Không kiểm tra kỹ
Nói cách khác, nếu thư ứng tuyển của bạn mắc lỗi chính tả, lỗi đánh máy hoặc lỗi trình bày, nhà tuyển dụng sẽ “thẳng tay” loại bỏ. Bởi vì với họ, hồ sơ phải thực sự chỉn chu, trang trọng, thể hiện thái độ nghiêm túc và chuyên nghiệp của ứng viên. Nếu ngay cả việc đọc lại đơn để chỉnh sửa cho đúng chính tả mà bạn cũng không làm được, thì thử hỏi, làm sao họ có thể tin cậy ở bạn, với tư cách là một nhân viên của công ty?
Dài dòng
Các nhà tuyển dụng là những người bận rộn và họ sẽ không bỏ thời gian để nghe bạn “kể lể” về bản thân. Theo nhiều chuyên gia cho biết, hầu hết các ứng viên đều có xu hướng viết thư ứng tuyển quá dài dòng, với nhiều thông tin chi tiết và không cần thiết.
Bạn hãy đặt mình vào vị trí nhà tuyển dụng, khi họ phải lướt qua hàng chục thậm chí hàng trăm hồ sơ, họ sẽ mong muốn đọc một lá đơn ngắn gọn, có các thông tin quan trọng và được trình bày mạch lạc, sáng sủa.
Không nêu bật kỹ năng
Trong thế giới việc làm, dù là làm việc online hay trực tiếp thì trình độ chuyên môn và bằng cấp chưa đủ, các kỹ năng mới thực sự quan trọng. Nếu bạn chỉ liệt kê một cách chung chung các bằng cấp chuyên môn, bạn có thể bị đánh bật bởi những ứng viên biết làm nổi bật các kỹ năng của họ. Do đó, trước khi gửi thư ứng tuyển, hãy nghiên cứu về công ty và vị trí tuyển dụng. Từ đó, bạn có thể liên hệ đến kỹ năng của mình và trình bày chúng một cách khéo léo, mục đích để cho nhà tuyển dụng thấy rằng, các kỹ năng của bạn hoàn toàn phù hợp với yêu cầu công việc ở vị trí mà họ đang tuyển.
Có thời gian dài không làm việc
Thông thường, nếu nhà tuyển dụng có sự lựa chọn giữa một người hiện đang làm việc trong lĩnh vực phù hợp với yêu cầu của họ, và một người đã thất nghiệp hơn một năm, họ sẽ chọn người thứ nhất. Bởi vì họ suy luận rằng, những người đang làm việc khi chuyển sang công ty khác cũng sẽ dễ dàng bắt kịp tiến độ công việc và nhanh chóng thích nghi hơn.
Do vậy, bạn hãy tránh để mình thất nghiệp trong thời gian dài. Nếu không xin được việc làm phù hợp, bạn có thể cộng tác, làm việc bán thời gian tại nhà hoặc tham gia các khóa học… để trau dồi kỹ năng chuyên môn.
Không trung thực
Đây là một sai lầm phổ biến của những người tìm việc. Các chuyên gia nhân sự thường dễ dàng nhận ra những thông tin phóng đại, và họ cũng có thể tìm hiểu rõ hơn nếu cần. Ngay cả khi bạn tránh đưa ra thông tin về người tham khảo, nhà tuyển dụng vẫn có thể gọi điện cho những người từng làm việc với bạn và biết rõ sự thật về công việc của bạn trước đây. Bất kỳ thông tin sai sự thật nào cũng sẽ khiến bạn bị từ chối. Ngoài ra, điều đó còn có thể ảnh hưởng đến quá trình tìm việc sau này của bạn.
Yêu cầu quá cao
Thông thường người xin việc sẽ phải đưa ra mức lương mong đợi trong đơn ứng tuyển. Nhưng đôi khi bạn yêu cầu một mức lương cao hơn nhiều so với những gì bạn xứng đáng hoặc những gì công ty có thể cung cấp. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến bạn bị từ chối.
Có những lý do ngoài tầm kiểm soát
Có một số trường hợp, bất kể bạn có bao nhiêu kinh nghiệm hoặc bạn đã soạn thảo CV cẩn thận đến mức nào, bạn vẫn sẽ không nhận được cuộc gọi lại. Nguyên nhân phổ biến là, công ty đăng tin tuyển dụng nhưng sau đó họ lại quyết định tuyển dụng nội bộ.
Mặc dù không phải lúc nào bạn cũng có thể biết lý do tại sao thư ứng tuyển của mình không được chọn, nhưng hy vọng, những hướng dẫn này sẽ giúp bạn hạn chế việc bị từ chối và tìm được một công việc mơ ước.