Thứ quả tâm linh cứ đến tháng Chạp là dân buôn cháy hàng
Từ mùng 1 – 26 tháng Chạp hàng năm, những vườn trồng phật thủ ở Đắc Sở bắt đầu vào chính vụ thu hoạch, Những ngày này, người dân tất bật ra vườn cắt quả để kịp phục vụ nhu cầu trưng Tết của khách hàng.
Người xem có, người mua lẻ có, lái buôn có, họ đến để chiêm ngưỡng, tham quan và mua buôn phật thủ đẹp, "độc", "khủng" tại vườn với hàng chục trái được coi là "hàng khủng" nhất Thủ đô với giá lên tới hàng triệu mỗi trái.
Nếu trước đây Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội) được coi là "vương quốc" của loại trái nghìn tay này thì nay xã Quế Lâm (Phúc Thọ, Hà Nội) lại được coi là nơi có diện tích trồng phật thủ lớn nhất nhì Hà Nội. Bên cạnh phật thủ quả đơn, ở đây còn trồng và bán các loại phật thủ bonsai, cây phật thủ ghép cành, nhiều quả…
Những trái phật thủ đẹp mắt, mang lại may mắn cho các gia đình dịp đầu năm mới được kết tinh từ phù sa ngọt mát, từ sự chịu thương chịu khó, từ tình yêu đất, yêu cây của người dân nơi đây.
Quả phật thủ hay còn gọi là tay Phật, là loại giống cây ăn quả thuộc chi cam chanh, giống cây bản địa của Trung Quốc và Nhật Bản, được trồng khá phổ biến ở Việt Nam. Loại quả này thường có mặt trong mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết của người Việt.
Thầy thuốc cho biết đây là loại cây thân gỗ nhỏ, cao từ 2 đến 2,5 m, ra hoa kết quả quanh năm. Quả phật thủ dùng ăn tươi, làm mứt. Phật thủ có nhiều cánh múi chụm lên như 10 ngón tay nên dân gian gọi là tay Phật với cầu mong được Trời Phật ban phúc lộc. Phật thủ được đặt ở vị trí trang trọng nhất trên mâm ngũ quả ngày Tết. Ngoài ý nghĩa tâm linh, phật thủ còn có nhiều tác dụng phòng chữa bệnh.
Theo Đông y, phật thủ vị cay, chua và đắng, tính ấm, vào can vị phế, có tác dụng lý khí hóa đàm, thư can hòa vị chỉ thống. Quả dùng cho các trường hợp đau tức vùng liên sườn, vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, ho hen phế quản nhiều đờm, khó thở. Liều dùng: 2-10 g quả khô, dưới dạng nấu, hãm uống.