-vi-mien-bac-a81643.html