Sau đây là một số dấu hiệu phổ biến cho thấy thuốc chống trầm cảm không hiệu quả:
1. Cơ thể nhạy cảm với dung nạp thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm thường được dùng lâu dài (từ 6 đến 12 tháng hoặc lâu hơn). Nếu thuốc không còn hiệu quả như trước, có thể người bệnh đã phát triển khả năng dung nạp thuốc chống trầm cảm (cơ thể trở nên mất nhạy cảm với tác dụng của thuốc).
Xử trí: Cần báo cho bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp.
2. Hội chứng Serotonin
Hội chứng Serotonin là một phản ứng hiếm gặp với thuốc chống trầm cảm. Một số người phát triển hội chứng Serotonin nếu thuốc chống trầm cảm tương tác với các loại thuốc khác hoặc do quá liều.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người dùng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) có khả năng bị nhờn thuốc. SSRI là loại thuốc chống trầm cảm thường được kê đơn có tác dụng làm tăng nồng độ serotonin, một loại hormone kiểm soát tâm trạng.
Các triệu chứng bao gồm: Kích động, lú lẫn, nhịp tim nhanh, da ửng đỏ, tăng sự lo lắng, buồn nôn và nôn, bồn chồn, đổ mồ hôi.
Thường gặp các triệu chứng này trong vòng 24 giờ và biến mất sau khi ngừng thuốc chống trầm cảm.
Xử trí: Có thể giảm liều và đổi thuốc.
Không được tự ý ngừng dùng thuốc chống trầm cảm khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Ngừng thuốc chống trầm cảm đột ngột có thể dẫn đến các triệu chứng kích động, co giật, mất ngủ, buồn nôn…
3. Không ngủ đủ giấc
Thuốc chống trầm cảm có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Một số tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc chống trầm cảm là mất ngủ (khó ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ) và buồn ngủ. Ngủ quá nhiều hoặc quá ít đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và làm trầm trọng thêm các triệu chứng trầm cảm.
Xử trí: Nên trao đổi với bác sĩ để có cách điểu chỉnh kịp thời. Để kiểm soát những tác dụng phụ này, cần lưu ý:
- Tránh uống caffeine vào buổi chiều muộn và buổi tối.
- Tránh ngủ trưa sau 3 giờ chiều.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
- Thư giãn trước khi đi ngủ bằng cách đọc sách hoặc tắm nước ấm...
4. Khi dùng thuốc gặp các tác dụng phụ
Có thể gặp phải các tác dụng phụ khó chịu khi dùng thuốc chống trầm cảm. Một số tác dụng phụ phổ biến nhất bao gồm: Mờ mắt, chóng mặt, buồn ngủ, khô miệng, đau đầu, tăng sự lo lắng, mất ngủ, giảm ham muốn tình dục, buồn nôn, tăng cân…
Xử trí: Nếu các tác dụng phụ của thuốc ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, cần báo ngay cho bác sĩ để xử trí kịp thời. Nếu cần có thể đổi sang loại thuốc chống trầm cảm khác.
5. Quên uống thuốc
Việc quên uống một liều thuốc hoặc uống thuốc vào những thời điểm khác nhau trong ngày rất dễ xảy ra. Điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của thuốc.
Xử trí: Nên lập một thời gian uống thuốc nhất định trong ngày: Đặt đồng hồ, dùng ứng dụng nhắc uống thuốc…
6. Các triệu chứng bệnh không cải thiện
Thường mất khoảng 4 đến 8 tuần sau khi uống thuốc chống trầm cảm để thấy hiệu quả của thuốc. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng không cải thiện có thể thuốc đã không có tác dụng.
Xử trí: Cần báo cho bác sĩ để được điều chỉnh liều hoặc thay thuốc khác phù hợp hơn.
7. Các triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn
Thuốc chống trầm cảm không có tác dụng nếu các triệu chứng trầm cảm trở nên nghiêm trọng hơn sau khi dùng thuốc.
Các triệu chứng bao gồm: Đau nhức, thay đổi khẩu vị, rối loạn tiêu hóa, cảm thấy lo lắng, tuyệt vọng, cáu kỉnh/buồn bã, mất hứng thú với sở thích, ngủ quá nhiều hoặc quá ít, suy nghĩ tự làm hại bản thân, mệt mỏi…
Xử trí: Nếu gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào sau khi dùng thuốc, các triệu chứng bệnh trầm trọng hơn, cần báo ngay cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.