1. Càng đến dịp lễ 30/4, 1/5, khối lượng công việc của các chiến sĩ công an tại các phường trong khu phố cổ Hà Nội càng bận rộn hơn. Lượng du khách trong và ngoài nước đến các khu phố trung tâm quận Hoàn Kiếm ngày càng lớn. Trụ sở Công an phường Hàng Đào tuy nằm ngay gần ngã ba Hàng Đào, Chả Cá nhưng khá khiêm tốn khép mình. Với đặc thù phố cổ là nơi đông dân cư, phố phường chật hẹp, nên trụ sở công an phường khá nhỏ bé, cũ kĩ. Cơ sở, trang, thiết bị thiếu thốn, thế nhưng khối lượng công việc tại cơ sở ngày càng nhiều, nhất là khi dừng hoạt động công an cấp quận, huyện.
Theo Trung tá Nguyễn Hà Tuyên, Trưởng Công an phường Hàng Đào, với đặc thù là khu vực đông dân cư, hoạt động thương mại sầm uất và lượng khách du lịch đổ về mỗi ngày rất lớn, phố cổ Hà Nội luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh, trật tự. Tuy nhiên, bằng sự chủ động, linh hoạt và tận tụy trong công việc, công an các phường trong khu phố cổ đã và đang triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ hiệu quả.
Cán bộ, chiến sĩ Công an khu phố cổ ra quân xử lý vi phạm và tuyên truyền nhắc nhở người dân.
Công an các phường thường xuyên tổ chức tuần tra khép kín địa bàn, phối hợp chặt chẽ với tổ dân phố, bảo vệ dân phố, ban quản lý chợ và các đơn vị chức năng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là tệ nạn trộm cắp, móc túi, chèo kéo khách du lịch.
Những hình ảnh chiến sĩ công an hỗ trợ du khách tìm đường, nhặt trả lại tài sản bị đánh rơi, hay nhắc nhở nhẹ nhàng người dân về quy định trật tự đô thị đã trở nên quen thuộc và ghi điểm mạnh mẽ trong lòng du khách. Nhiều người quen gọi lực lượng Công an cơ sở bằng cái tên thân thương, trìu mến: Công an phố cổ.
Bên cạnh đó, lực lượng công an phố cổ còn chú trọng đến công tác tuyên truyền pháp luật, xây dựng nếp sống văn minh đô thị thông qua các mô hình như “Tuyến phố an toàn”, “Khu dân cư không có tội phạm”, hay “Tổ tự quản du lịch”. Nhiều chủ cơ sở kinh doanh, tiểu thương cũng được vận động cùng tham gia giữ gìn hình ảnh văn minh, an toàn của khu phố góp phần tạo nên cộng đồng an toàn, có trách nhiệm...
Do đặc trưng nhà cửa trong khu phố cổ san sát, hệ thống điện cũ kỹ, lực lượng Công an phối hợp thường xuyên với lực lượng phòng cháy, chữa cháy kiểm tra, nhắc nhở và diễn tập để đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy.
“Việc lực lượng Công an thường xuyên có mặt trên các tuyến phố, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, không chỉ giữ gìn sự bình yên cho cư dân mà còn góp phần nâng cao chất lượng du lịch Thủ đô. Đặc biệt, trong các dịp lễ, Tết, lễ hội truyền thống, sự chủ động của lực lượng công an cơ sở đã giúp phố cổ luôn là điểm đến lý tưởng, an toàn, tạo thiện cảm sâu sắc trong lòng du khách”, Trung tá Nguyễn Hà Tuyên nhấn mạnh.
2. Công an phường Hàng Đào có 21 cán bộ, chiến sĩ thì gần như những ngày lễ lớn, dịp cuối tuần anh em đều phải trực 100%. Thậm chí, có 2 cán bộ, chiến sĩ nữ cũng tham gia trực chiến, không có chế độ ưu tiên vì khối lượng công việc khá nhiều.
Thiếu tá Bùi Mạnh Chiến, Phó Trưởng Công an phường Hàng Đào cho hay, đặc trưng khu phố cổ là tập trung nhiều du khách từ các nước nên công tác phòng, chống tội phạm người nước ngoài luôn đặt lên hàng đầu. “Khó khăn nhất rào cản ngoại ngữ. Phố cổ tập trung nhiều thành phần, đối tượng phức tạp đến từ các nước. Nhiều nước không sử dụng tiếng Anh để giao tiếp nên khi có vụ việc xảy ra, anh em rất khó để xử lý. Có trường hợp dùng công nghệ để hỗ trợ, nhưng có trường hợp không thể, phiên dịch cũng khó tìm được ngay và luôn, nhiều đối tượng cố tình giả vờ không biết chữ, không hợp tác làm việc. Còn việc du khách mất giấy tờ, đến xin xác nhận, trình báo thì hầu như ngày nào cũng có. Dù mất ở sân bay, hay ở phường, quận khác nhưng không hiểu sao họ đều tìm đến Công an phường Hàng Đào trình báo. Anh em vẫn tiếp nhận thông tin, hướng dẫn du khách tận tình”, Thiếu tá Bùi Mạnh Chiến chia sẻ.
Công an phường Hàng Đào trao trả tài sản tìm lại được cho du khách.
Kể lại kỉ niệm giúp một du khách tìm lại điện thoại bị cướp giật, từ đó bắt giữ nhóm đối tượng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, Thiếu tá Bùi Mạnh Chiến cho biết, các du khách nước ngoài luôn là đối tượng để những kẻ cướp tài sản nhắm đến ở khu vực phố cổ. Đầu năm 2024, một du khách Cộng hòa Séc đến Công an phường Hàng Đào trình báo bị một người đàn ông cướp giật chiếc điện thoại di động.
Ngay sau khi nhận được đơn, Công an phường đã triển khai biện pháp nghiệp vụ, xác định điện thoại của nạn nhân đang “nằm” ở phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm nên đã cùng bị hại đến địa chỉ trên. Tại đây các anh phát hiện thêm một chiếc điện thoại iPhone không lắp sim. Xác minh nhanh chiếc iPhone này là của du khách quốc tịch Anh, bị cướp giật ở vỉa hè phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm.
Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ án, Công an phường Hàng Đào đã báo cáo lãnh đạo cấp trên để chỉ đạo đội hình sự vào cuộc. Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan công an xác định Nguyễn Mạnh Vinh (sinh năm 1985, trú tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) là thủ phạm gây ra 2 vụ cướp giật trên. Tuy nhiên, đối tượng đã rời khỏi nơi cư trú. Sau nhiều ngày lần theo dấu vết tội phạm, cuối cùng,
Cơ quan điều tra cũng bắt giữ được Nguyễn Mạnh Vinh. Vinh khai nhận mình là người thực hiện 2 vụ cướp tài sản nêu trên rồi mang đi bán. Trong lúc chờ bán, Vinh trốn về phòng trọ của Đặng Văn Giang (sinh năm 1975, trú tại Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội) và Hoa Tuấn Anh (sinh năm 1986, trú tại phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm). Tuấn Anh đã có 2 tiền án, 1 tiền sự. Thời điểm kiểm tra, trinh sát đã thu giữ một lượng ma túy tổng hợp cùng công cụ sử dụng ma túy của các đối tượng. Các đối tượng khai nhận dùng tiền có từ việc cướp giật của Vinh để đi mua ma túy rồi cùng nhau tổ chức sử dụng tại phòng trọ.
Mới đây, Công an phường Hàng Trống cũng tiếp nhận một nam du khách người nước ngoài đến nhờ giúp đỡ vì bị lạc, không nhớ khách sạn đang lưu trú. Du khách người Mỹ đi du lịch tự túc một mình, không có người quen, không có liên hệ với cá nhân, tổ chức du lịch lữ hành nào. Tất cả điện thoại, hành lý cá nhân đều để ở khách sạn. Do tuổi đã cao, đang mệt mỏi, hoảng loạn nên người này không nhớ được bất cứ đặc điểm nào, tên khách sạn, tên phố...
Sau khi tiếp nhận thông tin, cán bộ, chiến sĩ Công an phường Hàng Trống đã trấn an tinh thần vị du khách, đồng thời bằng các biện pháp quản lý lưu trú, chỉ vài đồng hồ sau đã tìm được khách sạn nơi vị du khách trên đang lưu trú tại Hàng Mành, Hoàn Kiếm, Hà Nội và đưa ông về tận nơi. Gặp chuyện không may nhưng đã được Công an Việt Nam tận tình giúp đỡ, vị du khách vô cùng cảm kích.
Được biết, ngoài sự việc trên, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Công an phường Hàng Trống còn tìm lại tài sản cho nhiều người dân và du khách khác. Bên cạnh công tác đảm bảo an ninh, trật tự và các nhiệm vụ chuyên môn khác..., Công an phường Hàng Trống luôn chú trọng, quán triệt đến cán bộ, chiến sĩ thường xuyên có những những việc làm thiết thực, cụ thể phục vụ nhân dân.
3. Bên cạnh việc đảm bảo an ninh, trật tự khu phố cổ, lực lượng Công an phối hợp với các lực lượng chức năng khác kịp thời kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực du lịch, phòng ngừa, giữ gìn môi trường du lịch của Thủ đô, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch - tập trung thực hiện một số nội dung như: Tuyên truyền, vận động tốt hơn nữa để phòng tránh các hành vi vi phạm về chèo kéo, móc túi, ăn trộm, bán hàng rong, bắt chẹt khách du lịch quanh các khu vực, điểm đến đông khách như hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội, phố đi bộ, chùa Trấn Quốc, Nhà thờ Lớn...
Thực tế cho thấy, nạn “chặt chém”, “chèo kéo”, “đeo bám” không chỉ xảy ra đối với du khách nước ngoài mà với cả người dân trong nước khi về Thủ đô. Họ bị “chặt chém” dưới nhiều hình thức. Đi taxi thì bị lái xe chạy lòng vòng để lấy thêm tiền hay bấm gian đồng hồ tính km. Khi đi bộ trên đường phố thì bị chèo kéo để mua đồ ăn, đồ lưu niệm bán rong. Nếu du khách không mua hàng thì sẽ chịu sự ứng xử thiếu văn minh, thậm chí là chửi bới. Hiện tượng này cũng đã xảy ra ở các nhà hàng, quán ăn. Hễ cứ thấy có khách nước ngoài là lại tăng giá gấp nhiều lần.
Tuy nhiên, lực lượng chức năng khi tiếp nhận phản ánh từ người dân hay cơ quan báo chí đã ra quyết định xử phạt rất nhanh, chấn chỉnh vấn nạn chặt chém, tạo nên hình ảnh đẹp trong mắt du khách trong nước và quốc tế.
Tuyên truyền phòng cháy và hướng dẫn sử dụng bình chữa cháy cho người dân phố cổ.
Quận Hoàn Kiếm là nơi thường diễn ra các sự kiện chính trị - văn hóa của Thủ đô, thu hút nhiều khách tham quan du lịch, nhưng khu vực hồ Hoàn Kiếm và các địa điểm lân cận như vườn hoa Lý Thái Tổ, quảng trường 19/8, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, các đền Ngọc Sơn, Bà Kiệu trong thời gian qua vẫn luôn là điểm “nóng” về vi phạm về trật tự đô thị.
Trên địa bàn quận vẫn còn những điểm, tụ điểm phức tạp về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường; tình trạng kinh doanh lấn chiếm hè phố, lòng đường; trông giữ phương tiện không phép, sai phép, thu phí trông giữ xe quá giá quy định; lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, để xe máy; dừng đỗ phương tiện sai quy định...
Để giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm trật tự đô thị, công an các phường trong khu phố cổ đã khảo sát, lập danh sách tổ chức, cá nhân thường xuyên vi phạm để tuyên truyền, ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về trật tự vỉa hè, lòng đường, tự tháo dỡ, di chuyển các vật dụng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây cản trở, mất an toàn giao thông; đồng thời, tiến hành thông báo (bằng văn bản) đến tổ chức, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trật tự đô thị... kiên quyết xử lý dứt điểm, trả lại nguyên trạng vỉa hè cho người đi bộ.
Những việc làm của lực lượng công an khu phố cổ góp phần thực hiện cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của CAND Việt Nam trong mắt người dân và bạn bè quốc tế.
Không phô trương, không ồn ào, nhưng bằng tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy với nhân dân, lực lượng công an khu phố cổ đang từng ngày tô đậm hình ảnh đẹp của người chiến sĩ CAND - vì nhân dân phục vụ, vì Thủ đô văn minh, an toàn và mến khách.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/pho-co-an-toan-du-khach-an-tam-a82142.html