Kênh cạn lộ mỏ cát
Những ngày giữa tháng 11.2024, trên "đại công trường" cứng hóa kênh La Khê dẫn nước về trạm bơm tiêu Yên Nghĩa (P.Dương Nội, Q.Hà Đông), rất nhiều máy móc, công nhân được huy động. Đây là khu vực được UBND Q.Hà Đông bàn giao mặt bằng đã từ lâu, nhưng nhiều đoạn bờ kênh La Khê lại được thi công theo kiểu "xôi đỗ". Đặc biệt, khi lòng kênh được khoanh vùng, chặn bờ hút cạn nước cũng là lúc bờ cát dài hàng trăm mét hiện ra, xen lẫn lớp bùn trên bề mặt.
Kể từ đó, "đại công trường" cứng hóa kênh La Khê trở nên nhộn nhịp, tấp nập hơn. Nhiều máy xúc hoạt động hết công suất để san gạt lớp bùn trên bề mặt, xác định vị trí có cát ẩn dưới lòng kênh. Khi cát lộ ra, những chiếc máy xúc lại cần mẫn gom "hàng" vào sát con đường đất rộng 2 - 3 m để chuẩn bị cho những chuyến xe chạy xuyên đêm. Từng đoàn xe nối đuôi nhau chở cát ra khỏi mỏ. Với 2 máy xúc hoạt động nhịp nhàng, chỉ cần khoảng 10 phút là cát đã chất vượt quá thùng để xuất bến.
Trong tháng 11 và tháng 12.2024, PV Thanh Niên ghi nhận cảnh xe tải nối đuôi nhau chở cát từ mỏ dưới lòng kênh La Khê qua đường Ỷ La, ra đường Lê Trọng Tấn rồi tỏa đi nhiều hướng. Điểm đến của những chuyến xe tải "4 chân" chính là những bãi vật liệu xây dựng tư nhân ở các địa bàn lân cận.
Khoảng 22 giờ ngày 30.11, sau khi cát được múc cao vượt thùng, chiếc xe tải "4 chân" mang biển kiểm soát 20C-023.xx rời khỏi công trường và di chuyển theo hướng Lê Trọng Tấn - Quang Trung - QL21B. Tiếp đó, xe tải này rẽ vào bãi vật liệu xây dựng tư nhân trên địa bàn P.Phú Lương (Q.Hà Đông). Lúc này, dù tại bãi vật liệu xây dựng "tối đen như mực", không một bóng người nhưng tài xế vẫn thuần thục trút hàng chục khối cát xuống đất như một thói quen mà không gặp bất cứ khó khăn nào. Hoàn tất chuyến hàng, tài xế xe tải trở về mỏ để tiếp tục hành trình chở cát đi khu vực khác.
Từ 21 giờ ngày 30.11 đến 2 giờ ngày 1.12, PV ghi nhận có tới gần 20 xe tải chở cát ra khỏi công trường. Đáng chú ý, để chở cát về một bãi vật liệu xây dựng nằm trên đường Phan Kế Toại (P.Dương Nội) cách công trường hơn 3 km, nhiều xe tải đã đi ngược chiều hàng chục mét trên đường Lê Trọng Tấn. Chỉ trong vòng 1 tiếng có tới 7 xe tải chở cát đi ngược chiều trên tuyến đường này, sau đó di chuyển vào đường Lê Quang Đạo kéo dài rồi đi đến cuối đường Phan Kế Toại.
Tình trạng này cũng được PV ghi nhận vào nhiều ngày trước đó. Những chuyến xe tải chạy rầm rập để vận chuyển cát ở mỏ dưới lòng kênh La Khê về các bãi vật liệu xây dựng trên địa bàn xã Đại Yên, Thủy Xuân Tiên (H.Chương Mỹ, Hà Nội).
Cảnh giác cao độ với người lạ
Trong vai người cần mua đất, cát để làm trang trại, nhóm PV đã vào công trường đặt vấn đề, được một người đàn ông hướng dẫn đến "lán chỉ huy" bàn việc. Quãng đường từ công trường lên lán chỉ huy chỉ khoảng vài chục bước chân, nhưng PV gặp nhiều ánh mắt dò xét. Để cảnh giới khi có người lạ mặt xuất hiện, nơi đây còn được nuôi thêm ngỗng và rất nhiều chó.
Để tránh sự hoài nghi, PV đã đặt trước vấn đề cần mua 20 xe đất để làm trang trại. Nam thanh niên ngồi trong lán chỉ huy liền hỏi "20 xe đất thì tương đương bao nhiêu khối, đội dưới này chạy 4 giò (xe tải "4 chân" - PV) đấy". Chưa kịp để PV trả lời, nam thanh niên này nhanh nhảu dẫn chúng tôi ra ngoài để "làm giá".
Ra tới bờ kênh, nam thanh niên lớn tiếng báo với người đàn ông đang lái máy xúc rằng có người muốn mua đất. Người đàn ông đang lái máy xúc san gạt lớp bùn thải ra khỏi vị trí có cát cách cầu Ỷ La khoảng 50 m, xua tay nói không có đất bán.
Nam thanh niên quay lại PV giải thích việc bán đất, cát do đội nạo vét lòng kênh làm, còn phía chỉ huy công trường không đứng ra bán. "Sếp của bọn em giao khoán hết cho đội này, nó có máy, có xe", nam thanh niên cho biết thêm.
Trước sự cảnh giác cao độ của nhóm người ở công trường, PV tiếp tục liên hệ qua điện thoại với một người đàn ông tên T., được giới thiệu là nhà thầu phụ thực hiện nạo vét lòng kênh La Khê. Gọi vào số điện thoại 0983xxxxxx, PV giới thiệu có bãi vật liệu xây dựng ở H.Chương Mỹ (Hà Nội), đang thiếu cát để bán. "Em thấy nói anh có cát chỗ kênh La Khê (P.Dương Nội) để bán. Gần đây khát hàng quá, không biết chỗ anh còn không", PV ngỏ lời.
Nhưng vẫn thái độ cảnh giác người lạ, anh T. đáp lại với giọng đầy dò xét "bán thì nó cho đi tù à". Khi PV tiếp tục nói rằng "người trong này cũng bảo lấy được cát của anh" thì anh T. xác nhận: "Trước đây, quân anh nó có bán mất mấy chuyến, anh đang đau hết cả đầu đây" rồi gợi ý "em đi tìm chỗ khác".
Để làm rõ hơn giá trị mỗi khối cát được bán ra ngoài thị trường, PV đã tìm đến bãi vật liệu xây dựng tư nhân ở P.Phú Lương (Q.Hà Đông), là nơi đã mua cát của anh T. vào đêm 30.11. Khi PV hỏi mua cát để sửa nhà, người đàn ông tên H. (tự nhận là chủ bãi) chào bán với giá là 220.000 đồng/m3. Như vậy, trong trường hợp mỗi tối có khoảng 30 xe tải "4 chân" chở 20 m3 cát/xe đem đi bán thì sau 1 tháng, tổng giá trị sản lượng cát bị "đút túi" đã lên tới hàng tỉ đồng. (còn tiếp)
Vì sao việc cứng hóa kênh La Khê "lụt tiến độ" ?
Hạng mục cứng hóa kênh La Khê dẫn nước về bể hút và xây dựng cụm công trình đầu mối trạm bơm tiêu Yên Nghĩa (P.Yên Nghĩa, Q.Hà Đông) thuộc Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía tây TP.Hà Nội. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.700 tỉ đồng, do Sở NN-PTNT TP.Hà Nội làm chủ đầu tư.
Được khởi công vào cuối năm 2015, nhưng đến tháng 1.2020, hạng mục trạm bơm tiêu Yên Nghĩa mới hoàn thành. Riêng hạng mục cứng hóa kênh La Khê dẫn nước thì liên tục "lụt tiến độ". Hậu quả khiến trạm bơm tiêu Yên Nghĩa không thể hoạt động hết công suất, gây lãng phí nguồn lực đầu tư công, đồng thời gây ngập cục bộ nhiều nơi trên địa bàn Q.Hà Đông, Q.Cầu Giấy, H.Hoài Đức… mỗi khi xảy ra mưa lớn.
Đáng chú ý, tại nơi có mỏ cát dưới kênh La Khê trên địa bàn P.Dương Nội, dù mặt bằng đã được bàn giao từ lâu nhưng trong suốt thời gian dài theo dõi, máy móc thường được huy động tập trung hoạt động dưới lòng kênh. Trong khi đó, ở 2 bên bờ kênh, việc thi công thì lại rất "nhỏ giọt".
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/cai-tao-kenh-thi-cham-muc-trom-cat-thi-nhanh-a81758.html