3 nhóm học sinh cần đặc biệt lưu ý đến sức khỏe tâm thần khi trở lại trường

Thảo Huyền

Sau thời gian dài trẻ em ở nhà học trực tuyến, đến nay học sinh tiểu học ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác được đến trường. Các bậc phụ huynh cần chuẩn bị những gì?

Báo Sức khỏe và Đời sống đã phỏng vấn ThS.BS Nguyễn Viết Chung – Khoa Tâm thần (Bệnh viện E), Giảng viên Trường ĐH Y Dược - ĐH Quốc gia Hà Nội để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

- Xin bác sĩ cho biết, việc học online kéo dài đã ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe tâm thần của trẻ?

Không phải việc học ở nhà là tiêu cực. Luôn có 2 tình huống. Thường ở nhóm trẻ có tính tự giác, có mục tiêu rõ ràng trong việc học tập thì việc học online hay trực tiếp không có ảnh hưởng nhiều đến trẻ.

Tuy nhiên với một số học sinh gặp khó khi thích nghi xã hội, việc chuyển đột ngột từ hình thức học trực tuyến sang trực tiếp sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của của các em.

Qua thực tế khám chữa bệnh tại Khoa Tâm thần (Bệnh viện E), chúng tôi nhận thấy 3 nhóm học sinh sau cần phải được quan tâm đến sức khỏe tâm thần khi trở lại trường.

Thứ nhất là những trẻ có sẵn tình trạng nghiện game, việc học trực tuyến tạo điều kiện cho trẻ chơi game nhiều hơn, nhiều trẻ bỏ bê việc học chỉ tập trung vào game. Do vậy khi quay trở lại trường học, trẻ không chịu đi học, liên tục trốn học để chơi game. Khi bị ép trẻ sẽ có hành vi không phù hợp tại lớp học như bỏ làm bài, làm việc riêng trên lớp, nói chuyện riêng, chống đối giáo viên...

Chuyên gia khuyến cáo 3 đối tượng học sinh cần phải quan tâm đến sức khỏe tâm thần khi trở lại trường - Ảnh 1.

ThS. BS Nguyễn Viết Chung.

Thứ hai là những trẻ hay có xu hướng bị bắt nạt tại trường. Những trẻ có tính cách nhút nhát, ngoại hình không được tốt (quá mập, thấp bé), hay trẻ có vấn đề về nhận dạng giới tính, khó giao tiếp, tiếp xúc với người khác… dễ bị bắt nạt tại trường học. Với những trường hợp này cha mẹ và nhà trường cần hết sức lưu ý.

Thứ ba là những trẻ bị rối loạn sự thích ứng trở nên căng thẳng lo lắng, mất ngủ khi đi học. Sau hai năm học trực tuyến, lượng học sinh duy trì được lực học tốt không nhiều, mà lượng sa sút về học tập lại gia tăng. Chính vì thế nhiều trẻ sợ đi học, sợ bị thầy cô kiểm tra, sợ phải làm bài tập nhiều… dẫn đến trẻ bị căng thẳng, stress, lo âu về việc học kém và sa sút của mình.

Do vậy, cứ đi học là trẻ có các dấu hiệu mệt, đau bụng, chóng mặt đó là những phản ứng lại với stress, lo âu. Trẻ thường có giấc ngủ kém, hay bị mơ, gặp ác mộng… Tình trạng này kéo dài khiến trẻ không tập trung vào việc học được và còn có thể gây một số bệnh lý về tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm…

Ngoài ra việc thay đổi môi trường học tập và giờ giấc sinh hoạt quá nhanh, ở nhà nhiều khi vừa học vừa ăn sáng, không phải mặc đồ, quần áo gì cả, không cần giao tiếp với ai nếu trẻ không thích.

Khi đến trường trẻ phải chuẩn bị bài, dậy sớm, ăn sáng, đồng phục… Sự thay đổi quá đột ngột sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn sự thích ứng có thể bị mất ngủ, lo âu, buồn chán, mệt mỏi, căng thẳng…

Hơn nữa khi đi học trực tiếp trẻ cũng phải đối mặt với các nguy cơ về tình trạng lôi kéo, sử dụng chất kích thích, hay tình trạng bị lạm dụng về thể chất, lời nói, cảm xúc… Do vậy cha mẹ cần hết sức để ý và quan tâm đến các con.

Các bậc phụ huynh cần chuẩn bị gì để trẻ đến trường học tập tốt, thưa bác sĩ?

Cha mẹ cần phải hết sức quan tâm, đồng hành cùng trẻ trong giai đoạn này. Chúng ta không thể nào ở bên hoặc giám sát 24/24 do vậy cách duy nhất đồng hành cùng con là làm bạn với trẻ để khi có bất cứ vấn đề nào trong cuộc sống, học tập trẻ đều có thể tâm sự với mình.

Qua đó quan sát được cuộc sống của trẻ một cách rõ ràng, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, có cách ứng xử phù hợp với con, tránh việc la mắng, áp đặt trẻ.

Dấu hiệu nào cần đưa trẻ đi khám sức khỏe tâm thần, thưa bác sĩ?

Khi trẻ có các dấu hiệu như mất ngủ, lo âu, đau bụng, chóng mặt, buồn nôn… tất cả mọi thứ liên quan đến áp lực học tập, buồn chán, chậm chạp, ít nói... cần cho trẻ đi khám ngay để có những biện pháp can thiệp kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

- Trân trọng cảm ơn bác sĩ!