5 câu hỏi thường gặp với bệnh đa u tủy xương

Kiều Trinh

Đa u tủy xương là một loại ung thư máu bắt nguồn từ các tế bào plasma, một loại tế bào bạch cầu có chức năng sản xuất kháng thể. Thay vì tạo ra các kháng thể khỏe mạnh để chống lại nhiễm trùng, các tế bào plasma bị ung thư lại sản xuất ra các protein bất thường gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.

1. Đông y có chữa được đa u tủy xương không?

Đông y không thể thay thế điều trị chính cho bệnh đa u tủy xương mà chỉ có thể hỗ trợ điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Cơ chế hoạt động: Đông y tập trung vào việc cân bằng âm dương, điều hòa khí huyết, tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ cơ thể chống lại bệnh tật. Các bài thuốc đông y có thể hỗ trợ giảm đau, cải thiện giấc ngủ, tăng cường sức khỏe tổng quát, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Kết hợp điều trị: Hiện nay, nhiều người bệnh đa u tủy xương kết hợp giữa điều trị tây y và đông y để đạt hiệu quả tốt nhất. Đông y hỗ trợ giúp giảm tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị, đồng thời tăng cường hiệu quả điều trị.

2. Đa u tủy xương có nguy hiểm không?

anh-chup-man-hinh-2024-11-02-luc-184226-1730547767.png

Hình ảnh cấu trúc bệnh đa u tủy xương.

Đa u tủy xương là bệnh ung thư máu ác tính liên quan đến những tế bào trong hệ tạo huyết, có chức năng tiết ra kháng thể. Bệnh lý ung thư máu này được đánh giá là bệnh lý nguy hiểm, tiến triển bệnh nhanh cùng triệu chứng bệnh dai dẳng, ảnh hưởng lớn nhất là khiến hệ miễn dịch của người bệnh suy giảm.

Bệnh nhân đa u tủy xương có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm gây tử vong nhanh chóng như: nhiễm trùng phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu, chèn ép tủy gây liệt chi dưới, liệt dây thần kinh sọ, rối loạn tâm thần... Bên cạnh đó là nhiều biến chứng máu nghiêm trọng dẫn đến chảy máu không ngừng, suy tủy,...

3. Đa u tủy xương có chữa khỏi được không?

Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn bệnh đa u tủy xương. Điều trị đa u tủy xương thường đòi hỏi một phương pháp kết hợp và được tùy chỉnh theo tình trạng sức khỏe cụ thể của từng bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân sẽ có phương pháp điều trị khác nhau tùy vào từng giai đoạn và mức độ của bệnh.

Theo thống kê của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, bệnh nhân mắc đa u tủy xương trung bình sống được 5,5 năm kể từ khi phát hiện bệnh và điều trị.

4. Cách chăm sóc người bệnh đa u tủy xương tại nhà

Chăm sóc người bệnh đa u tủy xương tại nhà là một phần quan trọng trong quá trình điều trị. Việc chăm sóc chu đáo sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn, tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ quá trình điều trị.

Người bệnh đa u tủy xương cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng như các thực phẩm giàu protein (thịt gà, cá, trứng, đậu...) để giúp phục hồi tổn thương tế bào, tăng cường sức đề kháng; Bổ sung các thực phẩm giàu sắt (thịt đỏ, rau xanh đậm, các loại hạt...) cải thiện tình trạng thiếu máu. Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như trái cây, rau củ, sữa... tăng cường sức đề kháng. Thực phẩm giàu chất xơ (rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt...) giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

5 câu hỏi thường gặp với bệnh đa u tủy xương- Ảnh 3.

Người bệnh đa u tủy xương nên tránh thực phẩm nhiều dầu mỡ và chất béo bão hòa.

Không nên cho người bệnh đa u tủy xương ăn nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, đồ uống có gas vì những thực phẩm này có thể gây khó tiêu, tăng cân.

Để được tư vấn xây dựng chế độ ăn phù hợp người chăm sóc bệnh nhân cần tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng và hỏi ý kiến bác sĩ.

Người bệnh đa u tủy xương cần được vệ sinh da sạch sẽ, tránh làm trầy xước da, gây nhiễm trùng. Dùng kem dưỡng ẩm giúp da mềm mại, tránh khô nẻ. Nên cho người bệnh súc miệng thường xuyên ngăn ngừa viêm nhiễm ở khoang miệng.

Người bệnh đa u tủy xương cần vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập thể dục nhẹ nhàng giúp tăng cường tuần hoàn máu, giảm đau nhức. Tuy nhiên, tránh vận động mạnh có thể gây đau xương, mệt mỏi. Giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái, lạc quan, khuyến khích bệnh nhân tham gia các hoạt động như đọc sách, nghe nhạc, trò chuyện...

Cần đưa người bệnh đi khám định kỳ, theo đúng lịch hẹn của bác sĩ, phát hiện sớm các dấu hiệu nhiễm trùng nếu có vết thương, cần vệ sinh sạch sẽ và theo dõi thường xuyên.

5. Chi phí khám điều trị bệnh đa u tủy xương

Bệnh đa u tủy xương có thể khám và điều trị tại các bệnh viện ung bướu hoặc cơ sở y tế có khoa ung bướu tuyến tỉnh, trung ương.

Các xét nghiệm như xét nghiệm máu, chụp X-quang, siêu âm, chụp CT, MRI, PET-CT... có chi phí khác nhau tùy theo người bệnh lựa chọn bảo hiểm y tế hoặc tự nguyện được công khai tại từng cơ sở y tế.

  • Mức chi phí cơ bản khi thực hiện tầm soát, điều trị đa u tủy xương theo mức thẻ bảo hiểm y tế được hưởng theo quy định.
  • Mức chi phí cơ bản khi thực hiện tầm soát đa u tủy xương tự nguyện, theo yêu cầu từ 5.000.000đ – 10.000.000 đồng.