Chi tiết việc trừ điểm/khôi phục điểm giấy phép lái xe

Lực lượng chức năng ví việc trừ điểm giấy phép lái xe giống như 'hồi chuông' cảnh báo các tài xế, khi điểm số về 0 cũng là lúc tài xế không được điều khiển xe theo giấy phép đó.

Theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về điểm giấy phép lái xe (GPLX/bằng lái xe) áp dụng từ ngày 1/1/2025. Mỗi loại bằng lái xe sẽ có 12 điểm là căn cứ để quản lý việc chấp hành luật giao thông của người lái xe.

Trước đây, hình thức phạt bổ sung là tạm giữ GPLX, còn hiện tước GPLX áp dụng song song trừ điểm. Mỗi lỗi vi phạm giao thông sẽ có mức trừ điểm khác nhau và độc lập với hình thức phạt tiền hay tịch thu phương tiện vi phạm.

Theo quy định, những lỗi vi phạm giao thông sau đây sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe nhiều nhất là 10 điểm, bao gồm: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4 mg/1 lít khí thở; Điều khiển xe không tuân thủ quy định về trật tự, an toàn giao thông mà gây tai nạn; Điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc, quay đầu xe trên đường cao tốc.

Trường hợp lái xe không vi phạm giao thông trong 12 tháng, số điểm 12 sẽ được giữ nguyên ở kỳ xét phục hồi điểm số tiếp theo. Trường hợp lái xe vi phạm giao thông, tính từ lần bị trừ điểm gần nhất đến 12 tháng sau, nếu chưa bị trừ hết điểm sẽ được phục hồi 12 điểm.

Ví dụ: Nếu một người vi phạm giao thông tháng 1/2025 bị trừ 6 điểm, đến tháng 1/2026 sẽ được xét phục hồi về 12 điểm như ban đầu. Tuy nhiên, đến tháng 6/2025, người này lại vi phạm bị trừ điểm, khi đó thời gian xét phục hồi điểm số bằng lái xe kéo dài tới tháng 6/2026.

Chi tiết việc trừ điểm/khôi phục điểm giấy phép lái xe- Ảnh 2.

Người dân có thể theo dõi điểm GPLX trên VneID. Trường hợp chưa hiển thị điểm số, người dân cần cập nhật ứng dụng và cập nhật trạng thái mới nhất của GPLX.

Trong 12 tháng, tài xế vi phạm giao thông nhiều lần mà bị trừ hết 12 điểm của GPLX sẽ không được điều khiển phương tiện. Đáng chú ý, nếu bị trừ 12 điểm của bằng lái xe ô tô vẫn được điều khiển xe máy và ngược lại, 2 bằng này độc lập.

Kể từ lúc bị trừ hết điểm, người vi phạm sẽ phải chờ 6 tháng để tham gia kiểm tra về kiến thức pháp luật an toàn giao thông đường bộ. Khi vượt qua kiểm tra kiến thức, tài xế sẽ được phục hồi điểm số của GPLX.

Thông tư 65/2024 của Bộ Công an quy định, bài kiểm tra phục hồi điểm bằng lái có hai phần gồm: Kiểm tra lý thuyết và xử lý các tình huống giao thông mô phỏng trên máy tính. Đối với loại GPLX A và A1, tài xế chỉ phải kiểm tra lý thuyết.

Cụ thể, khi kiểm tra lý thuyết, người dự kiểm tra thực hiện bài trắc nghiệm trên máy tính theo phần mềm. Đối với kiểm tra kiến thức theo mô phỏng, thí sinh xử lý các tình huống giao thông theo mô phỏng trên máy tính.

Về thời gian, kết cấu bài kiểm tra và kết quả đạt yêu cầu, Thông tư số 65/2024 phân chia theo các hạng giấy phép lái xe. Ví dụ như, người dự kiểm tra có GPLX hạng A, A1 và B1 làm bài trong 19 phút. Kết cấu bài kiểm tra gồm 25 câu hỏi trắc nghiệm, mỗi câu hỏi được tính 1 điểm, trong đó có 1 câu hỏi được tính là điểm liệt. Người có giấy phép lái xe hạng B làm bài kiểm tra trong 20 phút, gồm 30 câu hỏi trắc nghiệm, mỗi câu hỏi được tính 1 điểm, trong đó có 1 câu được tính là điểm liệt.

Chi tiết việc trừ điểm/khôi phục điểm giấy phép lái xe- Ảnh 3.

Trong nội dung kiểm tra của tất cả các hạng GPLX sẽ đều có 1 câu điểm liệt, điểm đạt yêu cầu và số câu hỏi cũng sẽ khác nhau tùy vào hạng GPLX (tối thiểu 35 câu và tối đa 50 câu).

Đối với phần thi mô phỏng tình huống, Thông tư 65 quy định, thời gian kiểm tra không quá 10 phút, gồm 10 câu hỏi mô phỏng các tình huống giao thông tương ứng với 10 điểm. Mỗi câu hỏi có số điểm tối đa là 5 điểm và tối thiểu 0 điểm.

Số điểm đạt được của người dự kiểm tra tương ứng với thời điểm nhận biết và xác định tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông thông qua việc tương tác với máy tính có cài đặt phần mềm mô phỏng. Người dự kiểm tra đạt từ 35/50 điểm trở lên là đạt yêu cầu.

Ngoài ra, người có kết quả kiểm tra lý thuyết kiến thức pháp luật không đạt yêu cầu thì không được kiểm tra kiến thức pháp luật theo mô phỏng. Còn người có kết quả kiểm tra lý thuyết đạt yêu cầu nhưng có kết quả kiểm tra mô phỏng không đạt thì được bảo lưu kết quả kiểm tra lý thuyết trong thời gian 1 năm kể từ ngày kiểm tra.

Đáng chú ý, người dự kiểm tra có kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu thì có thể đăng ký kiểm tra lại sau 7 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra trước đó.

Phòng CSGT - Công an thành phố Hà Nội cho biết, sau 1 tuần Nghị định 168/2024 chính thức có hiệu lực, toàn thành phố đã xử lý được 5.654 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền hơn 14 tỷ đồng, tạm giữ 1.679 phương tiện và tước 190 giấy phép lái xe các loại.

Đáng chú ý, có 631 trường hợp bị trừ điểm giấy phép lái xe (99 ô tô, 532 mô tô).

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/chi-tiet-viec-tru-diemkhoi-phuc-diem-giay-phep-lai-xe-a81752.html