Tương ớt Chin-su bị thu hồi: Vai trò của các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Đã qua mấy ngày kể từ khi có thông tin tương ớt Chinsu - sản phẩm sử dụng phổ biến ở Việt Nam bị thu hồi tại Nhật, thì vẫn chưa thấy bóng dáng của các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lên tiếng.

Người tiêu dùng băn khoăn

Những ngày qua, thông tin về việc hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản gây xôn xao dư luận. Dù đại diện cục ATTP (bộ Y tế) thông tin về chất phụ gia Axit benzoic là chất trong danh mục được phép sử dụng về phụ gia thực phẩm tại Việt Nam. Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (gọi tắt là Codex) cũng đã ban hành danh mục phụ gia thực phẩm trong đó cũng cho phép sử dụng Axit benzoic trong các sản phẩm thực phẩm nói chung và trong tương ớt nói riêng, các quy định về phụ gia thực phẩm của Việt Nam hiện nay được tuân thủ hoàn toàn theo các quy định của Codex quốc tế. 

Phía Masan cho hay chỉ chính thức xuất khẩu trực tiếp sản phẩm tương ớt Chin-su sang các thị trường Mỹ, Canada, Úc, Nga, Cộng hoà Séc, Trung Quốc, Đài Loan. Còn phía cơ quan quản lý của Nhật Bản cũng như từ hệ thống các cơ quan quản lý ATTP của quốc tế cũng chưa có thông tin phản hồi chính thức. 

Nhưng, trước đó cũng có nhiều vụ việc liên quan vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng đến người tiêu dùng được thông tin rộng rãi. Vì thế, người tiêu dùng Việt đã bày tỏ sự băn khoăn của mình trong việc làm thế nào để lựa chọn sử dụng các sản phẩm hàng hoá, đặc biệt là thực phẩm một cách an toàn. Tuy nhiên, khi các sản phẩm được phát hiện là chưa đảm bảo an toàn, gây hại cho sức khoẻ hoặc thông tin chưa được phổ cập thì người tiêu dùng cho rằng họ không thấy các hội bảo vệ người tiêu dùng lên tiếng hay có động thái quyết liệt bảo vệ người tiêu dùng.

Bởi vậy, họ cần sự lên tiếng mạnh mẽ hơn từ các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Tiêu dùng & Dư luận - Từ vụ tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật: Vai trò của các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở đâu?

Tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản khiến người tiêu dùng băn khoăn.

Nói về vấn đề này, ông Lương Hoàng Hưng – Tổng biên tập Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo (thuộc Trung ương hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam) cho biết: “Tôi có cảm giác gần như người tiêu dùng không được các hội tiêu dùng bảo vệ quyền lợi. Là người tiêu dùng, chúng tôi buộc phải tự bảo vệ mình bằng cách thụ động khi chọn lựa thực phẩm, vẫn biết chưa tin sự an toàn nhưng không có sự chọn lựa nào khác nên phải dùng. Và người tiêu dùng buộc phải tự bảo vệ mình mà thôi”.  

Bày tỏ sự băn khoăn của mình, chị Bích Thuỷ (một bà nội trợ tại Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi là những người nội trợ, thấy sản phẩm nào quảng cáo nhiều trên ti vi, hay những kênh nổi tiếng là tin tưởng sử dụng thôi cũng đâu có biết là nó độc hại hay không. Tuy nhiên, nếu khi báo chí phát hiện ra sản phẩm đó có vấn đề thì động tác đầu tiên của tôi sẽ là cho vào sọt rác và không dùng nữa. Thật ra để nhờ vả hội bảo vệ người tiêu dùng vào cuộc thì chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến, vì chẳng biết liên hệ như thế nào, ở đâu”.  

Cũng nói về vai trò của các hội bảo vệ người tiêu dùng, chị Mai Phương (nội trợ, Hà Nội) thẳng thắn bày tỏ: “Tôi thấy ở các nước trên thế giới, mỗi khi có những sự việc ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng thì các tổ chức này đều đồng loạt lên tiếng, đi đến cùng sự việc, đòi quyền lợi cho người tiêu dùng. Còn ở Việt Nam, tôi thấy rất ít hoặc hầu như không thấy vai trò của các hội bảo vệ người tiêu dùng ở đâu, nên thường khi phát hiện ra hàng hoá, thực phẩm không an toàn mà mình trót mua về sử dụng thì tôi cũng chỉ biết vứt đi chứ cũng không ý kiến gì”.  

Vai trò của các hội bảo vệ người tiêu dùng ở đâu?

Nói thêm về vai trò của các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay, Ths. Luật sư Đặng Văn Cường (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: “Căn cứ theo quy định tại Điều 27 Luật bảo vệ người tiêu dùng 2010, có những tổ chức xã hội được chuyên môn hóa thực hiện việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, những tổ chức xã hội này sẽ được thành lập theo quy định của pháp luật và hoạt động theo điều lệ được tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Về trách nhiệm của những tổ chức này được quy định tại Điều 28 Luật bảo vệ người tiêu dùng 2010.

Như vậy, pháp luật đã quy định rất rõ các hoạt động mà các tổ chức được thực hiện để bảo vệ người tiêu dùng, trong đó có những hoạt động rất đặc trưng và cần thiết như đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng; Cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hoặc là độc lập khảo sát, thử nghiệm; công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do mình thực hiện… để có thể bảo vệ tối đa quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng”.

Tiêu dùng & Dư luận - Từ vụ tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật: Vai trò của các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở đâu? (Hình 2).

Ths.Luật sư Đặng Văn Cường cho biết có quy định rất rõ các hoạt động mà các tổ chức được thực hiện để bảo vệ người tiêu dùng.

Phân tích thêm về trách nhiệm liên quan đến cơ quan quản lý đối với vụ việc Nhật Bản thu hồi 18.000 chai tương ớt Chin-su chứa phụ gia mới đây, luật sư Cường chỉ ra: “Theo quy định tại chương X luật An toàn thực phẩm 2010 đã quy định rõ về trách nhiệm quản lý của cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Theo đó, bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; còn các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong phạm vi địa phương”.

Cũng trong ngày 9/4, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về vai trò của Hội Bảo vệ người tiêu dùng trong việc đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng khi sản phẩm lỗi, có vấn đề, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, những vấn đề liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam xoay quanh vụ việc Nhật Bản thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su đang được ông nghiên cứu. Theo đó, ông Hùng cho biết, sẽ thông tin cụ thể sau khi tìm hiểu vấn đề thật "kín kẽ".

Mặc dù có quy định luật rõ ràng, thế nhưng đa số người tiêu dùng khi được hỏi đều cho rằng dường như vai trò của các hội bảo vệ người tiêu dùng khá mờ nhạt, thiếu chủ động trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo Người đưa tin

 

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/tuong-ot-chin-su-bi-thu-hoi-vai-tro-cua-cac-hoi-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-a840.html