Gắn mác "văn hoá vùng miền" để câu view?
Chỉ cần gõ từ khoá "ăn cá sống" trên Youtube, rất nhiều video với tiêu đề và hình ảnh "gây sốc" sẽ hiện ra. Nào là "món ăn kinh dị", nào là "đặc sản Tây Bắc",… rất nhiều tiêu đề được đặt để thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhóm người này bắt cá ở ao, hồ, đầm lầy, rồi chế biến và ăn sống ngay trên bờ. Giữa một môi trường không được sạch sẽ, cách ăn uống nhồm nhoàm, máu vẫn dính trên miệng của người ăn, những hình ảnh này đã thực sự gây phản cảm đối với người xem. Liệu đây có thực sự là văn hoá vùng miền hay chỉ là chiêu trò câu view của một số bạn trẻ muốn nổi tiếng, muốn kiếm tiền?
Các video với tiêu đề và hình ảnh "gây sốc" xuất hiện tràn lan trên Youtube
Không chỉ là ăn cá sống, những video ăn pịa dê, pịa bò, hay ăn rết, ăn cua sống... cũng xuất hiện nhiều trên Youtube, thu hút lượt xem không hề nhỏ, có video được cả vài triệu view.
Liên hệ với chủ tài khoản kênh Youtube Sapa TV, nguời này cho biết: "Có nhiều người thấy tôi sử dụng hình ảnh đồ ăn sống thì cảm thấy sợ hãi, phản cảm. Nhưng đó là tôi muốn hoà đồng với bà con, chứng mình rằng món ăn của họ không đáng sợ như các bạn nghĩ. Nó góp phần tạo nên văn hoá ẩm thực đa dạng của Việt Nam".
Bên cạnh những video gắn mác "văn hoá vùng miền" thì cũng có nhiều kênh Youtube khẳng định đây chỉ là phong cách ăn uống chủ quan của người làm video, không đại diện cho văn hoá vùng miền nào. Thế nhưng dù với mục đích gì, nhiều video vẫn khiến cộng đồng mạng phẫn nộ, thậm chí kêu gọi tẩy chay.
Một tài khoản Youtube bức xúc bình luận: "Cá nhảy của người Thái được coi là món ăn tao nhã, người ta chọn những con cả nhỏ, thường là cá suối nước trong và sạch, loại cá nhỏ, ruột nhỏ, ít tiếp xúc với bùn, bắt về thả vào chậu nước sạch 1, 2 ngày và thay nước liên tục cho sạch hết bùn, sau đó rửa sạch và lại cho vào chậu nước sạch, trước khi ăn thì pha nước chấm. Nước ngâm cá không thể thiếu nước măng chua để khử hết mùi tanh của cá và tác dụng của nước chua là tiêu diệt hết vi khuẩn có hại trên con cá. Bên cạnh đó, có thêm các loại lá và gia vị để chống tanh, chống đau bụng, diệt giun sán, lá cuốn cá, khi ăn thì trộn các loại gia vị, các loại rau, lá băm nhỏ, thả cá vào bát nước măng chua để cá ngấm. Sau đó cho vào lá cuốn, chấm với nước chấm đã chuẩn bị. Khi ăn thì cũng nhai nhẹ nhàng, tao nhã. Còn các ông ăn thì ăn toàn cá to, nhai ngấu nghiến, đừng xúc phạm ẩm thực Tây Bắc như thế, làm ơn!".
Là người có nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực văn hoá ẩm thực, đồng thời cũng vừa có chuyến khảo sát 10 ngày trên vùng núi Tây Bắc, Tiến sĩ Vũ Thế Long (Hiệp hội Văn hoá Ẩm thực Việt Nam) rất bức xúc khi nhắc đến trào lưu "lố bịch" này của các Youtuber: "Cái ăn sống là có trong ẩm thực của người Việt. Không những các dân tộc thiểu số mà cả người Kinh cũng có 1 số món ăn sống. Nhưng mà ăn sống văn minh, chứ không phải mò con cua con cá cho ngay vào mồm".
"Tôi nghĩ có 1 nhóm các bạn trẻ có thể họ thích thú những chữ lạ, rồi có trò muốn câu view. Cho nên chúng ta không thể ăn bừa ăn bãi và nói đấy là dân tộc. Tôi cho đấy là không biết gì. Những hành động như thế là tuyên truyền lối sống bẩn thỉu, phản khoa học, phản vệ sinh, cần lên án".
Hiểm hoạ khôn lường tới sức khoẻ
Thực tế, không chỉ ở vùng cao, mà các vùng miền khác ở Việt Nam và nhiều nơi thế giới đều có những món ăn sống, điển hình là cá hồi. Thế nhưng họ phải biết cá hồi được nuôi trồng trong vùng nước không có mầm bệnh. Trong quá trình chế biến cũng phải đảm bảo không có nguy cơ nào ô nhiễm đến miếng thịt cá, thì khi đó mới sẵn sàng để dùng cá hồi ăn sống.
Theo PGS. TS Phạm Ngọc Châu (Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Vệ sinh y học dự phòng, Học viện Quân y), việc tuỳ tiện ăn cá sống như thế rất dễ nhiễm kí sinh trùng, trong đó có sán lá gan bé và còn nhiều kí sinh trùng khác nữa. Nếu không may vùng ấy đang xảy ra dịch tiêu chảy, dịch tả, hay dịch lị, thì chắc chắn những người ăn kiểu như thế sẽ nuốt mầm bệnh vào trong người, tỉ lệ mắc bệnh sẽ rất cao. Việc ăn hẳn một con cá sống còn đang rẫy sẽ có nguy cơ bị hóc xương cá, gây tắc nghẽn đường thở và dẫn đến tử vong.
Trước đây, trẻ em miền núi rất hay bị nhiễm sán lá phổi do ăn cua dù đã nướng chín. Ăn chín uống sôi cũng không chắc chắn được về vệ sinh an toàn thực phẩm hống chi là "ăn tươi nuốt sống".
Sự khác biệt rõ rệt của thời đại văn minh và thời tối cổ chính là việc biết dùng lửa để nấu chín thức ăn, để con người không phải "ăn lông ở lỗ" nữa. Thế mà chỉ vì một vài giây phút vui vẻ, một chút thách thức nhau, hay chỉ vì vài chục nghìn view, mà những bạn trẻ làm ra những video "ăn tươi nuốt sống" ghê rợn như vậy. Thật đáng tiếc cho sức khoẻ của chính các bạn, và cũng đáng tiếc cho những văn hoá vùng miền đang bị biến tướng bởi chính những người con bản địa.