Báo động đạo đức xuống cấp và sự gãy đứt văn hóa gia đình

Biên tập viên

Nhiều án mạng gần đây liên tiếp xảy ra, nạn nhân là những người ruột thịt. Tất cả đều phải trừng trị theo pháp luật. Trong một xã hội ngày càng văn minh, phát triển mà nhiều gia đình vẫn xảy bi kịch.

Thiếu phụ bất hạnh khi gặp gã chồng độc ác

Khi vừa đáp chuyến bay từ TP HCM về đến sân bay Chu Lai (Quảng Nam), đối tượng Trần Thái Phúc (43 tuổi, quê quán thôn Cù Và, xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đã chủ động gọi điện thoại liên hệ với Công an huyện Sơn Tịnh để đầu thú về hành vi giết người. Nạn nhân là chị Trần Thị Huyền Trang (33 tuổi, quê Nam Định)- người vợ đã sinh cho Phúc 2 đứa con phải uổng mạng dưới tay Phúc vào ngày 27 Tết Nguyên đán vừa qua.  

Trước đó, Công an huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) tiếp nhận đơn trình báo của bà Nguyễn Thị Dinh (56 tuổi, trú ở xóm Hồng Phong 2, xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) về việc con gái bà là Trần Thị Huyền Trang (33 tuổi) bị mất tích sau khi về quê chồng tại thôn Cù Và, xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, ăn Tết Nguyên đán.

Gia đình bà Dinh đã nhiều lần liên lạc qua số điện thoại của chị Trang nhưng không được, hỏi chồng chị Trang là Nguyễn Thái Phúc thì anh con rể ậm ờ cho rằng chị Trang bỏ nhà đi đâu không rõ. Mặc dù chị Trang bỏ đi nhưng chứng minh nhân dân và đồ dùng, trang sức cá nhân của chị Trang vẫn còn ở nhà Phúc. Nhận thấy sự mất tích của chị Trang có nhiều bí ẩn, gia đình bà Dinh nghi con gái mình đã bị thủ tiêu.

Từ tin báo của gia đình bà Dinh, Công an huyện Sơn Tịnh đã khẩn trương vào cuộc điều tra. Tuy nhiên, khi đến nhà Trần Thái Phúc thì được biết, sau Tết Nguyên đán, Phúc cùng 2 con chung với chị Trang và mẹ đẻ đã vào TP HCM làm ăn.

Nhiều án mạng gần đây liên tiếp xảy ra, nạn nhân là những người ruột thịt

Với sự hỗ trợ tích cực của Công an TP HCM, Công an huyện Sơn Tịnh đã xác định được nơi tạm trú của Trần Thái Phúc ở quận Tân Phú và yêu cầu Phúc về Quảng Ngãi làm việc với cơ quan Công an vào ngày 9/4 về việc người vợ bị mất tích. Biết sớm muộn công an sẽ phát hiện ra hành vi của mình, cộng với sự ân hận nên ngày 8/4 Phúc đã về quê tự thú hành vi giết vợ rồi phi tang trong một bi đựng nước phía sau nhà.

Theo lời khai của Phúc, trước năm 2005, Phúc từ Quảng Ngãi vào TP HCM làm ăn rồi quen và yêu chị Trang (quê Nam Định) vào đây mưu sinh. Hai người kết hôn năm 2006. Năm 2007, chị Trang sinh con gái đầu lòng, Phúc đưa vợ con về quê sinh sống. Đến năm 2013, vợ chồng Phúc đưa con cùng mẹ ruột vào lại TP HCM, thuê nhà tại quận Tân Phú để làm nghề buôn bán vải. Năm 2015, chị Trang sinh thêm một con trai…

Hàng ngày vợ chồng Phúc ra chợ buôn bán, mẹ Phúc trông 2 cháu. Kinh tế gia đình Phúc đủ chi tiêu, quan hệ giữa mẹ Phúc và chị Trang không có mâu thuẫn gì lớn có thể gọi là chuyện “mẹ chồng- nàng dâu”, cuộc sống nói chung là dễ chịu. Vậy mà chỉ trong một phút nóng giận thiếu kiềm chế, cộng với “ma men” dẫn lối, Phúc đã đoạt mạng người vợ của mình.

Đến ngày 13/1/2017, vợ chồng Phúc cùng 2 con và mẹ về Quảng Ngãi ăn Tết. Ngày 24/1/2017 (tức 27 tháng Chạp năm Bính Thân) sau khi ăn trưa ở nhà hàng xóm cùng thôn, hai vợ chồng Phúc trở về nhà. Lúc này khoảng 14h, chị Trang pha sữa cho con trai nhỏ uống và nhờ mẹ chồng tiếp tục cho uống để ru ngủ cháu, còn mình đi giặt đồ.

Đang ở nhà dưới, nghe tiếng khóc của con do bị nôn sữa, chị Trang liền to tiếng với mẹ chồng. Cho rằng vợ cư xử hỗn láo với mẹ mình, Phúc chửi vợ nhưng chị Trang cãi lại, hai vợ chồng cãi vã.

Thấy vậy, mẹ của Phúc bỏ đi. Sẵn trong người có hơi men, Phúc liền xuống sau nhà thấy sẵn có 1 cây nhíp xe ôtô dựng ở trong bếp liền mang với ý định dọa đánh vợ nhưng chị Trang vẫn không chịu bớt lời. Tức giận, Phúc liền cầm thanh nhíp đánh thẳng vào đầu chị Trang làm chị ngã ngửa ra phía sau. Lúc này thấy chị Trang vẫn còn la lối, Phúc liền lao đến đè chị Trang rồi dùng 2 tay bóp cổ, được khoảng 2 phút không thấy chị Trang động đậy thì Phúc bỏ tay ra.

Biết vợ đã chết, Phúc lôi thi thể vợ giấu xuống bếp rồi lau sạch vết máu trên nền nhà. Tiếp đó Phúc tháo toàn bộ nữ trang trên trên người chị Trang ra bỏ vào bao nilon đem giấu ở dưới đất trong phòng ngủ, để 2 viên gạch đè lên. Còn điện thoại di động của vợ, Phúc tháo lấy sim để trên tủ, vỏ máy bỏ vào hốc phía chân tường nhà bếp…

Đến khoảng 17h cùng ngày, mẹ Phúc về hỏi chị Trang đâu thì Phúc trả lời sau khi vợ chồng cãi nhau, Trang đã bỏ đi rồi.

Tối cùng ngày, Phúc bí mật đem thi thể vợ bỏ vào chiếc bồn nước bỏ hoang sau nhà, rồi dùng mền, áo ấm ủ lại, sau đó xúc cát phía trước nhà đổ vào lấp đầy. Đến sáng 25/1, lợi dụng nhà vắng người, Phúc mua xi măng trộn hồ đổ vào chiếc bồn nước nhằm ngăn mùi hôi và để tránh phát hiện. Những ngày sau đó, Phúc vẫn sinh hoạt bình thường.

Đến ngày 9/2, Phúc đưa 2 con và mẹ ruột vào lại TP HCM để tiếp tục buôn bán vải, nếu có ai hỏi vợ đâu thì Phúc dửng dưng trả lời rằng vợ mình cãi nhau với chồng rồi giận dỗi bỏ đi đâu không rõ.

Ngay trong đêm 8/4, cùng với việc lấy lời khai hung thủ, cơ quan điều tra đã tổ chức khám nghiệm hiện trường, khai quật nơi giấu xác chị Trang. Cơ quan điều tra đã thu giữ được các đồ vật như sim điện thoại, vỏ điện thoại, giấy CMND, quần áo cũng như đồ trang sức của nạn nhân. 

Hiện Công an huyện Sơn Tịnh đã chuyển hồ sơ và đối tượng Trần Thái Phúc cho cơ quan Công an tỉnh Quảng Ngãi tiến hành điều tra theo thẩm quyền. 

Trước đó, ngày 14/4, Công an quận 9 (TP HCM) tạm giữ Đoái Phước Thiện (33 tuổi, quê Cà Mau) về hành vi Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.

Bốn hôm trước Thiện đưa vợ là chị Huyền (24 tuổi) vào Bệnh viện Quân Y miền Đông (quận 9) cấp cứu nhưng không qua khỏi. Anh ta tỏ vẻ đau khổ, nói không biết vì sao vợ tử vong. "Ngủ dậy thấy vợ tím tái nên tôi nhờ hàng xóm, cùng đưa đến bệnh viện", Thiện cho biết.

Tuy nhiên, giám định pháp y xác định chị Huyền tử vong do chấn thương sọ não, có tác động ngoại lực, người có nhiều vết tụ... Hàng xóm cho hay vợ chồng nạn nhân thường xảy ra cãi vã. Cảnh sát nghi ngờ Thiện liên quan đến cái chết của vợ.

Sau 3 ngày làm việc với cơ quan điều tra, Thiện khai, hai vợ chồng vừa từ Vũng Tàu lên Sài Gòn thuê trọ. Khuya 10/4, Thiện đi nhậu về gặp đứa em đang uống cùng bạn, nên tiếp tục ngồi lai rai. Một lúc sau chị Huyền từ tầng một xuống tỏ vẻ không hài lòng, nhóm bạn nhậu của Thiện bỏ về.

Cho rằng vợ làm "mất mặt", Thiện lên lầu cự cãi, đẩy chị Huyền ngã đập đầu vào tường. Mặc vợ khóc, hắn bỏ xuống dưới nhà. Gần sáng quay lên, Thiện thấy Huyền nằm bất động, da tím tái nên đưa đi cấp cứu.

Về các vết bầm tím trên cơ thể nạn nhân, Thiện cho biết đã đánh vợ hồi cuối tháng 3 khi bàn bạc chuyện thuê phòng khác.

Tiếng chuông báo động…

Lịch sử phát triển xã hội Việt Nam trải qua nhiều thăng trầm nhưng có lẽ chưa bao giờ xảy ra nhiều chuyện đau lòng và vô nhân tính như bây giờ. Sự xuống cấp về đạo đức không còn chỉ là thứ dùng để mà phê phán nữa, mà mỗi người trong xã hội dù đứng ở bất kể địa vị nào, tầng lớp nào, công việc nào có lẽ nên lặng nhìn lại lương tâm của mình, trách nhiệm của mình với xã hội. Bởi ngày càng nhiều vụ án con cháu hành hung, giết hại ông bà bố mẹ, những điều mà trước đây chưa từng xảy ra.

Đối với bất kỳ một vụ trọng án nào, các cơ quan tiến hành tố tụng bao giờ cũng phải cố gắng chứng minh được động cơ phạm tội của hung thủ. Từ đó mới có căn cứ kết tội nhằm trừng trị, giáo dục và cảm hóa bị cáo sau này. Đó cũng là yêu cầu, là tiền đề trong công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm. Thế nhưng thấy được những gì và rút ra được những gì sau hàng loạt vụ án mạng gia đình thời gian gần đây là điều không dễ.

Dưới góc độ của nhà xã hội học, TS Trịnh Hòa Bình, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội, Viện KHXH Việt Nam lại cho rằng, nguyên nhân của sự xuống cấp về đạo đức này là do khủng hoảng về giá trị sống và sự suy giảm các chức năng cơ bản của gia đình. Trước sự tác động nhiều chiều của xã hội hiện đại, trước guồng quay gấp gáp của đời sống đã khiến cho các thiết chế cơ bản của gia đình bị suy giảm một cách nặng nề.

Thiết chế gia đình có 4 chức năng cơ bản (sinh sản, giáo dục, kinh tế và tình cảm) thì hiện nay có đến 2/4 chức năng bị suy giảm, đó là chức năng giáo dục và chức năng tình cảm. Thời chiến tranh "gặp nhau lần nào cũng vội" nhưng cả xã hội cùng có chung lý tưởng cao đẹp là bảo vệ đất nước. Bây giờ xã hội hiện đại cũng "gặp nhau lần nào cũng vội" nhưng là vì kiếm sống, vì áp lực đồng tiền.

Vẫn biết rằng chuyện mâu thuẫn vì nhiều nguyên nhân khác nhau như bất đồng quan điểm, tranh giành quyền lợi, ghen tuông, hay vì bản tính thay đổi của chồng hoặc vợ, thậm chí cả những chuyện hết sức nhỏ nhặt… thì có lẽ chẳng gia đình nào tránh khỏi. Nhưng những vụ án mạng xảy ra gần đây từ những mâu thuẫn trong đời sống gia đình có vẻ ngày càng gia tăng với hậu quả hết sức đau lòng.

Thực trạng này có thể nói đã phần nào phản ánh một vấn đề xã hội đang nhức nhối hiện nay, đó là bi kịch gia đình. Khi mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình không thể dung hòa sẽ dễ dẫn đến những hậu quả khó lường. Chỉ vì một phút tức giận bộc phát, nông nổi, không kiềm chế được bản thân, hay sự ghen tuông mù quáng, người chồng, người vợ hay các thành viên khác bỗng nhiên trở thành kẻ sát nhân sát hại người thân, kẻ đầu ấp tay gối của mình.

Xuân Nguyên

Xuân Nguyên