Bát nháo “chợ trời” luyện thi đánh giá năng lực đại học Quốc gia TP.HCM

Thảo Huyền

Sau khi bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) tuyên bố, mức độ phân hóa của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 chỉ phục vụ tốt nghiệp, nhiều học sinh dự định thi vào các trường của đại học (ĐH) Quốc gia TP.HCM đăng ký tham dự kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) của đơn vị này. Từ đó, nhiều dịch vụ mua bán tài liệu, ôn luyện thi diễn ra ồ ạt nhưng chất lượng không ai đảm bảo.

Tràn lan quảng cáo, mập mờ chất lượng

Không quá khó để học sinh tìm thấy và tham gia các nhóm luyện thi đánh giá năng lực trên mạng, phổ biến nhất là mua bộ đề thi và học trực tuyến.

Nhập vai học sinh lớp 12 có nhu cầu luyện thi ĐGNL, PV Người Đưa Tin Pháp Luật được nhân viên tổng đài trang Tuyển sinh 247 tư vấn, sản phẩm bộ đề thi ĐGNL giá 499.000 đồng có thể mua bằng nhiều hình thức như: Chuyển khoản qua ngân hàng, ví điện tử hoặc thu tiền tại nhà.

Khi hỏi về chất lượng, người này nói chung chung: “Dựa vào cấu trúc đề đã công bố để làm ra nhiều đề khác”, hay “nhiều giáo viên cùng nhau soạn ra 20 đề, tập hợp các môn khác nhau” chứ không thể đưa ra danh tính cụ thể.

Nhiều nơi công khai rao bán bộ đề thi ôn luyện “ăn theo” ĐH Quốc gia TP.HCM.

Đáng chú ý, khi PV liên hệ với công ty TNHH Đầu Tư Giáo Dục Trí Tuệ Tài Năng (địa chỉ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) thì công ty này ra giá cho gói 10 đề thi là 300.000 đồng. Sản phẩm được khẳng định là “được biên soạn bởi các thầy cô có kinh nghiệm tại TP.HCM, được kiểm định bởi các thạc sĩ, tiến sĩ”.

Tuy nhiên, nơi này cũng giấu diếm tên tuổi của các giáo viên. “Đội ngũ thầy cô công ty là bảo mật, không tiết lộ”, nhân viên tư vấn cho hay.

Tương tự, với khóa học luyện thi ĐGNL có giá 1,6 triệu đồng, nhân viên tư vấn tên Nhung của hệ thống Học Mãi cho biết, các thầy cô của họ “trước khi giảng dạy khóa học này đã vào TP.HCM đã tham gia kỳ thi ĐGNL để xem hình thức, cấu trúc, cách chấm điểm”. Vì thế, đơn vị này rất tự tin về chất lượng khóa học của mình, người mua “sẽ có 10 đề thi, bám sát chuẩn đề thi bên ấy (PV - ĐH Quốc gia TP.HCM)”.

Dù sản phẩm bộ đề luyện thi có giá khá cao nhưng người bán không tiết lộ danh tính đội ngũ biên soạn.

Thí sinh cần phải tỉnh táo

Trước hiện tượng này, PV đã có cuộc trao đổi chi tiết với TS. Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM).

“Năm nay rất đặc biệt, do dịch Covid-19 nên chúng ta phải lùi thời gian học tập và thi cử. Dẫn đến, trong thời gian ngắn, học sinh phải thi cử rất nhiều như thi học kỳ, thi THPT Quốc gia. Vì thế, chúng tôi thống nhất với ngành giáo dục, xin ý kiến Chính phủ để tổ chức kỳ thi ĐGNL phù hợp nhất với tình hình thực tế”, TS. Chính lý giải.

Đối với việc ôn thi, ông Chính nhấn mạnh : “ĐH Quốc gia TP.HCM không tổ chức luyện thi cũng như rao bán đề ôn tập. Chúng tôi chỉ công bố đề thi mẫu hằng năm để thí sinh tham khảo, ngay cả đề thi chính thức cũng không công bố, thí sinh làm bài xong không được mang đề ra ngoài. Do đó, việc trên mạng tổ chức rao bán đề nếu có gắn mác của ĐH Quốc gia TP.HCM là giả mạo, vi phạm pháp luật”.

Dù vậy, đại diện Trung tâm này cho rằng, việc trình báo không phải là trách nhiệm của ĐH Quốc gia TP.HCM. “Chúng tôi chỉ là đơn vị tổ chức, còn quản lý dịch vụ liên quan học tập thuộc về cơ quan Nhà nước. Những người sử dụng dịch vụ đó nếu cảm thấy không đúng như quảng cáo, họ có khả năng trình báo. Chỉ khi bị mượn danh, bị ảnh hưởng uy tín, chúng tôi sẽ có biện pháp cụ thể”, ông Chính nói.

Thí sinh nên có tinh thần chủ động học tập thay vì mong chờ việc luyện thi để có kết quả cao.

TS Nguyễn Đức Chính cũng nhận định: “Lời cam kết của các trang rao bán bộ đề, khóa học mang tính quảng bá nhiều hơn là căn cứ vào khoa học. Những địa điểm đó có đáng tin cậy hay không, những nội dung đó có giúp nâng cao năng lực hay không, các thí sinh cần phải tỉnh táo”.

Về đề thi năm nay, ông Chính cho hay cấu trúc đề thi, độ khó và tính phân loại của đề thi năm nay giữ ổn định so với đề thi các năm trước. Đa số câu hỏi của đề dưới dạng cung cấp kiến thức, cũng sẽ có những câu mở rộng nhưng luôn là những kiến thức cơ bản mà thí sinh đã từng học qua, chỉ có khoảng 6%-7% câu hỏi về hiểu và nhớ kiến thức. Những câu này cũng sẽ không đề cập đến những nội dung bộ GD&ĐT đã giảm tải vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên học sinh có thể yên tâm.

“Mục đích kỳ thi là để tất cả thí sinh, dù ở hoàn cảnh nào đều có thể tự học. Những gì có trong bài thi ĐGNL đều hỏi về kỹ năng cơ bản nhất là khả năng đọc hiểu, sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic. Chúng tôi hướng đến các học sinh chủ động, rèn luyện có hệ thống, có quá trình chứ không hướng đến việc luyện thi. Nên phần lớn thí sinh không cần tham gia lớp luyện thi vẫn sẽ làm tốt bài thi của chúng tôi”, TS. Chính kết luận.

Manh nha những kiểu biến tướng

Một cựu giáo viên trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) đánh giá, không chỉ năm nay mà năm sau, chuyện mua bán đề ôn tập, khóa luyện thi sẽ còn phát triển vì kỳ thi nào cũng có cạnh tranh. Nhưng khóa ôn thi này không thể dạy offline vì phải quy tụ nhiều giáo viên nên chỉ có thể tổ chức online.

Người nay còn tiết lộ, đã có một giáo viên dạy Toán tổ chức ôn luyện nhưng các đề thi được làm ra bởi các học sinh cũ, trợ giảng của mình. Có những nơi thu học phí rất cao, dạy online lại thu học phí như offline với vài triệu đồng, lợi dụng đặt điểm là nội dung mới mẻ, chưa nhiều người làm.