Tối 1-8, nhà tang lễ của Bệnh viện 19-8 bao trùm không khí đau buồn. Cùng lúc, những người thân trong gia đình Trung tá Đặng Anh Quân - Đội trưởng, Trung úy Đỗ Đức Việt và Binh nhì Nguyễn Đình Phúc khi nhận được tin dữ đã có mặt tại đây, gương mặt ai cũng thất thần, đau đớn.
" Cách đây hơn một tuần, Quân đưa mẹ qua nhà tôi, khi về cháu còn dặn hôm nào rảnh chở mẹ xuống chơi với dì mấy ngày. Ấy thế mà chiều tối ngày 1/8, nhận điện thoại từ mẹ cháu, tôi không tin vào tai mình nữa" - đó là lời nói nghẹn ngào của bà Yến, dì ruột của Thượng tá Đặng Anh Quân - người đã hy sinh cùng hai đồng đội của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại Quan Hoa ( Cầu Giấy ).
Nước mắt người ở lại
Bà Trần Thị Thủy, mẹ của Trung tá Đặng Anh Quân ngất lên ngất xuống vì đau đớn. Bố mất sớm, Trung tá Đặng Anh Quân ở cùng mẹ. Sau khi lập gia đình, vợ chồng anh và mẹ sống trong căn nhà nhỏ ở đường Láng thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà Thủy ngoài việc trông nom các cháu còn tranh thủ bán trà ở đầu ngõ. Ngồi cạnh bà nội và mẹ đang khóc ngất trên chiếc ghế bên ngoài nhà tang lễ, cháu Đặng Anh Quế, con của Trung tá Đặng Anh Quân vừa khóc, vừa gọi tên bố trong đau đớn khôn nguôi.
Lặng lẽ trước đại diện các cơ quan đoàn thể cũng như đồng chí, đồng đội đến chia buồn cùng con mình, bà Trần Thị Thủy (68 tuổi) mẹ của anh Quân, cố gắng lắm bà mới mở được vài lời.
“Chiều hôm qua, lúc đang ngồi bán nước, tôi thấy lòng nóng ran, định gọi điện cho con nhưng rồi lại thôi. Đến chiều tối thì đứa cháu họ chạy ra nói đọc được tin trên báo là có 3 chiến sỹ Cảnh sát hy sinh khi chữa cháy ở quán Karaoke, trong đó có 1 người tên Quân” - bà gục xuống, nấc nghẹn.
Bà Trần Thị Yến, người dì ruột Thượng tá Quân cho biết: “Quân là người con hiếu thảo, mới tuần trước cháu chở mẹ qua nhà tôi, khi về còn hẹn tuần tới sẽ chở mẹ xuống để dì “chăm” mẹ và trò chuyện vài ngày. Thế mà cháu quên lời hứa” - gạt những dòng nước mắt lăn dài, bà Yến kể.
Ngồi cạnh người thân Trung tá Quân, bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, mẹ Binh nhì Nguyễn Đình Phúc cũng như người mất hồn trước nỗi đau đớn quá khủng khiếp ập đến bất ngờ với gia đình. Chồng mất sớm, bà Hạnh chỉ có một cậu con trai là Phúc. Hai mẹ con nương tựa vào nhau. Từ khi con trở thành cảnh sát PCCC, cứ mỗi lần nghe thấy tiếng còi báo cháy, tim bà như thót lại, chỉ khi nào con gọi điện trở về nhà mới yên tâm phần nào. Chiều 1-8, khi đang ở nhà, linh cảm có chuyện chẳng lành, bà thấy bồn chồn không yên. Đến khi thấy chỉ huy của Công an quận Cầu Giấy đến tận nhà, nghẹn ngào thông báo, bà òa lên khóc nức nở, lao đến bệnh viện.
Trong không khí tang thương, ông Đỗ Văn Tư, Trưởng Công an xã Hòa Sơn (huyện Ứng Hòa, Hà Nội), bố của Trung úy Đỗ Đức Việt cho biết, vợ chồng ông có hai con, Việt là cả, còn cô con gái đang học cấp 3. Trước kia, ông Tư làm cán bộ Công an quận Hà Đông, sau đó được luân chuyển làm Trưởng Công an xã Hòa Sơn. Từ ngày xuống xã công tác, hai bố con ít có dịp gặp nhau vì Việt trực ở đơn vị suốt, còn ông cả tuần chỉ về nhà được 1 lần.
Ông Tư nghẹn ngào “Nhà ít người nên khi con có việc làm ổn định, vợ chồng tôi muốn con lập gia đình sớm. Hồi đầu năm, nó hứa cuối năm nay sẽ cưới vợ và nhất định sẽ ở gần để còn chăm sóc bố mẹ lúc tuổi già. Nhưng, giờ đây, con đã không thực hiện được lời hứa với bố mẹ nữa rồi...”
Thật dễ thương. Người ta sẽ không hình dung nổi, một thượng úy cảnh sát phòng cháy chữa cháy mà lại có những dòng “tâm sự” với “người bạn” là chú chó mới quen một cách tình cảm như vậy. Hẳn, anh là một người yêu mến động vật và đầy từ tâm mới có thể diễn bày một cách thân thiết như thế với “người bạn” vừa được cứu.
Các anh hy sinh cho người dân được sống
Theo thông tin từ Công an TP Hà Nội, khoảng 13 giờ 30 ngày 1-8, Trung tâm chỉ huy Công an thành phố Hà Nội nhận được tin báo xảy ra vụ cháy tại quán karaoke trên địa bàn phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy. Ngay lập tức, Trung tâm điều động 10 xe chữa cháy cùng hơn 60 cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thuộc Công an quận Cầu Giấy và các đơn vị lân cận nhanh chóng đến hiện trường tổ chức chữa cháy.
Khi tiếp cận hiện trường vụ cháy, 3 đồng chí Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Cầu Giấy gồm Trung tá Đặng Anh Quân - Đội trưởng, Trung úy Đỗ Đức Việt và Binh nhì Nguyễn Đình Phúc đã nhanh chóng lao vào đám cháy đưa được 8 người dân ra ngoài an toàn, sau đó tiếp tục quay lại tìm kiếm. Khi 3 đồng chí lên tới tầng 4 thì cầu thang bị sập, chặn đứt đường vòi chữa cháy. Tiếp đó trần nhà cũng bất ngờ sập xuống, đè lên người khiến cả 3 đồng chí hy sinh.
Có mặt tại hiện trường, chúng tôi có thể cảm nhận được nỗi đau xót, vẻ thất thần trên khuôn mặt còn sạm đen vì khói của nhiều chiến sĩ cảnh sát PCCC. Một số người dân đưa nước mát, các anh cũng không buồn uống. Một nữ đồng nghiệp của tôi nghe tin thì sụp xuống, khóc như mưa. Chị kể trong nước mắt: “Mới buổi sáng thôi, tôi vừa vui mừng đưa tin về một vụ cháy xảy ra tại ngõ 92 phố Nguyễn Khánh Toàn, phường Quan Hoa. Lực lượng PCCC Công an quận Cầu Giấy đã giải cứu thành công 2 người bị mắc kẹt qua đường mái nhà và dập tắt ngọn lửa. Nhưng, chỉ sau vài giờ đã phải nhận một tin quá đỗi đau buồn...”.
Trở lại với những cảm xúc tốt đẹp dành cho ba chiến sĩ, cộng đồng mạng, đã bằng nhiều cách, hướng về các anh với sự khâm phục.
Có người viết những lời cảm ơn vì họ đã hy sinh để cứu người, sự ra đi của các anh mang lại sự sống cho người khác và mang lại niềm tự hào cho người thân, đồng nghiệp.
Có những cái chết đầy bi thương nhưng cũng có những hy sinh là bi hùng. Ở đó, người mất để lại nhiều tình cảm cũng như bài học về sự dâng hiến trọn vẹn cho công việc cùng những giá trị lớn lao từ công việc tốt đẹp mà họ đảm đương.
Tất nhiên, ngoài niềm thương, sự hy sinh của những chiến sĩ trong vụ cháy cũng một lần nữa nhắc nhở tất cả mọi người luôn cẩn trọng với “bà hỏa”. Bất kỳ sự vô ý nào với các nguyên nhân gây cháy nổ đều có thể mang đến hậu quả khôn lường cho bản thân và người khác, trong đó có lực lượng làm công tác phòng cháy chữa cháy.
Có người đặt câu hỏi: “Phải làm sao để bớt đi những hy sinh giữa thời bình?”. Một phút vượt đèn đỏ cũng rất có thể gây ra tai nạn không mong muốn; chỉ một đốm lửa nhỏ cũng có thể đốt cháy cả cánh rừng.
Chỉ một sự chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm của một ai đó cũng có thể gây hậu quả nặng nề. Mong sự thức tỉnh và lan tỏa trách nhiệm xã hội của mỗi người từ sự đánh đổi, hy sinh của 3 chiến sĩ phòng cháy chữa cháy anh dũng...
Sự ra đi nào cũng là nỗi đau, mất mát, trước tiên cho gia đình người nằm xuống. Nghĩ về điều này để phòng cháy thật kỹ, đừng để những tiếng còi của xe chữa cháy phải vang lên. Thực sự, không ai muốn mình trở thành anh hùng trong tình huống như vậy cả.