Sức khỏe trước khi thụ thai đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe tổng thể của cả mẹ và con trong suốt thai kỳ. Việc chuẩn bị trước khi mang thai rất cần thiết để giúp mẹ có sức khỏe tốt trong suốt thai kỳ và đảm bảo em bé có tiền đề tốt nhất để phát triển.
1. Sức khỏe trước khi thụ thai là gì?
Sức khỏe trước khi thụ thai là sức khỏe tổng thể của bạn trước khi mang thai. Có sức khỏe trước khi mang thai sẽ cải thiện cơ hội mang thai của vợ chồng bạn. Việc đảm bảo sức khỏe tốt cũng giúp ngăn ngừa các biến chứng khi mang thai.
Theo BSCKII Nguyễn Công Định, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, chuẩn bị trước khi mang thai với chế độ dinh dưỡng đầy đủ, sức khỏe đảm bảo tốt... sẽ là nền tảng cơ bản cho một thai kỳ hoàn hảo.
Sức khỏe trước khi thụ thai tốt bao gồm việc kiểm tra trước khi thụ thai và trao đổi với bác sĩ về các tình trạng sức khỏe có thể ảnh hưởng đến thai kỳ. Khám sức khỏe trước khi thụ thai để đảm bảo cơ thể người phụ nữ đã sẵn sàng cho việc mang thai. Khi khám sức khỏe, hãy chia sẻ tiền sử sức khỏe gia đình với bác sĩ.
Nếu vợ chồng bạn muốn có con, hãy bắt đầu tập trung vào sức khỏe của mình ít nhất 3 tháng trước khi bạn bắt đầu cố gắng mang thai. Trong trường hợp bạn có tình trạng sức khỏe có khả năng ảnh hưởng đến thai kỳ, bạn sẽ cần nhiều thời gian hơn để cơ thể sẵn sàng cho việc sinh con.
Khi chuẩn bị mang thai nên dùng acid folic theo tư vấn của bác sĩ để giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh và thực hiện những thay đổi trong cuộc sống có thể ảnh hưởng đến sức khỏe em bé khi mang thai.
2. Kiểm tra trước khi mang thai
Kiểm tra trước khi thụ thai là kiểm tra y tế nên thực hiện trước khi mang thai. Kiểm tra này giúp chuyên gia chăm sóc sức khỏe đảm bảo rằng bạn khỏe mạnh và cơ thể đã sẵn sàng cho việc mang thai. Kiểm tra này có thể ngăn ngừa các tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến thai kỳ. Ví dụ, đảm bảo rằng bạn đã tiêm vaccine đầy đủ và cung cấp một số loại vaccine cần thiết trước khi mang thai.
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế, trước khi kết hôn, việc đi khám sức khỏe là rất cần thiết để đảm bảo sinh con khỏe mạnh. Khám sức khỏe trước hôn nhân thực sự cần thiết, mang lại nhiều lợi ích đối với cuộc sống và hôn nhân sau này.
Khi khám sức khỏe trước hôn nhân, bác sĩ sẽ tư vấn về tình dục lành mạnh, chuẩn bị mang thai, dự phòng các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con trong tương lai, chuẩn bị cho người phụ nữ có điều kiện sức khỏe để mang thai và sinh đẻ an toàn, tránh gặp phải những rắc rối trong đời sống tình dục, tránh gặp phải những bệnh tật liên quan đến cơ quan sinh sản.
3. Thực hiện thay đổi lối sống
Nếu bạn có những thói quen hoặc hành vi tiêu cực có thể gây hại cho bạn hoặc em bé, các bác sĩ khuyên bạn nên bỏ những lối sống cũ và thực hiện lối sống lành mạnh hơn. Một số thói quen lối sống gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bạn và em bé bao gồm:
- Chế độ ăn không lành mạnh;
- Tiêu thụ rượu;
- Sử dụng ma túy;
- Hút thuốc;
- Cuộc sống gia đình căng thẳng...
Việc loại bỏ những thói quen hoặc tác nhân gây căng thẳng này trong cuộc sống có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe tổng thể và chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh. Không hút thuốc, uống rượu hoặc lạm dụng thuốc bán sẵn hoặc thuốc theo toa. Tất cả những điều này đều có thể gây hại cho thai nhi khi người mẹ mang thai.
4. Đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh
Đạt được cân nặng khỏe mạnh trước khi mang thai nên là việc làm ưu tiên. Ăn thực phẩm lành mạnh và hoạt động tích cực mỗi ngày.
Để đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh, hãy thực hiện các mẹo sau:
- Hãy điều chỉnh lối sống, không chỉ chế độ ăn uống.
- Ăn các bữa ăn và đồ ăn nhẹ lành mạnh.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Trao đổi với bác sĩ sản phụ khoa về sức khỏe.
Cả phụ nữ thừa cân và thiếu cân đều có thể gặp phải những biến chứng nghiêm trọng trong thai kỳ. Người béo phì dễ gặp các tình trạng sức khỏe như bệnh đái tháo đường thai kỳ, một số bệnh ung thư và bệnh tim. Nếu bạn thiếu cân, cơ thể không cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho em bé để phát triển bình thường.