Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) và 50 năm Người đi xa (2/9/1969-2/9/2019), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: 50 năm qua, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Di chúc của Người luôn đồng hành cùng dân tộc, soi rọi, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kiên định, trung thành với sự nghiệp, lý tưởng cách mạng của Người
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự buổi lễ.
Sáng 30/8, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) và 50 năm Người đi xa (2/9/1969-2/9/2019).
Tham dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải.
Cùng dự có các đồng chí Thường trực Ban Bí thư, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Chủ tịch nước; Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội.
Dự lễ kỷ niệm có khoảng 3500 đại biểu của Trung ương, địa phương, đại diện một số cơ quan ngoại giao, các đồng chí lão thành cách mạng, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, cựu chiến binh, nhân sĩ, trí thức, đại diện các tôn giáo, dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên, các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô.
Trước khi bắt đầu Lễ Quốc gia, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và thành phố Hà Nội đã tới đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn, quận Ba Đình, Hà Nội.
Đọc Diễn văn tại buổi lễ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà tổ chức thiên tài, đã sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta. Trong Di chúc, Người "trước hết nói về Đảng", căn dặn những vấn đề trọng yếu nhất về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta luôn là một đảng mácxít chân chính, "là đạo đức, là văn minh", đại biểu cho trí tuệ, lương tâm và phẩm giá của dân tộc Việt Nam. Người chỉ rõ: "Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi,... việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi".
Dự Lễ kỷ niệm có khoảng 3500 đại biểu của Trung ương, địa phương, đại diện một số cơ quan ngoại giao, các đồng chí lão thành cách mạng, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trước lúc đi xa, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng, một văn kiện lịch sử cực kỳ quan trọng, kết tinh tư tưởng văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một bậc vĩ nhân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian và tâm huyết, tự mình lặng lẽ chuẩn bị rất công phu và chu đáo để hoàn thành bản Di chúc trong vòng 4 năm. Chỉ với hơn 1.000 từ vô cùng ngắn gọn, Di chúc của Người đã truyền cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ý chí quyết tâm sắt đá, niềm tin mãnh liệt và sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam; sức mạnh của chính nghĩa và chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”; sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Trong Di chúc, Người căn dặn, "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta". Đoàn kết làm nên sức mạnh, là cội nguồn của mọi thành công mà nhờ đó, "từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác". Muốn xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trước hết phải có sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng. Đoàn kết trong Đảng là tiền đề, hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở để phát huy, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là tiền đề thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng xã hội mới. Đoàn kết còn góp phần ngăn ngừa nguy cơ suy thoái của Đảng cầm quyền. Do đó, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, từ Trung ương đến chi bộ, mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức "giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình".
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: Ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng, cho đến khi trước lúc đi xa, mối quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xây dựng Đảng về đạo đức. Người căn dặn: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân". Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nổi bật và xuyên suốt là tư tưởng giải phóng dân tộc đồng thời với giải phóng xã hội, giải phóng con người, mở ra những triển vọng mới to lớn để phát triển con người và xã hội. Người đặc biệt nhấn mạnh "Đầu tiên là công việc đối với con người". Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải ra sức và mau chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, chăm lo giải quyết các vấn đề chính sách xã hội, đền ơn đáp nghĩa,... và kiến thiết, xây dựng đất nước ta "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Vì vậy, Đảng phải huy động được hết trí tuệ, sức mạnh toàn dân tộc, "phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân", đồng thời "phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng và chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm".
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm sâu sắc đến từng đối tượng cụ thể, nhất là chăm lo thế hệ trẻ. Người căn dặn: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết". Đó là sự quan tâm chăm lo phát triển toàn diện con người Việt Nam, với tất cả phẩm chất chân - thiện - mỹ, có đức, có tài, trước hết là bồi đắp về nhân cách, tu dưỡng đạo đức cá nhân, giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn trong sáng, cao đẹp của con người Việt Nam.
Khi bàn về vấn đề quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện một tầm nhìn lớn lao, một nhãn quan văn hoá rất mực nhân văn, sâu sắc và tinh tế. Người quan tâm sâu sắc tới việc củng cố sự đoàn kết trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và ra sức thúc đẩy sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Trọn đời Người vì nước, vì dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người là biểu tượng, là tấm gương ngời sáng về đạo đức cách mạng "cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư". Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã hun đúc nên sự nghiệp Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh - thời đại rực rỡ nhất, vinh quang nhất trong lịch sử dân tộc ta.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu xúc động tại buổi Lễ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý: Trong những lời cuối của Di chúc, Người nói "về việc riêng". Dù nói về việc riêng, nhưng vẫn hàm chứa trong đó biết bao suy tư, trăn trở, vẫn toát lên suy nghĩ và hành động lo cho nước, cho dân; cho thấy, Người trọn đời "chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Vĩnh biệt chúng ta, Bác không có gì dành cho riêng mình, ngoài những điều sâu sắc nhất, lớn lao nhất, vĩ đại nhất dành cho nhân dân, cho đất nước và Người chỉ tiếc nuối khi "không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa". Đó là lý tưởng chính trị, là văn hóa đạo đức và chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: 50 năm qua, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Di chúc của Người luôn đồng hành cùng dân tộc, soi rọi, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn kiên định và trung thành với sự nghiệp, lý tưởng cách mạng của Người, kế tục trung thành sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà Người đã cống hiến và hy sinh trọn đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, nghị lực và ý chí toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, quân và dân ta đã giành được thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối, "thỏa lòng mong ước của Người".
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đặc biệt qua hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, nhờ phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, với sự chung sức, đồng lòng phấn đấu không ngừng của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. "Chúng ta có thể tự hào và tin tưởng báo cáo với Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã xây dựng đất nước ta mười lần to đẹp hơn và "ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như mong muốn của Người. Điều đó càng củng cố thêm niềm tin của chúng ta vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội".
50 năm qua, Đảng đã ra sức giữ gìn, củng cố sự đoàn kết nhất trí của Đảng, tăng cường đoàn kết trong Đảng làm hạt nhân cho đại đoàn kết dân tộc; "thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình", tăng cường, củng cố mối quan hệ mật thiết, gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân; ra sức củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; đề cao kỷ luật nghiêm minh và tự giác; đã tạo ra những chuyển biến tích cực, kết quả rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức của hệ thống chính trị; góp phần quan trọng củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng…
Tại buổi Lễ, các đại biểu được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc ca ngợi Đảng quang vinh, đất nước đổi mới và Bác Hồ vĩ đại.
50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu để lại cho chúng ta những bài học lịch sử hết sức quý báu. Đó là bài học nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là bài học sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đó là bài học không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết; đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đó là bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Đó là bài học sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Tự hào với tất cả những gì làm được, song cũng không khỏi trăn trở, day dứt trước những gì chưa làm được hoặc làm chưa trọn vẹn. Không ít những khuyết điểm, yếu kém và khó khăn, thách thức đang cản trở tiến trình đổi mới, xây dựng đất nước, nếu không kiên quyết, kiên trì ngăn chặn đẩy lùi sẽ đe dọa tới vận mệnh của Tổ quốc, sự sống còn của chế độ và vai trò lãnh đạo của Đảng. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực ra sức phấn đấu, phát huy ưu điểm, sửa chữa khắc phục khuyết điểm, yếu kém; tuyệt đối không chủ quan tự mãn, không say sưa với thắng lợi hay bi quan dao động trước những khó khăn, thử thách”.
Ý thức được vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình, Đảng ta càng cần phải thấm nhuần sâu sắc những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn bao giờ hết, chúng ta càng cần phát huy truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng ta với quyết tâm chính trị cao, kiên quyết kiên trì đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; chăm lo xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.
Là tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Hoàng Thị Nữ, nguyên cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh bày tỏ sự xúc động khi được phát biểu tại buổi lễ. Bà cũng bày tỏ niềm tự hào khi được công tác tại một cơ quan mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, được quản lý hệ thống kho cơ sở của Bảo tàng - nơi lưu giữ, bảo quản các tài liệu, hiện vật, phim ảnh gốc về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với bà Hoàng Thị Nữ, nhiệm vụ này là niềm vinh dự, tự hào lớn lao, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mỉ, chăm chút, toàn tâm, toàn ý vì công việc và hơn hết là với lòng kính yêu vô hạn đối với Bác. Xác định được trách nhiệm của mình, trong nhiều năm qua, bà cùng đồng nghiệp lưu giữ cẩn trọng từng tài liệu, hiện vật, phim ảnh về Bác Hồ một cách cẩn thận nhất để phát huy cao nhất những giá trị di sản của Bác Hồ để lại. Bà bày tỏ sự tin tưởng trong thời gian tới, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục lãnh đạo cả nước, lãnh đạo Nhân dân giành nhiều thắng lợi toàn diện hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Phát biểu của Tiến sĩ Hoàng Thị Nữ, nguyên cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh - đại diện gương tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đại diện thế hệ trẻ, đồng chí Nguyễn Nhất Linh, giảng viên, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội bày tỏ niềm vui khi được phát biểu cảm tưởng. Đồng chí cũng không giấu được niềm vinh dự, tự hào khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi tròn 18 tuổi. Nhận thức rõ trách nhiệm của người đảng viên, đồng chí Nguyễn Nhất Linh cho biết trong nhiều năm qua đã luôn học tập và rèn luyện theo tấm gương đạo đức của Bác. Đồng chí đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp cơ sở được xếp loại xuất sắc.
“50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Người là dịp để tuổi trẻ cả nước bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và nhân dân Việt Nam anh hùng”, đồng chí Nguyễn Nhất Linh nêu.
Thấm nhuần lời căn dặn của Bác trong Di chúc thiêng liêng, thanh niên Việt Nam luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình với quốc gia, dân tộc, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, học tập, lao động, cống hiến, nguyện bằng việc làm, hành động thiết thực đóng góp sức trẻ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc../.
Theo dangcongsan.vn
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/tu-tuong-ho-chi-minh-va-di-chuc-cua-nguoi-soi-roi-dan-dat-toan-dang-toan-dan-a970.html