An Hầu Đan quảng cáo như thuốc chữa bệnh?( Kỳ 2)

Biên tập viên

Chỉ là thực phẩm chức năng (TPCN) có tác dụng hỗ trợ và tăng cường sức khỏe nhưng sản phẩm An Hầu Đan, An Hầu Đan Kids lại quảng cáo có công dụng tối ưu hơn cả thuốc Tây, khiến người tiêu dùng (NTD) hoang mang, gây hiểu nhầm đây là thuốc chữa bệnh.

Có công dụng tối ưu hơn cả thuốc Tây?

Theo tìm hiểu của PV, An Hầu Đan và An Hầu Đan Kids là thực phẩm bảo vệ sức khỏe do CÔNG TY TNHH SẢN XUẤT DP CÔNG NGHỆ CAO ANOFRANCE sản xuất tại địa chỉ: Thôn Đô Quan, Xã Quất Động, Huyện Thường Tín, TP. Hà Nội và được phân phối bởi Công ty TNHH Y Dược Kinh Đô, địa chỉ số 12, ngách 34, ngõ 100, phố Hoàng Quốc Việt, phường Xuân La, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội theo đăng ký xác nhận công bố hợp quy ATTP số 41738/2017/ATTP-XNCB và số HS: 00988/2019/XNQC của sản phẩm An Hầu Đan Kids.

An Hầu Đan quảng cáo như thuốc chữa bệnh?( Kỳ 2) - Hình 1

Sản phẩm An Hầu Đan và An Hầu Đan Kids

Chỉ cần gõ cụm từ khóa An Hầu Đan là hàng loạt kết quả tại google Adwords với dòng chữ An Hầu Đan Kids - Điều trị viêm amidan, viêm VA, viêm họng trẻ em, giảm viêm họng, amindan không kháng sinh - An Hầu Đan... Nếu đọc những lời quảng cáo đó, không ít người mắc bệnh sẽ tin dùng sản phẩm và nghĩ đây là một loạt thuốc “điều trị, trị bệnh” viêm amidan, viêm VA, viêm họng - nhưng thực chất đây chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, có tác dụng giúp hỗ trợ giảm triệu chứng mà thôi. 

An Hầu Đan quảng cáo như thuốc chữa bệnh?( Kỳ 2) - Hình 2

An Hầu Đan Kids có khả năng điều trị bệnh?

Theo quy định của pháp luật, nghiêm cấm các đơn vị quảng cáo TPCN có thể gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc chữa bệnh hoặc dùng từ “chữa khỏi”, “điều trị”, “thoát khỏi”… để nói về tác dụng của TPCN. Với cách quảng cáo lập lờ của đơn vị sản xuất, phân phối đã khiến cho người tiêu dùng bức xúc vì bị… “qua mặt”.

NTD 'hoa mắt' trong ma trận quảng cáo

Không chỉ sử dụng các từ ngữ lập lờ, chung chung gây hiểu nhầm cho NTD, nhiều nội dung còn sử dụng bài viết chia sẻ, video của bệnh nhân để quảng cáo cho sản phẩm nhằm tạo sự tin tưởng đối với người đọc. Ví dụ như những bài chia sẻ sau: “Thầy giáo dạy toán cùng con gái cùng sử dụng An Hầu Đan để thoát khỏi viêm amidan mãn tính chỉ sau 1 tháng; Chồng đi xuất khẩu lao động, mình mẹ cùng An Hầu Đan giúp 2 con khỏi viêm VA mãn tính sau 2 tuần”… Nội dung trong các bài viết này, bên cạnh việc thông tin về bệnh lý thì đều “đính kèm” phần nội dung khẳng định, ca tụng công dụng của sản phẩm trên. 

An Hầu Đan quảng cáo như thuốc chữa bệnh?( Kỳ 2) - Hình 3An Hầu Đan quảng cáo như thuốc chữa bệnh?( Kỳ 2) - Hình 3

Liệu sản phẩm có thực sự “thần thánh” như bài quảng cáo? 

Sản phẩm này còn được quảng cáo với những lời có cánh như “Bất hoạt virus gây bệnh: bất hoạt virus, diệt vi khuẩn là nguyên nhân gây viêm amidan, viêm VA, viêm họng giúp hạn chế sử dụng kháng sinh; Giúp giảm nhanh tình trạng khó chịu: ho dai dẳng, nôn trớ, khò khè, ngủ ngáy, sưng đau họng ở trẻ; Chấm dứt tình trạng viêm sau 7-10 ngày mà không cần phải sử dụng kháng sinh bổ sung”… Đến cuối bài viết, DN cũng không quên “nhắc khéo” đến thông tin mua sản phẩm An Hầu Đan và An Hầu Đan Kids, các địa chỉ có thể mua sản phẩm và kèm theo đó là số điện thoại lên hệ.

Ngoài việc sản phẩm An Hầu Đan và An Hầu Đan Kids được quảng cáo với đủ các loại công năng giống như một loại thuốc chữa bệnh khiến cho NTD phải “hoa mắt ”, DN đã cố tình vi phạm luật quảng cáo để lấy niềm tin từ khách hàng. Cụ thể, theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP tại Chương VIII, khoản 2 trong điều 27 có quy định rõ “Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.

Để tìm hiểu rõ hơn về sản phẩm, phóng viên (PV) đã thử tìm hiểu và có những ghi nhận hết sức rõ ràng về sản phẩm. Khi PV gọi điện đến số tổng đài 18006523 trên website https://anhaudan.com, dù tiếng chuông đổ dài nhưng không ai nhấc máy, khi vừa cúp máy thì có một số điện thoại 08661131xx gọi lại và tự xưng là người của Công ty tư vấn về sản phẩm An Hầu Đan Kids.

Khi PV trình bày con của mình bị viêm VA có mủ đang dùng kháng sinh do bác sĩ kê đơn, nhân viên này khuyên PV: “Em cho cháu dừng thuốc kháng sinh, vì dùng thuốc kháng sinh sẽ không làm giảm các nguyên nhân gây bệnh, cụ thể là không có tác dụng trực tiếp là giảm hết các ổ viêm. Nên em thay vào đó dùng An Hầu Đan Kids sau 3 đến 4 tháng là khỏi hoàn toàn. Nếu con bị sốt trên 38 độ 5 trở lên thì em tăng 4 ống sử dụng cho 1 ngày để bé giảm sốt. Công ty đang có chương trình khuyến mãi, em mua 5 hộp sẽ được tặng 1 hộp”.

Các nội dung quảng cáo còn khuyên người bệnh không cần dùng tới kháng sinh như trong bài viết “Những đặc tính nổi trội của An Hầu Đan Kids trong hỗ trợ điều trị viêm amidan, VA ở trẻ nhỏ” có đoạn: “An hầu đan là sự kết tinh của các loại thảo dược quý của người Việt. Nổi bật nhất là thành phần cúc lục lăng - thảo dược chứa kháng sinh tự nhiên, khắc tinh của viêm amidan, viêm VA, giúp bất hoạt virus hiệu quả nhanh chóng, đẩy lùi nguyên nhân gây bệnh mà không cần phải sử dụng đến kháng sinh”.

An Hầu Đan quảng cáo như thuốc chữa bệnh?( Kỳ 2) - Hình 4 

Đẩy lùi nguyên nhân gây bệnh mà không cần phải sử dụng đến kháng sinh

An Hầu Đan quảng cáo như thuốc chữa bệnh?( Kỳ 2) - Hình 5

Sử dụng hình ảnh của Chủ tịch Nam Y Việt Nam nói về An Hầu Đan, liệu nội dung này đã được cơ quan chức năng xác nhận nội dung quảng cáo hay chưa? 

Không cần qua bất kỳ bước thăm khám nào, “dược sĩ” của DN cũng có thể tư vấn dùng sản phẩm luôn và khuyên dừng kháng sinh.

Mặc dù TPCN chỉ là sản phẩm hỗ trợ, tăng sức đề kháng nhưng DN cố tình sử dụng từ ngữ mang tính chất lập lờ, chung chung khiến cho NTD hiểu nhầm sản phẩm như một loại thuốc chữa bệnh và có thể điều trị các căn bệnh về viêm họng, viêm VA…

Tại Khoản 4, Điều 5, Nghị định 181/2013/NĐ-CP về việc Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo 2012 cũng nêu rõ: “4. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc”.

Né tránh báo chí?

Để có những thông tin chính xác nhất về những phản ánh trên, PV đã liên hệ làm việc với Công ty TNHH Y Dược Kinh Đô. PV nhận được lịch làm việc với ông Nguyễn Đăng Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Y Dược Kinh Đô. Tại đây, ông Bằng nói: “Đề nghị xuất thẻ Phóng viên, thẻ PV đâu? Không có thẻ PV anh không làm việc”.

Khi PV cho biết, đã có giấy giới thiệu làm việc do Tòa soạn cấp, đồng thời nhận được lời mời từ nhân viên phía Công ty đến trụ sở công ty làm việc, PV đã xuất trình đầy đủ giấy tờ theo đúng quy định của báo chí thì ông Bằng gạt đi và nói: “Anh không có nhu cầu nghe giải thích, không có thẻ PV, không làm việc, vậy thôi”.

Thiết nghĩ, với những hành vi nêu trên, liệu DN quảng cáo những sản phẩm này như thuốc chữa bệnh có đang vi phạm các quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng nói riêng và Luật Quảng cáo nói chung? Tại sao các cơ quan có thẩm quyền cho đến giờ vẫn làm ngơ cho những sai phạm này?

Theo THCL