5 biến chứng hay gặp khi mắc bệnh zona thần kinh

Biên tập viên

Zona do virus varicella zoster gây ra (virus gây bệnh thủy đậu), bệnh hay gặp ở trẻ em, người già, người suy giảm miễn dịch. Nhiều người cho rằng bệnh zona thần kinh không nguy hiểm nên thường tự điều trị, việc này dẫn đến nhiều hệ lụy.

Bệnh zona thần kinh phổ biến, tái phát nhiều lần và xảy ra quanh năm. Khi gặp các điều kiện thuận lợi như hệ miễn dịch bị suy yếu, stress, cơ thể suy nhược, …, virus hoạt động trở lại gây bệnh zona.

Biểu hiện của bệnh zona thần kinh

Khi bị mắc zona sẽ có các triệu chứng:

Thông thường nhất, phát ban bệnh zona phát triển dưới dạng một dải các chùm mụn nước bao quanh bên trái hoặc bên phải của thân (chỉ 1 bên cơ thể). Các mụn nước nhỏ có thể liên kết thành mụn nước lớn hoặc có thể bị nhiễm trùng thành mụn mủ.

Đau hoặc ngứa ran ở một bên mặt hoặc thân. 

Sốt cao, đau đầu, mệt mỏi. Nhạy cảm với ánh sáng.

Ghi nhận thực tế, hầu hết người bệnh mắc zona thần kinh đều có cảm giác đau đầu tiên. Với một số người, cơn đau có thể dữ dội. Tùy thuộc vào vị trí của cơn đau, đôi khi có thể nhầm lẫn với các vấn đề về cơ, tim, phổi hoặc thận. Cũng có một số trường hợp người bệnh bị đau do zona nhưng lại không kèm sốt hoặc phát ban.

5 biến chứng hay gặp khi mắc bệnh zona thần kinh- Ảnh 1.

Zona thần kinh là bệnh hay gặp ở trẻ em, người già, người suy giảm miễn dịch.

 

 ​​Biến chứng thường gặp của zona thần kinh

1. Ngứa, châm chích (rối loạn cảm giác da) sau zona thần kinh

Các cảm giác khác liên quan đến biến chứng hậu zona bao gồm mất cảm giác, ngứa ran và lạnh. Các trường hợp nghiêm trọng của ngứa sau zona có thể dẫn đến trầm cảm, sụt cân và mất ngủ.

2. Giảm thị lực hoặc tổn thương mắt

Các biến chứng nghiêm trọng có thể bao gồm nhạy cảm với ánh sáng, sưng mí mắt, tăng nhãn áp, viêm và sẹo giác mạc, suy giảm thị lực.

3. Đau dây thần kinh

Các triệu chứng bệnh zona thường biến mất khi hết phát ban. Nhưng với chứng đau dây thần kinh sau zona có thể cảm thấy đau, rát trong nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi phát ban đã lành. Có thể gặp đau giật từng cơn làm người bệnh khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt và các hoạt động thường nhật.

4. Liệt một phần cơ mặt

Liệt một phần cơ mặt vừa là triệu chứng nhiễm virus zona hạch gối, đồng thời cũng là biến chứng zona thần kinh nguy hiểm. Người bệnh có thể dễ dàng nhận biết được biến chứng này khi gương mặt bị mất các biểu cảm, méo miệng hoặc mất khả năng nhăn trái, cử động các vùng cơ trên phần mặt bị liệt.

5. Nhiễm trùng da

Trong giai đoạn mụn nước, tổn thương chỗ da của bệnh zona nếu như các bóng nước bị vỡ sẽ dẫn đến tình trạng các loại vi khuẩn, tụ cầu xâm nhập. Điều đó sẽ dẫn đến tình trạng mưng mủ, chảy dịch, làm trầm trọng hơn các tổn thương da, khiến cho bệnh trở nặng và dễ để lại sẹo xấu.

Ngoài ra, người bệnh mắc zona thần kinh còn có thể bị các biến chứng khác như: viêm phổi, viêm não, nếu ở phụ nữ mang thai còn có thể nguy hiểm tới thai nhi.

Viêm phổi là biến chứng hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm. Chúng chủ yếu xuất hiện ở các bệnh nhân đã suy giảm miễn dịch trước đó, cảnh báo nguy cơ tử vong nếu không được can thiệp điều trị kịp thời.

Viêm não cũng là một biến chứng zona thần kinh nguy hiểm, chúng có thể xuất hiện sau vài ngày trong giai đoạn tổn thương da của người bệnh, đặc biệt là những người nhiễm zona tai. Vì tai có cấu tạo đặc biệt, thông với hệ thống não bộ, nhiều dây thần kinh dày đặc dưới da, cho nên khi virus xuất hiện và xâm nhập ở vị trí này sẽ làm tăng nguy cơ lây lan bệnh lên não.

Bệnh zona thần kinh khi mang thai hiếm khi gây biến chứng cho em bé. Nếu bị bệnh zona ngay trước khi sinh hoặc trong những ngày sau đó, hãy bảo vệ trẻ tránh tiếp xúc với vết phát ban của bệnh zona. Che vết phát ban và rửa tay thường xuyên là một biện pháp hữu hiệu.

5 biến chứng hay gặp khi mắc bệnh zona thần kinh- Ảnh 2.

Thường xuyên có chế độ ăn uống giàu vitamin nhằm nâng cao sức để kháng.

 

 Mặc dù là biến chứng ít khi nguy hiểm đến tính mạng tuy nhiên khi có biểu hiện của bệnh cần có sự tư vấn điều trị của các bác sĩ tránh những biến chứng nguy hại cho sức khỏe. Đặc biệt người bệnh cần theo dõi để phát hiện sớm các biến chứng, nếu có cần nhanh chóng nhập viện để các bác sĩ chẩn đoán, can thiệp điều trị ngay lập tức.

Lời khuyên thầy thuốc

Các biện pháp phòng ngừa zona thần kinh bao gồm tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh zona khi cơ thể còn vết mụn nước. Tiêm vaccine ngừa bệnh để bảo vệ khỏi thủy đậu và tránh được bệnh zona.

Thường xuyên có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học nhằm nâng cao sức để kháng. Cần ngủ đủ giấc, không hút thuốc, chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, tập thể dục để tăng sức đề kháng.

Hiện nay, zona thần kinh chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên người bệnh có thể sử dụng thuốc điều trị giảm thiểu triệu chứng theo chỉ định của bác sĩ, từ đó giảm tần suất tái phát cũng như tình trạng bệnh.