Bệnh nhân COVID-19 số 314 ở Việt Nam là người trở về từ Nga, đã cách ly ngay khi nhập cảnh

Thảo Huyền

Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã ghi nhận thêm 1 ca mắc mới COVID-19. Đây là hành khách về nước từ Nga, đã cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Như vậy, đến thời điểm này Việt Nam có 314 ca bệnh. Hôm nay, Việt Nam cũng bước sang thứ 30 không có ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng

Theo thông báo từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hải Dương, kết quả xét nghiệm chiều ngày 15/5/2020 của Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương đã phát hiện thêm một ca dương tính với SARS-CoV-2 trong số hành khách về nước trên chuyến bay mang số hiệu VN0062 từ Nga hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh ngày 13/5. Hành khách này được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Thông tin cụ thể như sau:

CA BỆNH 314 (BN314): Bệnh nhân nữ, 62 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Bệnh nhân từ Nga về Việt Nam trên chuyến bay VN0062, số ghế 53B.

Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân bình thường, không có sốt, không ho, không viêm phổi và được chuyển đến cách ly tại Trung đoàn 125, xã Cộng Hòa, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm vào ngày 13/5 và đến ngày 15/5 có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được chuyển cách ly, theo dõi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hải Dương.

Trước đó, sáng ngày 15/5 Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 đã cho biết trong số các hành khách trên chuyến bay VN0062 từ Nga về nước đã ghi nhận 24 ca mắc mới COVID-19. Trong số này có 23 ca có tình trạng sức khỏe ổn định, 01 ca có biểu hiện viêm phổi.

Như vậy, cùng với ca bệnh 314, đến thời điểm này trong số các công dân Việt Nam trở về nước từ Nga đã có 25 ca bệnh COVID-19.

Tổng số ca mắc:

- Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 16/5: Đã30 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

- Tính đến 6h ngày 16/5: Việt Nam có tổng cộng 174 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

- Tính từ 18h ngày 15/5 đến 6h ngày 16/5: 01 ca mắc mới là hành khách trên chuyến bay VN0088 về nước ngày 3/5, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Số người cách ly: Tính đến 6h ngày 16/5, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 12.236, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện là 353 người; Cách ly tập trung tại cơ sở khác là 8.492 người và cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 3.391 người

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19:

Đến thời điểm này đã có 260 bệnh nhân COVID-19 tại nước ta được công bố khỏi bệnh/xuất viện. Hiện còn 54 bệnh nhân đang điều trị tại 8cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Đa số các bệnh nhân đều có sức khoẻ ổn định.

Tính đến sáng ngày 16/5, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 3 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 10 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2.

Tình hình điều trị các bệnh nhân nặng:

Đến sáng nay, BN91 (nam phi công người Anh) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh vẫn đang trong tình trạng nguy kịch, 90% phổi đã đông đặc. Bệnh nhân được Hội đồng chuyên môn cùng các chuyên gia thống nhất chỉ định ghép phổi. Hiện các bác sĩ vẫn ưu tiên số 1 là tìm tạng hiến tặng từ người hiến đã chết não.

Tuy nhiên hiện nay, bệnh nhân đang có biểu hiện nhiễm trùng nhiêu tạng. Do đó, các y bác sĩ đang tập trung điều trị nhiễm trùng và hồi sức trước khi thực hiện chỉ định ghép phổi

Đến hôm nay, BN91 đã trải qua gần 2 tháng nằm viện (bệnh nhân nhập viện ngày 18/3), hiện đang là bệnh nhân nặng nhất trong số 54 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta. Bệnh nhân tiếp tục thở máy và được mở khí quản ngày thứ 23, sử dụng ECMO ngày thứ 41, lọc máu, sử dụng thuốc kháng sinh, kháng nấm, bơm rửa màng phổi...

Ngay từ khi nhập viện, bệnh nhân này liên tục tiến triển nặng. Các chuyên gia giải thích, bệnh nhân có yếu tố béo phì với chiều cao 1,83m, nặng 100kg. Thêm đó, cơ thể bệnh nhân phản ứng quá mức với virus SARS-CoV-2, tạo ra “cơn bão cytokine”, tấn công cả tế bào lành. Bệnh nhân này cũng kháng toàn bộ các loại thuốc rối loạn đông máu đang được dùng trong nước, Bộ Y tế đã phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị...

Liên quan đến quy trình ghép phổi của BN91, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, tính đến chiều 15/5, Trung tâm đã nhận được gần 50 lời đề nghị được tặng một phần phổi của bản thân để ghép cho BN 91 Những người đăng ký hiến một phần phổi ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ 21 đến 71 tuổi và đến từ nhiều ngành nghề khác nhau; có người là bác sỹ, điều dưỡng, nhà báo, có người là bộ đội... Một số cá nhân còn bày tỏ được góp kinh phí nếu ca ghép được triển khai.