Bệnh viện Nam Thăng Long: Rác thải y tế bán cho... ve chai, đồng nát

Biên tập viên

Rác thải y tế nguy hại đáng lẽ phải được đưa đi tái chế theo quy định, nhưng tại bệnh viện Nam Thăng Long (Hà Nội) nó lại được bán cho các bà ve chai đồng nát.

Rác tái chế bỏ chung một kho với chất thải nguy hại

Vừa qua, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã “mục sở thị” tại khu tập trung, lưu giữ chất thải của Bệnh viện Nam Thăng Long (địa chỉ 33 Tân Xuân, Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Nơi tập trung chất thải của Bệnh viện được đặt ở cuối khoa Thận nhân tạo, ở đây có một nhà kho dùng để lưu giữ chất thải y tế nguy hại, bên cạnh là khu vực nhà vệ sinh cho bệnh nhân.

Khu tập trung, lưu giữ chất thải của Bệnh viện Nam Thăng Long, bên ngoài biển báo có ký hiệu chất thải nguy hại.

Bên ngoài biển báo có ký hiệu chất thải nguy hại, tuy nhiên trong nhà kho ấy không chỉ có những thùng màu vàng chuyên dụng chứa đầy chất thải y tế nguy hại, mà còn có cơ số những thùng, bao tải, túi nilon đựng rác y tế tái chế từ chai nước, chai nhựa truyền, ống dây truyền, đến vỏ hộp thuốc, bìa cát tông…

Tuy nhiên trong nhà kho ấy không chỉ có những thùng màu vàng chuyên dụng chứa đầy chất thải y tế nguy hại mà còn có cơ số những thùng, bao tải, túi nilon đựng rác y tế tái chế.

Khi PV đến liên hệ làm việc với Bệnh viện Nam Thăng Long, còn bắt gặp hình ảnh các cô hộ lý đi thu gom rác thải y tế nguy hại từ các khoa phòng về và đặt ngay dưới chân ghế ngồi chờ của bệnh nhân.

Không dừng lại ở đó, những gì PV ghi nhận được còn là tình trạng bán chất thải y tế tái chế ra bên ngoài (cho người không đủ điều kiện, chức năng thu mua tái chế) tại Bệnh viện Nam Thăng Long.

Theo đó, sáng ngày 22/3, tại nơi lưu giữ rác thải nguy hại của bệnh viện, PV bắt gặp một người phụ nữ trung niên trùm khăn kín mít, không mặc đồng phục đang tiến hành lấy những vỏ chai nhựa truyền từ trong túi nilon màu xanh cho vào các bao tải lớn.

Hình ảnh người phụ nữ thu mua phế liệu đang lấy những vỏ chai nhựa truyền từ trong túi nilon màu xanh cho vào các bao tải để mang ra ngoài tại nhà chứa chất thải nguy hại của Bệnh viện Nam Thăng Long.

Trò chuyện với PV, người phụ nữ này cho biết: “Tôi mua phế liệu tại đây lâu nên ngửi mùi thuốc quen rồi. Lấy ở đây xong tôi còn lên tầng 4 lấy nữa, lấy về bán được hơn 5 nghìn đồng/kg. Những ống chai truyền này ở bệnh viện nào cũng có, nhưng tôi chỉ chuyên mua ở đây. Bệnh viện này họ chỉ bán cho 1 người thôi, người quen nên người ta mới bán, còn họ không cho người lạ mặt vào đâu. Tôi mua ở đây được 1, 2 lần nên người ta quen dần, sau đó mỗi khi có đầy các ống nhựa truyền này là bệnh viện lại gọi điện thoại cho tới lấy. Tuần tôi lấy 2 lần ở đây xong mang bán cho đại lý thu mua ở ngay chân cầu Thăng Long, mỗi lần đến lấy như này cũng chỉ áng chừng khoảng bao nhiêu kg xong trả tiền cho các cô hộ lý thôi chứ cũng không cân cụ thể”.

 

Rác y tế tái chế bán ra ngoài nhưng bệnh viện không hay biết?

Để làm rõ những vấn đề trên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có buổi làm việc với Bệnh viện Nam Thăng Long. Tại buổi làm việc có ông Vũ Đức Thắng – Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính, ông Nguyễn Đức Quý – Chuyên viên phòng Tổ chức – Hành chính và bà Đỗ Phương Huyền – Tổ trưởng tổ Công tác xã hội (phụ trách truyền thông của bệnh viện).

Trao đổi với PV, ông Vũ Đức Thắng khẳng định: “Rác y tế nguy hại bệnh viện ký hợp đồng thu gom với Công ty Urenco 13, và 2 ngày bên công ty sẽ đến lấy một lần. Ban lãnh đạo bệnh viện không bao giờ có chỉ đạo để chung rác thải nguy hại với rác y tế tái chế trong cùng một kho như vậy. Bệnh viện cũng có đoàn kiểm tra và chúng tôi cũng thường xuyên đi kiểm tra nhưng chưa gặp tình trạng này bao giờ. Còn về việc bán rác thải tái chế ra ngoài thì chúng tôi cấm tuyệt đối. Tôi cũng không nắm được sự việc như các bạn (PV) phản ánh, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại”.

Bệnh viện Nam Thăng long khẳng định: Ban lãnh đạo bệnh viện không bao giờ có chỉ đạo để chung rác thải nguy hại với rác y tế tái chế trong cùng một kho như vậy.

Ông Nguyễn Đức Quý cho biết: “Rác y tế tái chế tại bệnh viện Nam Thăng Long không ký hợp đồng thu gom với công ty nào, vì khối lượng ít nên toàn bộ rác y tế tái chế bệnh viện đều cho vào rác sinh hoạt chuyển đi. Khi thu gom rác tái chế từ các khoa xuống và tập kết bên ngoài kho lưu giữ chất thải nguy hại, khi Công ty Môi trường đô thị đi thu gom rác sinh hoạt thì các nhân viên hộ lý mới xách những túi rác tái chế này ra. Tôi cũng không nắm được việc bán rác tái chế ra ngoài”.

Tuy nhiên, theo PV ghi nhận được tại nhà lưu giữ chất thải nguy hại của Bệnh viện Nam Thăng Long là hình ảnh rác y tế tái chế được chất đầy trong những thùng, những bao tải to, cho thấy khối lượng rác tái chế tại đây không hề nhỏ như lời ông Quý nói.

Số lượng rác thải y tế tái chế mà người phụ nữ thu mua phế liệu mang đi tại Bệnh viện Nam Thăng Long không hề nhỏ.

Ông Quý cũng cho biết thêm: “Cuối tháng 12/2018, Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở TN&MT Hà Nội cũng có đi kiểm tra, và họ cũng không ý kiến gì về việc rác y tế tái chế để lẫn rác sinh hoạt. Và theo quy định của Bệnh viện, thì nhà kho lưu giữ này chỉ dùng để chứa rác thải y tế nguy hại. Bệnh viện cũng đi kiểm tra nhiều lần nhưng không bắt gặp trường hợp bán rác tái chế ra ngoài”.

Như vậy, Bệnh viện Nam Thăng Long khẳng định rác y tế tái chế được bỏ chung cùng với rác sinh hoạt và không có hiện tượng bán ra ngoài. Mặt khác bệnh viện cũng không cho phép để chung rác tái chế trong kho chứa chất thải nguy hại. Bệnh viện còn thành lập một đội kiểm tra thường xuyên, thế nhưng chưa bao giờ bắt gặp trường hợp này !? Sau khi PV hỏi rằng, nếu có tình trạng để chung rác y tế tái chế với rác y tế nguy hại và việc bán rác y tế tái chế ra ngoài thì Bệnh viện Nam Thăng Long sẽ xử lý như thế nào? Trả lời câu hỏi của PV, bà Đỗ Phương Huyền cho biết: “Hiện tại bệnh viện chưa tiếp nhận được thông tin này, chỉ sau khi các bạn (PV) phản ánh thì chúng tôi mới biết. Tôi khẳng định là phía bệnh viện không bán rác tái chế ra ngoài. Bệnh viện sẽ cho rà soát và kiểm tra lại đối với các cá nhân liên quan. Còn xử lý thì thuộc thẩm quyền của ban lãnh đạo bệnh viện”.

Tuy nhiên, những gì lãnh đạo Bệnh viện này khẳng định đều trái ngược hoàn toàn với hình ảnh PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử ghi nhận được.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin!

Theo Môi trường và Đô thị