6 tác dụng của cây hương thảo có lẽ bạn cũng chưa biết

Thảo Huyền

Cây hương thảo không chỉ đơn giản là một loại gia vị hay một loại hoa để trang trí. Hương thảo có nhiều lợi ích đối với cơ thể chúng ta, thế nên hương thảo cũng được sử dụng để làm dược liệu, hương liệu.

Những thông tin bạn cần biết về cây hương thảo

Cây hương thảo có tên tiếng anh là rosemary và tên khoa học là Rosmarinus officinalis. Cây hương thảo còn có tên gọi khác là cây dạ hương thảo hay cỏ hương thảo. Hương thảo có xuất xứ từ vùng Địa Trung Hải. 

Cây hương thảo có thân nhỏ, thường mọc thành bụi, lá màu xanh sẫm, hình dải, dẹp và có mép gập xuống. Phía trên mặt lá nhẵn, phía dưới có lông trắng. Hoa hương thảo có màu xanh lam. Điểm đặc trưng của hương thảo chính là mùi thơm nồng, đem lại cảm giác dễ chịu và thư thái.

Cây hương thảo mọc theo bụi và có hoa màu xanh lam

Cây hương thảo mọc theo bụi và có hoa màu xanh lam

Thành phần dinh dưỡng có trong hương thảo

Trong hương thảo có chứa nhiều phytochemical, đây là hoạt chất quan trọng giúp chúng ta chống lại bệnh tật và duy trì sức khỏe toàn cơ thể. Ngoài ra, phytochemical trong hương thảo có thể giúp cải thiện sức khỏe của mắt, điều chỉnh chức năng gan và giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn.

Bên cạnh đó, cây hương thảo còn là nguồn thực phẩm chứa các dưỡng chất tuyệt vời như axít pantothenic, niacin, thiamin, folate, riboflavin…Về thành phần dinh dưỡng, trong mỗi nhánh hương thảo chứa:

  • Đường: 0g

  • Chất đạm: 0,1g

  • Chất béo: 0,2g

  • Chất xơ: 0,4g

  • Carbohydrate: 0,6g

  • Calorie: 3,9

Tác dụng của hương thảo đối với sức khỏe

1. Chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống viêm

Theo nghiên cứu, cây hương thảo có đặc tính chống oxy hóa, kháng khuẩn và chống viêm nhờ vào hai hợp chất axít rosmarinic và axít carnosic có trong loại cây này.

Vì có khả năng chống oxy hóa nên axít rosmarinic thường được sử dụng như một chất bảo quản tự nhiên để tăng thời hạn sử dụng của các loại thực phẩm dễ hư hỏng. Ngoài ra, hai hợp chất axít rosmarinic và axít carnosic cũng có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm, nên trong y học cổ truyền hương thảo thường được dùng để kháng viêm và chữa lành vết thương.

Trong y học cổ truyền cây hương thảo được dùng để chữa lành vết thương

Trong y học cổ truyền cây hương thảo được dùng để chữa lành vết thương

2. Giúp giảm lượng đường trong máu

Đối với bệnh nhân tiểu đường, nếu không kiểm soát tốt lượng đường trong máu rất dễ dẫn đến các biến chứng đáng quan ngại. Một số nghiên cứu cho thấy axít carnosic và axít rosmarinic có trong hương thảo cho tác dụng tương tự cách insulin hoạt động. Ngoài ra các hợp chất này có thể làm tăng hấp thụ glucose cũng có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu.

3. Cải thiện tâm trạng và trí nhớ

Các hợp chất có trong cây hương thảo được chứng minh là có tác dụng giảm lo lắng, cải thiện tâm trạng, tăng khả năng tập trung và trí nhớ. Việc ngửi tinh dầu hương thảo hay uống trà hương thảo đều cho tác dụng tương tự. Chiết xuất hương thảo có thể cải thiện tâm trạng bằng cách cân bằng vi khuẩn đường ruột, giảm viêm ở phần hải mã của não bộ, đây là bộ phận trực tiếp tác động lên cảm xúc của chúng ta.Thế nên, nhiều người sử dụng tinh dầu hương thảo như một liệu pháp để kích thích hoạt động của não bộ, cải thiện tâm trạng và trí nhớ.

Sử dụng tinh dầu hương thảo như một liệu pháp cải thiện tâm trạng và trí não

Sử dụng tinh dầu hương thảo như một liệu pháp cải thiện tâm trạng và trí não

4. Cải thiện sức khỏe não bộ

Tinh chất trong cây hương thảo có thể bảo vệ sức khỏe não bộ bằng cách làm chậm quá trình lão hóa của tế bào não. Thậm chí, hương thảo có thể hỗ trợ phục hồi các tình trạng có thể dẫn đến tổn thương não như đột quỵ và ngăn ngừa các bệnh thoái hóa thần kinh như alzheimer.

5. Bảo vệ mắt và sức khỏe thị lực

Các nghiên cứu trên động vật và thực nghiệm khác chỉ ra rằng axít rosmarinic trong hương thảo làm chậm sự khởi phát của bệnh đục thủy tinh thể và ngăn ngừa tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra việc bổ sung tinh chất hương thảo vào các biện pháp điều trị thông thường có thể làm chậm quá trình thoái hóa điểm vàng do tuổi tác gây ra.

6. Hỗ trợ quá trình giảm cân

Các thành phần phytochemical của hương thảo ức chế hoạt động của lipase – một loại enzyme phân hủy chất béo để tạo ra lipid. Vì lipase không hoạt động nên không có sự phân hủy chất béo, bạn sẽ cảm thấy no lâu hơn. Việc này cũng phần nào giúp bạn giảm cân an toàn.

Cách sử dụng hương thảo

Cây hương thảo từ rất lâu đã đóng góp tên tuổi mình trong khu vườn ẩm thực của thế giới. Đây là một loại gia vị được hầu hết các đầu bếp ưa chuộng. Hương thảo có mùi hương thơm nồng đặc trưng rất thích hợp làm tăng hương vị các món thịt đậm mùi như cừu, bò, dê,… Ngoài ra hương thảo cũng được dùng trong một số món nướng hay áp chảo như pizza, beefsteak…

Hương thảo là gia vị quen thuộc trong các món phương tây

Hương thảo là gia vị quen thuộc trong các món phương tây

Ngày nay món trà hương thảo cũng khá phổ biến vì những lợi ích sức khỏe mà nó mang đến và hầu như chúng ta có thể sử dụng hương thảo hàng ngày. Chỉ cần một vài thao tác đơn giản như cách pha trà thông thường là bạn đã có một tách trà hương thảo thơm ngon và đầy dinh dưỡng.

Khi dùng hương thảo tươi bạn nên vò hơi nát lá để tăng thêm mùi hương. Hoặc bạn cũng có thể chọn mua lá hương thảo khô tại các cửa hàng bán gia vị. Tuy nhiên, hương thảo tươi vẫn được khuyên dùng vì hàm lượng tinh chất  thảo dược có trong hương thảo tươi sẽ cao hơn với loại đã sấy khô. Đối với loại sấy khô bạn nên bảo quản nơi khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời hay nhiệt độ cao và tốt nhất chỉ nên dùng trong 6 tháng.

Những ai không nên sử dụng hương thảo?

Cây hương thảo tốt là thế nhưng không phải ai cũng phù hợp để dùng hương thảo. Các bạn nên lưu ý không sử dụng cây hương thảo cho trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú. Những người có tiền sử bệnh động kinh hoặc người bị dị ứng với mùi hương thảo cũng không nên sử dụng loại cây này.

Trồng một chậu hương thảo sẽ giúp nhà bạn có hương thơm dễ chịu

Trồng một chậu hương thảo sẽ giúp nhà bạn có hương thơm dễ chịu

Dù cây hương thảo có rất nhiều công dụng hữu ích đối với sức khỏe, nhưng đây không phải là một loại thuốc để chữa bệnh. Trường hợp bạn muốn sử dụng lâu dài hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ. Nếu chỉ đơn giản yêu thích mùi hương của loại cây này bạn có thể trồng một chậu cây hương thảo trong nhà, vừa có tác dụng tỏa hương vừa giúp bạn xua đuổi côn trùng.

Ôn Tuyền